Điều chỉnh cơ cấu giá điện
Bộ Công Thương mới đây đề xuất điều chỉnh cơ cấu giá bán lẻ điện, trong đó rút ngắn biểu giá điện bậc thang từ 6 bậc xuống còn 5 bậc. Theo đó, cơ cấu giá điện 5 bậc thang gồm bậc 1 là 100 kWh đầu tiên, bậc 2 từ 101 - 200 kWh, bậc 3 từ 201 - 400 kWh, bậc 4 từ 401 - 700 kWh và bậc 5 từ 701 kWh trở lên.
So với hiện nay, bậc thấp nhất sẽ được điều chỉnh lên 100 kWh thay vì 50 kWh như trước, trong khi bậc cao nhất sẽ tính từ 701 kWh trở lên. Mức giá thấp nhất ở bậc 1 giữ nguyên là 1.893 đồng/kWh và mức giá cao nhất ở bậc 5 là 3.786 đồng/kWh (chưa tính thuế VAT).
![dieu-chinh-dien-1-1739235858.jpeg](https://dothi.reatimes.vn/uploads/images/2025/02/11/dieu-chinh-dien-1-1739235858.jpeg)
Các chuyên gia đánh giá, việc rút gọn số bậc thang sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng theo dõi mức tiêu thụ điện của mình, đồng thời đơn giản hóa quá trình tính toán hóa đơn hàng tháng. Giá điện cao hơn ở các bậc sử dụng lớn sẽ khuyến khích các hộ gia đình tiết kiệm điện, giảm áp lực cho lưới điện và tiết kiệm chi phí cho cả người tiêu dùng lẫn nhà cung cấp.
Đây có thể là bước đầu tiên trong quá trình hướng tới một hệ thống giá điện hợp lý hơn, phù hợp với chiến lược phát triển thị trường điện cạnh tranh trong tương lai.
Tuy nhiên, điều này khiến nhiều công nhân tại các khu nhà trọ lo ngại chi phí điện sinh hoạt sẽ tăng cao. Bởi họ thường phải trả tiền điện theo thỏa thuận với chủ trọ, chứ không phải mức giá Nhà nước quy định. Thu nhập vốn chỉ đủ để trang trải các chi phí thiết yếu, nên nếu giá điện tăng, nhiều công nhân sẽ phải tăng thêm áp lực tài chính.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh đang thuê trọ trên đường An Dương Vương (quận 6, TP. HCM). Gia đình 5 người của chị Thanh tiêu thụ trung bình 300kWh điện mỗi tháng, tháng cao điểm nắng nóng có thể lên tới 450kWh, dẫn đến hóa đơn tiền điện có lúc lên tới 1,5 triệu đồng. Mặc dù gia đình chị cố gắng tiết kiệm, nhưng tháng nào chị cũng phải chi trả một khoản lớn cho điện.
Chị Thanh làm công nhân một cơ sở túi xách, thu nhập hàng tháng chỉ khoảng 7 triệu đồng. Còn chồng chị làm lao động tự do, thu nhập không ổn định. Con trai lớn mới học việc, lương chỉ đủ chi phí đi lại và ăn uống cá nhân. Vì vậy, gia đình chị đang phải sống trong điều kiện khá chật vật. Tin tức về việc giá điện có thể tăng khiến chị càng lo lắng.
Chị Thanh chia sẻ, phòng trọ chật hẹp, trong khi gia đình có tới 5 người nên vào ban đêm, chị phải sử dụng máy lạnh để các con có thể ngủ ngon. Nếu giá điện tăng, gia đình chị sẽ phải tính toán lại, giảm sử dụng máy lạnh và các thiết bị điện khác để tiết kiệm chi phí.
Cùng chung lo lắng, vợ chồng chị Trần Thị Lan công nhân tại khu chế xuất Linh Trung I (TP. Thủ Đức) cũng không khỏi băn khoăn trước đề xuất thay đổi cơ cấu giá điện. Gia đình chị có 4 thành viên. Dù chị được đăng ký định mức điện, nhưng chủ nhà vẫn thu tiền điện với mức giá đồng nhất 3.000 đồng/kWh tại tất cả các phòng.
Mỗi tháng, dù chỉ bật điều hòa vào những đêm oi nóng, gia đình chị cũng phải trả từ 700.000 - 800.000 đồng tiền điện. Nếu giá điện tăng, gia đình chị sẽ phải giảm bớt việc sử dụng các thiết bị này.
![dieu-chinh-dien-1739235858.jpg](https://dothi.reatimes.vn/uploads/images/2025/02/11/dieu-chinh-dien-1739235858.jpg)
Áp lực với cả người thuê lẫn chủ trọ
Chị Phạm Thị Ngọc - công nhân tại khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP. HCM) hiện có thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm nghề thu mua đồ cũ, sửa chữa, rồi bán lại, nhưng thu nhập không ổn định. Riêng tiền nhà trọ, điện, nước đã chiếm hơn 3 triệu đồng/tháng, tương đương một nửa thu nhập của chị. Trong đó, tiền điện mỗi tháng dao động khoảng 600.000 đồng (với giá 3.000 đồng/kWh).
Để tiết kiệm, chị Ngọc sử dụng rất ít thiết bị điện trong phòng trọ. Chị cho hay, với thu nhập hiện tại, vợ chồng chị đã phải sống chật vật. Nếu tiền điện tăng, chị chỉ có thể cắt giảm chi tiêu cho việc ăn uống.
Không chỉ người thuê trọ, nhiều chủ nhà trọ cũng lo ngại về ảnh hưởng của việc tăng giá điện. Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan - chủ nhà trọ trên đường Võ Văn Vân (huyện Bình Chánh, TP. HCM) cho biết, bà đang thu tiền điện với mức giá 3.000 đồng/kWh. Hàng tháng, bà phải bù lỗ từ vài trăm ngàn đồng đến 1 triệu đồng do hao hụt điện và chi phí công cộng.
Với dự định giảm số bậc trong biểu giá điện từ 6 xuống 5, trong đó mức giá cao nhất có thể lên đến gần 3.786 đồng/kWh, bà lo ngại sẽ phải tăng giá điện với người thuê trọ. Điều này càng làm cho đời sống của công nhân thêm khó khăn.
Bà Đào Thị Hoa - chủ nhà trọ tại phường 14 (quận Gò Vấp, TP. HCM) cho rằng, nếu áp dụng biểu giá điện như đề xuất, sẽ gây khó khăn không chỉ cho công nhân mà còn cho các chủ nhà trọ. Hiện tại, giá điện tại khu trọ của bà Hoa là 3.000 đồng/kWh, chưa tính VAT và hao hụt điện.
Trong đợt tăng giá điện trước đây, bà Hoa đã tự bỏ tiền chi trả khoản chênh lệch này. Bà cũng miễn phí tiền nước và giữ nguyên giá phòng trọ trong nhiều năm qua để hỗ trợ công nhân.
Tuy nhiên, nhiều chủ nhà trọ chia sẻ, họ vẫn phải tính toán các chi phí để đảm bảo thu nhập trang trải cho gia đình. Nếu biểu giá điện thay đổi, nhiều chủ nhà trọ sẽ buộc phải điều chỉnh giá điện tại các phòng trọ.