Bơi trong nước lũ chỉ để xin lọ dầu gió cho bà
Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại khoảnh khắc một bé trai bất chấp dòng nước lũ cao 3 - 4m, ngụp lặn bơi ra tiếp cận thuyền cứu trợ để xin một chai dầu gió về cho bà. Sau khi nhận đồ từ đoàn cứu trợ, cậu bé lại bơi quay trở lại nhà.
Xúc động trước khoảnh khắc đó, một người trong đoàn cứu trợ đã đăng tải đoạn clip, kèm dòng trạng thái: "Hình ảnh xúc động nhất hôm nay khi đoàn đi thiện nguyện. Cậu bé chỉ khoảng 4-5 tuổi. Cháu tự bơi ra chỗ thuyền cứu trợ và chỉ xin một lọ dầu gió về cho bà".
Xem đoạn clip, nhiều người nghẹn ngào, xót xa trước hình ảnh vừa đáng yêu, vừa dễ thương của cậu bé. Chia sẻ với Dân trí, anh Duy Hồng (quê Bắc Giang) - chủ nhân đoạn clip cho biết, anh cùng thành viên trong đoàn gặp cậu bé vào chiều 13/9, trong lúc tiếp tế thuốc cho người dân thôn Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên).
Anh Hồng cho hay, cậu bé đang bám tay lên cửa sổ thì thấy đoàn cứu trợ. Anh nói với cậu bé đợi thuyền chèo vào, nhưng bé nói biết bơi để bé tự bơi ra. Tới thuyền, cháu chỉ xin một lọ dầu gió về cho bà. Đoàn cứu trợ muốn đưa túi thuốc cho cháu nhưng cháu bảo cầm cả túi khó bơi. Rồi cậu bé bơi vào bờ. Mặc dù biết các cháu sống ở vùng sông nước bơi rất giỏi, nhưng hình ảnh đó khiến cả đoàn xúc động.
Cúi đầu, chắp tay cảm ơn khi nhận đồ tiếp tế
Hình ảnh một cụ ông đứng trước căn nhà ngập nước tới đầu gối, chờ đội cứu hộ phát nhu yếu phẩm cũng để lại ấn tượng mạnh những ngày qua. Khi đoàn cứu trợ đến, cụ ông không chỉ đơn thuần nhận đồ mà còn liên tục cúi đầu, chắp hai tay tỏ lòng biết ơn. Nhận đồ xong, cụ ông không vào nhà ngay mà vẫn đứng bên ngoài, ánh mắt rưng rưng dõi theo đoàn từ thiện.
Đoạn clip sau khi đăng tải thu hút hơn 23 triệu lượt xem và hàng chục nghìn lượt bình luận, chia sẻ. Hành động cúi đầu chắp tay của ông lão khiến không ít người nghẹn ngào. Nhiều người vui mừng khi thấy cụ có lương thực để cầm cự trong những ngày mưa lũ nhưng cũng xót xa khi nhận ra sức tàn phá của thiên tai khiến con người trở nên nhỏ bé, yếu đuối.
Chị Trịnh Hà Trang (37 tuổi, Hà Nội) - người quay lại đoạn video cho hay, cụ ông sống tại xã Tuy Lộc, TP. Yên Bái. Thời điểm đoàn cứu trợ có mặt ở xã Tuy Lộc, nước vẫn còn ngập quá đầu gối. Khi thấy đoàn cứu trợ, cụ ông rất xúc động bởi nhà nằm sâu trong ngõ nên ít có đoàn vào phát đồ. Vì vội đi hỗ trợ những gia đình khác nên đoàn không hỏi nhiều thông tin của cụ ông, chỉ biết động viên, an ủi cụ vài lời.
Chị Trang chia sẻ thêm, đoàn cứu trợ của chị mang theo thuyền chèo tay nên đến được những nơi ngập sâu mà các phương tiện lớn không thể tới. Nhờ có sự hỗ trợ của các chiến sĩ bộ đội và người dân bản địa, đoàn đã tiếp cận được nhiều hộ dân đang gặp khó khăn nhất, trong đó có gia đình cụ ông trong video.
Chuyền tay nhau để chuyển thực phẩm cứu trợ
Đường sá sạt lở, xe cứu trợ không vào được tận nơi nên bà con ở xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát (Lào Cai) phải đi bộ hàng chục km ra điểm tập kết nhận thực phẩm. Hình ảnh người dân đứng hàng dài chuyền tay nhau những phần quà khiến nhiều người xúc động.
Chị Nguyễn Thị Hồng Hà (41 tuổi, chủ một cơ sở bánh ở Lào Cai) kể, nhu yếu phẩm được vận chuyển đó được nhóm thiện nguyện của chị mang tới. Đoàn phải di chuyển hơn 2 tiếng mới đến được địa phận huyện Bát Xát. Do đường sá sạt lở, đoàn không thể đến các xã đang bị cô lập lúc đó như Trịnh Tường, Y Tý, A Mú Sung…
Chị Hà đã liên hệ chính quyền địa phương nhờ hỗ trợ, hướng dẫn người dân ra nhà văn hóa các xã nhận hỗ trợ. Được hỗ trợ, nhưng khi đoàn chỉ còn cách nhà văn hóa gần 1km thì xe không thể tiến thêm được nữa. Dưới sự hướng dẫn của các chiến sĩ công an, người dân xếp thành hàng dài chuyền tay nhau những phần thức ăn, nhu yếu phẩm vào nhà văn hóa xã.
Anh Phạm Văn Toàn - đại diện lực lượng công an xã Trịnh Tường cho hay, hầu hết bà con là đồng bào Mông, cuộc sống ngày thường vốn đã khó khăn, trong thiên tai còn khó gấp nhiều lần. "Chúng tôi nhờ các trưởng thôn thông báo để mọi người ra điểm tập kết hỗ trợ trung chuyển thực phẩm vào nhà văn hóa xã. Sau đó, người dân sẽ chuyển tiếp vào cho mọi người trong thôn", anh Toàn cho hay.
Chị Hồng Hà chia sẻ, chị lớn lên ở Lào Cai và đây là trận lũ lớn nhất, gây thiệt hại nhiều nhất chị từng thấy. Thời điểm chứng kiến người dân chuyền tay để vận chuyển thực phẩm, chị đã rất xúc động.
(Tổng hợp)