Người đủ khả năng, điều kiện mà không tham gia chữa cháy sẽ bị xử phạt

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh đánh giá, việc hoàn thiện các quy định pháp luật về PCCC là một bước đi quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Đặc biệt, dự thảo lần này đề xuất những người có đủ điều kiện mà không tham gia chữa cháy sẽ bị xử phạt lên đến 5 triệu đồng. Đây là một điểm mới và có ý nghĩa khuyến khích phát huy trách nhiệm cộng đồng.

Tăng nặng các mức xử phạt

Luật phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) đã được Quốc hội thông qua, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Để phù hợp với luật mới, nhiều hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH sẽ được điều chỉnh và mức phạt cũng sẽ tăng lên.

Hiện Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo lần 2 của nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH, trong đó mức phạt tối đa đối với cá nhân là 50 triệu đồng và tổ chức là 100 triệu đồng.

tang-phat-1739249269.jpg
Bộ Công an đề xuất tăng mức xử phạt nhiều vi phạm trong phòng cháy chữa cháy

Theo dự thảo, các hành vi như mang bật lửa, điện thoại di động, nguồn lửa, hoặc dụng cụ sinh lửa vào nơi có quy định cấm liên quan đến phòng cháy chữa cháy sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng, mức phạt này tăng mạnh so với mức 100.000 - 300.000 đồng theo Nghị định 144/2021 hiện hành.

Các hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy chữa cháy sẽ bị phạt từ 5 - 7 triệu đồng, cao hơn nhiều so với mức phạt 300.000 - 500.000 đồng hiện tại.

Ngoài ra, hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa ở những nơi có quy định cấm hoặc hàn, cắt mà không có biện pháp phòng cháy chữa cháy sẽ bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng, mức phạt sẽ tăng gấp đôi nếu xảy ra cháy. Người không tham gia chữa cháy hoặc cứu hộ khi có khả năng và điều kiện sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng.

Mức phạt từ 3 - 5 triệu đồng cũng được đề xuất đối với các lỗi như không chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, nguồn nước và các điều kiện khác phục vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, hoặc không tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Dự thảo cũng quy định mức phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với hành vi tự ý vào khu vực chữa cháy khi không được phép. Mức phạt từ 10 - 15 triệu đồng sẽ áp dụng đối với hành vi lấn chiếm, bố trí vật cản gây cản trở hoạt động của phương tiện chữa cháy và từ 15 - 25 triệu đồng đối với hành vi cản trở lực lượng, phương tiện chữa cháy.

Hành vi không thực hiện hoặc không duy trì đường giao thông cho phương tiện chữa cháy có thể bị phạt tới 30 - 40 triệu đồng, tăng so với mức phạt hiện hành từ 5 - 10 triệu đồng. Đối với hành vi báo cháy giả hoặc báo tình huống cần cứu nạn cứu hộ giả, mức phạt sẽ là từ 5 - 10 triệu đồng, trong khi hiện tại mức phạt đối với cá nhân là từ 4 - 6 triệu đồng.

Đặc biệt, dự thảo quy định một nội dung hoàn toàn mới, đó là phạt tiền 40 - 50 triệu đồng với hành vi không có giải pháp ngăn cháy đối với khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà.

Nâng cao trách nhiệm của người dân

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình với việc đề xuất nâng mức xử phạt đối với vi phạm về phòng cháy chữa cháy của Bộ Công an. Theo ông, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, đặc biệt là ở các đô thị lớn, liên quan đến nhà hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà ở kết hợp kinh doanh, gây thiệt hại cả về người và tài sản.

Ông Cừ cho rằng, mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền, giáo dục và xử lý nghiêm, nhưng tại một số nơi, việc thực hiện các quy định vẫn còn hạn chế. Vì vậy, Bộ Công an nâng mức xử phạt là cần thiết để nâng cao ý thức chấp hành quy định về phòng cháy chữa cháy, từ đó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

tang-phat-1-1739249269.jpg
Tăng nặng xử phạt về phòng cháy chữa cháy là cần thiết để đảm bảo an toàn cộng đồng

Trong khi đó, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng đánh giá, việc hoàn thiện các quy định pháp luật về PCCC là một bước đi quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Đặc biệt, dự thảo lần này đề xuất xử phạt những người có đủ điều kiện mà không tham gia chữa cháy, với mức lên đến 5 triệu đồng.

Đây là một điểm mới và có ý nghĩa khuyến khích phát huy trách nhiệm cộng đồng. Việc không đứng ngoài cuộc trong các tình huống khẩn cấp sẽ góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản của những người xung quanh. Đồng thời, việc này cũng góp phần tăng cường tính kỷ luật trong công tác PCCC, giúp mọi người nhận thức rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác phòng cháy chữa cháy.

Về đề xuất nâng mức phạt liên quan đến lắp đặt, quản lý và sử dụng điện, PGS.TS Ngô Văn Xiêm - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, đánh giá, điều này sẽ giúp nâng cao ý thức của người dân về phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là trong việc sử dụng điện.

Ngoài ra, việc bổ sung quy định yêu cầu có giải pháp ngăn cháy tại khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà và quy định xử phạt nặng nếu không thực hiện là rất cần thiết. Mức phạt nghiêm khắc sẽ tác động tích cực đến nhận thức của chủ nhà và chủ cơ sở kinh doanh, nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy, giúp ngăn ngừa rủi ro từ sớm.

Tuy nhiên, ông Xiêm nhấn mạnh trước khi áp dụng xử phạt, cơ quan chức năng cần phải hướng dẫn rất cụ thể cho người dân về các giải pháp ngăn cháy, cách thức thực hiện, khu vực ngăn cháy cần được bố trí ra sao, cũng như vật liệu nào sẽ được sử dụng để đảm bảo an toàn.

Bà Phạm Thị Thu Hằng - Phó Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội PCCC và CNCH Việt Nam chia sẻ, dù đã có quy định về các hành vi vi phạm, nhưng chúng chưa đủ rõ ràng và chế tài xử phạt vi phạm hành chính vẫn ở mức răn đe, chưa tương xứng với mức độ thiệt hại mà các hành vi này gây ra.

Hiện nay, mức phạt được đánh giá là quá thấp, khiến người dân dễ chủ quan. Do đó, tăng mức phạt kết hợp với tuyên truyền và phổ biến kiến thức về PCCC là một biện pháp phòng ngừa quan trọng. Nâng mức phạt sẽ tác động trực tiếp đến tài chính của cá nhân vi phạm, sẽ góp phần làm giảm các hành vi vi phạm, từ đó bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân và mang lại lợi ích lớn cho xã hội.