"Kích hoạt" mạnh mẽ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, lãi suất cao và thời gian vay ngắn là những nguyên nhân chính khiến cho gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn giải ngân thấp. Do đó, cần các giải pháp tích cực để người dân và doanh nghiệp sớm tiếp cận nguồn vốn vay này.

Giải ngân thấp

Cho rằng gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng là rất cần thiết, hỗ trợ tốt cho chủ đầu tư, người mua nhà, nhưng theo cử tri tỉnh Bắc Giang, việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này của doanh nghiệp và người mua nhà rất khó. Nguyên nhân được đưa ra là do thủ tục phức tạp, thời gian thẩm định hồ sơ dài, lãi suất vẫn cao ở khoảng 8,2%/năm khiến cho việc giải ngân vốn còn chậm. Do vậy, cử tri tỉnh Bắc Giang đã có đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước khẩn trương có các giải pháp thiết thực sớm tiếp cận nguồn vốn vay.

Cử tri tỉnh Bắc Giang thì trên thực tế việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này của doanh nghiệp và người mua nhà rất khó. (Trong ảnh: Khu nhà ở xã hội dành cho công nhân tại KĐT mới thị trấn Nếnh (Việt Yên)). Ảnh: Báo Bắc Giang.

Về triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản Hoàng Hải cho biết, các địa phương và các chủ đầu tư nhà ở xã hội đang tập trung triển khai trong đó đã có 27 tỉnh công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo gói tín dụng với nhu cầu vay vốn là 27.966 tỷ đồng... Hiện tại đã có vốn khoảng 143,3 tỉ đồng của một số dự án nhà ở xã hội được giải ngân tại các địa phương.

Về mức lãi suất, Bộ Xây dựng cho hay phía Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản thông báo mức lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 giảm 0,2%/năm so với lãi suất áp dụng trước đó. Cụ thể, với khách hàng là chủ đầu tư dự án ở mức 8,0%/năm và đối với khách hàng là người mua nhà ở tại dự án ở mức 7,5%/năm.

Gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân rất cần thiết. Ảnh Tinnhanhchungkhoan

Trên thực tế, gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân rất cần thiết. Tuy nhiên, sau hơn nửa năm, tỷ lệ giải ngân khá chậm (khoảng 105 tỷ đồng), tương đương 0,087% tổng quy mô gói tín dụng và đối tượng là doanh nghiệp và người mua nhà xã hội rất khó tiếp cận. Nguyên nhân giải ngân chậm và thấp theo lý giải của Bộ Xây dựng là do nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, thời gian cho vay ngắn, thủ tục cho vay kéo dài….

Giải pháp gỡ khó

Chia sẻ khó khăn khi tham gia làm nhà ở xã hội, ông Võ Minh Hoàng, Tổng Giám đốc CTCP Nhà ở xã hội TP HCM cho biết, nói tới làm nhà ở xã hội đã thấy khó, khi tham gia lại càng thấy khó hơn, đặc biệt là khó khăn về vốn, về quỹ đất. Do đó, ông Hoàng bày tỏ mong muốn Nhà nước rà soát quỹ đất cho thuê vào doanh mục phát triển nhà ở xã hội, từ đó tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành thì cho rằng, các thủ tục đầu tư để hoàn thiện và hướng cơ chế ưu đãi mất rất nhiều thời gian. Chỉ riêng thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư cũng cần thông qua ý kiến của các sở, ban ngành liên quan... Khó khăn này đã làm chậm thêm tiến độ làm nhà ở xã hội kể cả khi chính sách về vay vốn, lãi suất được thông qua.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, bối cảnh nền kinh tế có những khó khăn, thu nhập người dân sụt giảm đã khiến cho việc đầu tư mua nhà cũng giảm. Một số chủ đầu tư đã được tổ chức tín dụng hướng dẫn các thủ tục vay vốn ưu đãi song chưa đáp ứng được các điều kiện để thụ hưởng theo quy định.

Với nhiều điểm mới về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, chuyên gia kỳ vọng sẽ tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, đặc biệt là tính pháp lý rõ ràng hơn cho cả người mua nhà và doanh nghiệp. Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng nới lỏng điều kiện mua, thuê mua nhà ở xã hội cho người dân; mở rộng thêm các đối tượng người dân có thể vay mua nhà cũng là đề xuất của nhiều chủ đầu tư dự án. Từ đó góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng trong thời gian tới.

Thêm nữa, ước tính có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu nhà ở và để đáp ứng nhu cầu này, Luật Nhà ở mới cũng đã cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, mới có 54 dự án thuộc danh mục cho vay được các địa phương báo cáo nhưng có hơn một nửa (chiếm 55%) không có nhu cầu vay vốn, 20% chưa đủ điều kiện vay vốn và 15% còn lại đang chờ thẩm định. Do hạn chế về số lượng nên khi các ngân hàng thương mại muốn cho vay cũng không có nhiều dự án để lựa chọn.

Ông Phạm Xuân Hòe - Nguyên phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng Nhà nước

Để tạo điều kiện vay gói tín dụng ưu đãi, nhiều ý kiến đề xuất các ngân hàng thương mại cân đối chi phí để giảm thêm lãi suất cho vay. Nguyên phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng Nhà nước ông Phạm Xuân Hòe cho rằng, lãi suất cho vay tiêu dùng đối với người mua nhà cần giảm tiếp nữa. Thời gian qua đã có xu hướng hạ lãi suất từ các tổ chức tín dụng, tuy nhiên, chuyên gia kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay có dư địa để giảm thêm. Đồng thời, cần sự phối hợp của các nộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các quy định mới, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thủ tục để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Ôg Nguyễn Minh Trí - Thành viên HĐTV Agribank – đơn vị tích cực triển khai gói tín dụng này cho biết, các ngân hàng thương mại khi thực hiện cho vay cần phải đặt mục tiêu phải thu hồi vốn. Do đó, khi cho vay với doanh nghiệp và cả người mua thì các dự nhà ở xã hội phải bảo đảm pháp lý thì ngân hàng mới giải ngân. Ông Trí cũng cho rằng, dù việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chưa cao nhưng các ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay khi đủ điều kiện đáp ứng.

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng – Ngân hàng BIDV chia sẻ, ngân hàng luôn bám sát danh mục dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện để tiếp cận cho vay. Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, ban hành danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn để từ đó ngân hàng có căn cứ tiếp cận và giải ngân cho dự án.