Hà Nội: Tình người gắn kết hơn trong những ngày “chạy lũ”

Khi mực nước sông dâng cao, tràn vào nhiều nhà, buộc các hộ dân phải di dời đến nơi an toàn. Thời điểm này, ngoài hỗ trợ từ chính quyền, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng đã được thể hiện rõ khi mọi người tích cực giúp đỡ lẫn nhau. Sự hỗ trợ được dành cho tất cả mọi người, không phân biệt là người dân địa phương hay các hộ thuê trọ.

Nhiều người vẫn chưa thể về nhà

Những ngày này, hàng chục nghìn người phải "chạy lũ" ở Hà Nội đã trở về nhà. Tại nhiều khu vực, người dân tập trung hỗ trợ lực lượng chức năng dọn dẹp vệ sinh môi trường, nhà cửa, đường sá phòng chống dịch bệnh và sớm ổn định lại cuộc sống.

Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn còn khoảng 23.000 người phải sơ tán vì ngập lụt, tập trung chủ yếu tại các huyện Chương Mỹ, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Mỹ Đức... Các địa phương tiếp tục huy động nguồn lực để hỗ trợ người dân bị ngập lụt tại nơi sơ tán vượt qua khó khăn.

Hàng chục nghìn người dân Hà Nội đã phải "chạy lũ"

Tại huyện Chương Mỹ, đến thời điểm này vẫn còn 58 thôn thuộc 12 xã ven sông Bùi và 3 xã ven sông Đáy bị ngập lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến 5.232 hộ dân với tổng cộng 23.452 người. Để đảm bảo an toàn, ngành điện đã tạm ngừng cung cấp điện cho 3.384 hộ dân có nhà bị ngập sâu. Hiện có 2.112 hộ, tương đương 8.860 người, đã được sơ tán và vẫn chưa thể trở về nhà do nước chưa rút hết.

Để hỗ trợ người dân Chương Mỹ vượt qua khó khăn trong những ngày ngập lụt, Sở Y tế Hà Nội đã cung cấp 27.000 lọ/tuýp thuốc kháng sinh đường ruột, thuốc điều trị tiêu chảy, viêm ruột, rối loạn tiêu hóa, cũng như thuốc sát khuẩn, điều trị da liễu, viêm da, nấm ngoài da, viêm da tiếp xúc và thuốc nhỏ mắt.

Thành phố Hà Nội cũng đã hỗ trợ thêm 3,5 tấn gạo, 400 thùng nước lọc và 96 thùng lương khô. Huyện Quốc Oai cũng đã gửi hỗ trợ 2 tấn gạo, 200 thùng mì tôm, 200 chai nước mắm và 100 bình nước uống loại 5 lít/bình. Sự ủng hộ của cộng đồng dành cho người dân Chương Mỹ rất lớn, bao gồm 72 triệu đồng từ con em quê hương và 150 triệu đồng từ Công ty Sơn Hà.

Tinh thần tương thân tương ái mùa lũ

Quận Hoàn Kiếm có hai phường nằm ngoài bãi sông Hồng, nơi hàng trăm hộ gia đình sinh sống ngay sát mép sông. Khi mực nước sông dâng cao, đã tràn vào nhiều nhà, buộc các hộ dân phải di dời đến nơi an toàn.

Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đã nhanh chóng sắp xếp nơi tạm cư, đảm bảo nhu cầu ăn ở cho người dân. Ngoài hỗ trợ từ chính quyền, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng đã được thể hiện rõ khi mọi người tích cực giúp đỡ lẫn nhau.

Người dân hỗ trợ nhau di chuyển tài sản thời điểm nước lũ dâng cao

Thời điểm đó, trên các trang fanpage của phường Nhật Tân và phường Chương Dương, nhiều lời kêu gọi và đề nghị giúp đỡ đã xuất hiện như: "Tôi còn 3 phòng chưa sử dụng, ai cần tránh lũ hãy liên hệ…" hay "tối nay gia đình tôi nấu xôi để gửi tới bà con phải di dời, mong các tình nguyện viên đến giúp đỡ…".

Sự hỗ trợ được dành cho tất cả mọi người, không phân biệt là người dân địa phương hay các hộ thuê trọ, mọi người đều được giúp đỡ tận tình từ di chuyển đồ đạc tới cung cấp lương thực.

Chị Tuyết Anh - một cư dân ở phố Bạch Đằng (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, gia đình chị có con nhỏ mới hơn 2 tháng tuổi. Khi nước dâng cao, chị muốn sơ tán về nhà mẹ đẻ, nhưng nơi đây cũng bị ngập và mất điện. Chị đang không biết phải làm sao thì lực lượng chức năng đã đến, giúp chị vận chuyển đồ đạc đến nơi an toàn. Trên đường đi, chị còn gặp các chiến sĩ công an, dân phòng, thanh niên không ngại mưa gió, nhiệt tình hỗ trợ người dân. Điều đó khiến chị cảm thấy ấm lòng vô cùng.

Còn bà Vũ Thị Ngoan (phố Tân Ấp) cho hay, các con bà đều đi làm xa, ở nhà chỉ còn hai bà cháu. Khi nước sông dâng cao, bà không biết phải xoay xở ra sao. May mắn, bà được chính quyền, các tình nguyện viên và những nhà hảo tâm hỗ trợ kịp thời. Nhờ vậy, hai bà cháu không chỉ có nơi trú ẩn an toàn mà còn được cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm cùng các vật dụng sinh hoạt cần thiết trong suốt những ngày tránh lũ.

Cơn bão đã qua, nước lũ cũng đang dần rút, mọi người bắt đầu trở lại với nhịp sống thường ngày. Tuy nhiên, tình cảm và sự đoàn kết trong những lúc khó khăn sẽ mãi in sâu trong lòng mỗi người sau trận bão lũ kỷ lục này.

Xuất hiện cơn bão số 4

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, Lúc 13h ngày 16/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,1 độ vĩ bắc, 123,9 độ kinh đông, trên vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines).

Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, gần Biển Đông đang xuất hiện áp thấp nhiệt đới. Sau khi di chuyển vào Biển Đông, khoảng ngày 18/9, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành cơn bão số 4 năm 2024.

Tuy nhiên, bão số 4 sẽ không thể có cường độ mạnh như bão số 3 bởi điều kiện môi trường hiện nay không thuận lợi và phải chia sẻ năng lượng với một cơn bão đang hoạt động ở phía tây bắc Thái Bình Dương.

Theo ông Nguyễn Văn Hường, bão số 4 có thể xảy ra 2 kịch bản. Thứ nhất, bão có khả năng di chuyển về phía khu vực Trung Trung Bộ. Tác động của bão đối với khu vực trên sẽ có thể rơi vào khoảng ngày 19 - 20/9.

Thứ hai, bão đổi hướng và di chuyển theo hướng Tây Bắc đi về phía khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Nếu diễn ra theo kịch bản này, tác động của bão đến đất liền sẽ vào cuối tuần này.