Hà Nội: Hàng nghìn người phải chạy lũ đã trở về nhà

Đến cuối tuần này có 43.972 người dân phải di dời tạm thời do lũ dâng trên địa bàn Hà Nội đã quay về nhà. Nắng lên, nước rút lại đúng dịp cuối tuần nên rất nhiều người dân mang chổi, hót rác ra đường vệ sinh, dọn dẹp.

Do ảnh hưởng nước lũ lên cao, các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã tổ chức di dời 75.297 người đến nơi an toàn. Sau khi nước sông Hồng xuống dưới mức báo động 1, nhiều người dân đã quay trở về nhà, chủ yếu tập trung tại địa bàn các quận: Tây Hồ, Thanh Trì, Bắc Từ Liêm, Hoàn Kiếm...

Đến cuối ngày 14/9, có 43.972 người đã quay về nhà. Để nhanh chóng ổn định cuộc sống cho người dân, các quận, huyện, thị xã đã huy động 100% lực lượng tham gia dọn vệ sinh môi trường với số lượng khoảng 139.000 người.

43.972 người phải di dời do nước lũ dâng, đã quay về nhà (Ảnh: VTV)

Nắng lên, nước rút lại đúng dịp cuối tuần, rất nhiều người dân mang chổi, hót rác ra đường vệ sinh, dọn dẹp. Bà Thanh (ngõ Chương Dương Độ, Hoàn Kiếm) chia sẻ, nước rút đến đâu dọn đến đó. Tối qua, khi mực nước rút đến cổ chân, bà phải dùng chổi liên tục khuấy nước để bùn không đọng lại trong nhà. Hàng loạt vật dụng sinh hoạt bị chìm trong nước lũ và ngập trong bùn đất, một số vẫn có thể tái sử dụng sau khi được vệ sinh sạch sẽ, nhưng nhiều món đồ phải bỏ đi hoàn toàn.

Anh Trần Văn Chung (Chương Dương Độ) cũng chia sẻ, từ đêm 13/9, khi thấy nước rút đáng kể, mọi người đã gọi nhau trở về để bắt đầu dọn dẹp nhà cửa. Việc dọn dẹp có thể sẽ kéo dài vài ngày, thậm chí có nhà phải dọn dẹp cả tuần vì bùn đất bám chặt lên tường và sàn nhà.

Người dân tranh thủ cuối tuần dọn dẹp đường sá (Ảnh: Quốc Phương/Giao thông)

Lực lượng vệ sinh môi trường tích cực dọn dẹp các con đường ven sông Hồng ở quận Hoàn Kiếm. Trước đó, do nước sông Hồng dâng cao, một số tuyến phố thuộc phường Phúc Xá, như phố Tân Ấp, một phần phố Nghĩa Dũng, phố Phúc Xá… đã ngập nước. Nhiều người dân cũng tất bật hỗ trợ lực lượng chức năng dọn dẹp đường sá.

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hiện một số huyện như Chương Mỹ, Thạch Thất, Ứng Hòa… vẫn còn tình trạng úng ngập. Do đó, khoảng hơn 31.000 người dân tiếp tục ở tại nơi tạm cư được chính quyền các cấp bố trí.

Lực lượng vệ sinh môi trường dọn rửa đường sá (Ảnh: Quốc Phương/Giao thông)

Ông Đào Quang Khải - Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cũng cho hay, các khu dân cư nằm ngoài bãi sông vẫn chịu tình trạng ngập lụt và tiềm ẩn nguy hiểm. Ông đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai các phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, kiên quyết di dời người dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm.

Hiện tại, mực nước sông Tích, sông Bùi và sông Nhuệ vẫn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ông cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã dừng bơm nước ra các hệ thống sông này để đảm bảo an toàn cho các khu vực xung quanh.

Thu dọn cây xanh gãy, đổ ở các quận hoàn thành trước ngày 20/9

Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu Chủ tịch các quận huy động lực lượng thu dọn và vận chuyển toàn bộ cành cây, lá cây bị gãy đổ đến các điểm tập kết xử lý của thành phố. Quá trình xử lý sẽ được chia ra làm hai phần: Vận chuyển xử lý rác và tập kết riêng các cành củi, gỗ.

Trường hợp các điểm xử lý không đủ khả năng đáp ứng, Chủ tịch các quận được chỉ đạo chủ động bố trí các điểm tập kết tạm thời trong khu vực quận để đảm bảo việc thu dọn sạch sẽ các tuyến phố, sau đó vận chuyển đến điểm xử lý chính thức.

Chủ tịch TP. Hà Nội nhấn mạnh, các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Tây Hồ phải hoàn thành việc thu dọn, vận chuyển về điểm tập kết và tẩy rửa vệ sinh môi trường trước ngày 15/9. Ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội được giao nhiệm vụ chỉ đạo UBND các quận và sở, ngành đảm bảo việc thu dọn cây xanh gãy, đổ trên địa bàn sẽ hoàn tất trước ngày 20/9.