Phê duyệt đề án lấy nước sông Hồng
Sáng 14/1, tại Hội nghị Hội đồng Điều phối Vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ 5, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc Hà Nội đề nghị phê duyệt khẩn cấp dự án cấp nước từ sông Hồng để hồi sinh sông Tô Lịch. Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý phê duyệt đề án này.
Theo đó, Hà Nội xin phép xây dựng công trình khẩn cấp để bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường. Chính quyền thành phố cho rằng, việc khôi phục sông Tô Lịch là nhiệm vụ cấp bách để cải thiện cảnh quan và giải quyết ô nhiễm môi trường. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 550 tỷ đồng từ ngân sách thành phố và cam kết hoàn thành trước tháng 9 năm nay.
Để bổ sung nước cho sông Tô Lịch và hồ Tây, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thành phố cần xây dựng một trạm bơm từ sông Hồng và hệ thống đường ống dẫn nước vào hồ Tây và sông Tô Lịch. Trạm bơm sẽ được xây dựng ngoài đê bờ hữu sông Hồng, kết hợp với hệ thống đường dẫn nước.
Sở Xây dựng tính toán, công trình đầu mối trạm bơm sẽ được xây dựng tại khu vực phường Phú Thượng (quận Tây Hồ), nằm ngoài hành lang bảo vệ cầu Nhật Tân. Về điểm cắt đê, tuyến ống dẫn nước sẽ đi qua đê Hữu Hồng - đường An Dương Vương dưới gầm cầu Nhật Tân.
Về giải pháp kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất lưu lượng bổ sung nước cho sông Tô Lịch và hồ Tây là 3,0m3/s. Đường ống dẫn nước có đường kính D1200, bao gồm 2 đường ống thép và 1 ống dự phòng, được đặt trong hộp bê tông cốt thép. Dự kiến sẽ xây dựng 3 đập dâng tại các vị trí cống Mọc, cầu Dậu và trước ngã ba sông Tô Lịch - sông Kim Ngưu.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP cùng Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, rà soát hiện trạng các cửa xả nước thải xuống sông Tô Lịch.
Sử dụng dòng chảy từ sông Đà
Ngoài giải pháp lấy nước từ sông Hồng, mới đây các nhà khoa học đã đề xuất thêm một giải pháp là lấy nước sông Đà để “hồi sinh” sông chết ở Thủ đô. Cụ thể, theo PGS.TS Khổng Doãn Điền - Chủ tịch Hội Cơ học Hà Nội, giải pháp sử dụng nước sông Đà sẽ tận dụng địa hình dốc từ Ba Vì về Hà Nội, cung cấp nguồn tự chảy cho các con sông lớn của Thủ đô như sông Nhuệ, sông Đáy và sông Tô Lịch.
Giải pháp của Hội Cơ học là lấy nguồn nước sông Đà qua cống Thuần Mỹ. Cống này có khả năng dẫn khoảng 100 m3/s nước từ sông Đà vào sông Tích, từ đó chảy tự nhiên về Sơn Tây. Tại cống Sơn Tây, nước sẽ được chuyển qua sông Tích về sông Bùi, rồi theo đường trục quy hoạch Tây Thăng Long chảy về sông Đáy. Tiếp đó, nước xả vào sông Nhuệ, sông Tô Lịch cùng hồ Tây.
Theo phương án này, đoạn từ Sơn Tây đến vành đai 4 (khoảng 20 km) sẽ là đất nông nghiệp đã được cắm mốc chỉ giới. Khu vực này sẽ được xây dựng thành kênh hở, với kênh dẫn nước phía dưới và đường giao thông phía trên. Đoạn từ đường vành đai 4 đến đường Võ Chí Công (dài khoảng 10 km) sẽ được xây dựng thành kênh hộp đi ngầm dưới hè đường, nhằm tiết kiệm mặt bằng và bảo vệ cảnh quan đô thị.
Giải pháp này không chỉ tận dụng được lợi thế tự nhiên mà còn đảm bảo chi phí vận hành thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế hiện tại. Sông Đà có cao trình nước cao hơn nhiều so với sông Hồng, cung cấp tới 40% lưu lượng của sông Hồng. Nguồn nước từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình luôn ổn định và sạch sẽ, rất thích hợp cho việc cung cấp nước tự nhiên cho các con sông của Hà Nội.
PGS.TS Khổng Doãn Điền cho biết, giải pháp cung cấp nước tự chảy này có nhiều ưu điểm: Thứ nhất, chi phí thấp và hiệu quả cao khi sử dụng dòng chảy tự nhiên, không cần chi phí vận hành như các trạm điện.
Thứ hai, cải thiện chất lượng nước và môi trường, vì nguồn nước từ sông Đà luôn sạch, nhờ quá trình lắng đọng bùn cát và tạp chất qua các hồ chứa như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và các hồ thủy điện trên các nhánh sông (Huội Quảng, Bản Chát, Nậm Chiến, Nậm Na...).
Thứ ba, đảm bảo nguồn nước ổn định cho sản xuất nông nghiệp, với việc phân phối hợp lý giúp phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trồng rau sạch và nuôi thủy sản chất lượng. Bên cạnh đó, tuyến kênh và đường dẫn nước sạch sẽ có tiềm năng phát triển thành tuyến du lịch nội địa, hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế xanh.
Thứ tư, hệ thống cung cấp nước thô từ sông Đà sẽ giảm dần khai thác nước ngầm, đảm bảo nguồn nước bền vững cho Hà Nội.
Thứ năm, tại cống Thuần Mỹ, có thể kết hợp thiết kế một nhà máy thủy điện cột nước thấp với công suất hàng trăm megawatt, tăng thêm giá trị kinh tế cho dự án.
Tuy nhiên, PGS.TS Khổng Doãn Điền cũng nhận định, dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng phương án này cũng đối mặt với thách thức, bao gồm khai thác cát trái phép và biến đổi dòng chảy làm giảm cao trình nước sông Đà, gây khó khăn cho việc lấy nước vào sông Tích.
Vì vậy, việc xây dựng đập dâng là điều cần thiết để bảo đảm tính ổn định và bền vững cho giải pháp này. Đập dâng không chỉ phục vụ giải pháp cung cấp nước mà còn tạo ra kho nước dự trữ, giúp Hà Nội chủ động ứng phó với thời tiết bất thường.
Việc hồi sinh các dòng sông của Thủ đô Hà Nội cần được coi là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển bền vững. Đây là một dự án đầu tư một lần với chi phí hợp lý nhưng mang lại giá trị lâu dài, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế lớn mà còn cải thiện môi trường đáng kể. Dự án này hứa hẹn sẽ giúp Hà Nội trở nên xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững, xứng đáng với vị trí là một Thủ đô hiện đại, ngang tầm với các thành phố tiên tiến trên thế giới.