Bị phạt tới 50 triệu đồng nếu không có giải pháp ngăn cháy tại khu sạc xe điện

Bộ Công an đang đề xuất nâng mức phạt tiền với một số vi phạm liên quan đến phòng cháy chữa cháy trong lắp đặt, quản lý và sử dụng điện. Đặc biệt, dự thảo bổ sung một quy định mới là phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi không có giải pháp ngăn cháy tại khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà.

Hơn 70% nguyên nhân cháy do điện

Gia đình anh Bùi Hoàng Điệp (quận Hà Đông, Hà Nội) từng gặp phải một vụ cháy mà đến nay khi nhắc lại, anh vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh Điệp cho biết, hỏa hoạn xảy ra vào khoảng 1 giờ sáng, khi cả gia đình đang ngủ. Khói bốc lên khắp các phòng trong ngôi nhà 4 tầng của anh.

May mắn là mọi người đã kịp thời chạy lên tầng thượng chờ lực lượng cứu hộ đến giải cứu. Nguyên nhân vụ cháy sau đó được xác định do chập điện. Anh Điệp bảo, trước đó anh đã phát hiện dấu hiệu chập điện ở khu vực bếp, nhưng anh chủ quan không xử lý ngay.

chay-chap-dien-1736768202.jpg
Nhiều vụ cháy xuất phát tự sự cố chập cháy điện

Thực tế ghi nhận đã có nhiều vụ cháy nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua có nguyên nhân xuất phát từ sự cố chập điện. Một trong những vụ điển hình là vụ cháy tại phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) làm 14 người chết. Nguyên nhân do chập mạch điện ở khu vực đầu xe máy điện.

Hay vụ cháy tại căn chung cư mini ở phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vào ngày 12/9/2023 khiến 56 người tử vong và 37 người bị thương. Nguyên nhân được xác định là do chập mạch điện tại khu vực đường dây dẫn điện của bình ắc quy xe mô tô.

Một vụ cháy khác xảy ra vào ngày 21/4/2022 tại số 116 Khu tập thể B9 Kim Liên (phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) khiến 5 người thiệt mạng. Nguyên nhân được xác định là do chập điện ắc quy xe máy ở tầng 1 của ngôi nhà. Những vụ cháy này là lời cảnh tỉnh về tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và ý thức trong việc sử dụng điện an toàn trong mỗi gia đình.

Theo thống kê từ Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các vụ cháy có nguyên nhân từ sự cố hệ thống và thiết bị điện chiếm tỷ lệ cao nhất, lên đến hơn 70%. Điều này phản ánh nhận thức của người dân về việc đảm bảo an toàn điện và phòng cháy chữa cháy vẫn còn hạn chế.

Ông Vũ Thanh Tùng, Phó phòng Kỹ thuật Công ty Điện lực Hà Đông (Hà Nội) cho biết, có nhiều nguyên nhân gây ra chập điện, như việc quá tải hệ thống khi sử dụng dây dẫn có tiết diện không phù hợp, không lắp đặt thiết bị bảo vệ, hoặc mối nối và điểm tiếp xúc kém chất lượng dẫn đến sự cố chập điện gây cháy nổ. Thực tế cho thấy, không phải lúc nào người dân cũng nhớ tắt các thiết bị điện để đảm bảo an toàn, cả về điện năng lẫn phòng chống cháy nổ.

chay-chap-dien-1-1736768202.jpg
Nguyên nhân vụ cháy tại phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) do chập mạch điện ở khu vực đầu xe máy điện 

Nâng cao mức xử phạt

Nhằm hạn chế tình trạng này, Bộ Công an đang soạn thảo dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

Trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất nâng mức phạt tiền đối với một số vi phạm liên quan đến PCCC trong việc lắp đặt, quản lý và sử dụng điện. Cụ thể, mức phạt sẽ tăng từ 6 - 8 triệu đồng (so với mức hiện hành là 2 - 5 triệu đồng) đối với hành vi lắp đặt và sử dụng dây dẫn điện, thiết bị điện, thiết bị đóng ngắt và bảo vệ không đảm bảo an toàn phòng cháy.

Đối với hành vi sử dụng thiết bị điện không đảm bảo yêu cầu phòng nổ trong môi trường nguy hiểm cháy nổ hoặc không đảm bảo hệ thống điện phục vụ công tác PCCC, mức phạt sẽ được nâng lên từ 10 - 15 triệu đồng (trước đây là 5 - 10 triệu đồng).

Hành vi không có hệ thống điện phục vụ PCCC sẽ bị phạt từ 25 - 30 triệu đồng, thay vì mức 15 - 25 triệu đồng như hiện nay.

Đặc biệt, dự thảo còn bổ sung một quy định mới là phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi không có giải pháp ngăn cháy tại khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà.

Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây. Luật quy định rõ các yêu cầu về an toàn phòng cháy đối với khu vực sạc điện cho xe động cơ điện trong nhà, trong đó yêu cầu phải có giải pháp bảo đảm an toàn cháy nổ. Với khu vực sạc điện tập trung trong nhà, cần có giải pháp ngăn cháy và trang bị các phương tiện chữa cháy phù hợp, đạt tiêu chuẩn.

Theo Bộ Công an, nhằm bảo đảm tính đồng bộ với quy định mới, một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực PCCC và CNCH cần được điều chỉnh, trong đó có việc nâng mức phạt tiền để phù hợp với các lĩnh vực khác, qua đó tăng cường tính răn đe và phòng ngừa các nguy cơ cháy nổ trong xã hội.

Về đề xuất trong dự thảo, luật sư Nguyễn Thị Thúy - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, việc quy định chi tiết và áp dụng mức phạt tiền nghiêm khắc sẽ góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về PCCC, đặc biệt là các quy định liên quan đến an toàn điện. Đồng thời, sẽ có tác động trực tiếp đến nhận thức và hành động của chủ nhà, chủ cơ sở kinh doanh. Khi ý thức được nâng cao, nguy cơ cháy nổ có thể được ngăn chặn ngay từ đầu.

Luật sư Nguyễn Thị Thúy đánh giá, việc quy định các giải pháp ngăn cháy đối với khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà là rất cần thiết. Với số lượng xe điện ngày càng tăng, đặc biệt là tại các khu chung cư và nhà trọ, tiềm ẩn nhiều rủi ro về cháy nổ.

Việc đưa ra quy định cụ thể và áp dụng mức phạt cao nhất với các vi phạm liên quan sẽ giúp người dân và doanh nghiệp nâng cao cảnh giác, phòng ngừa những nguy cơ có thể xảy ra.