Chọn lên sớm nghỉ ngơi
Ngay chiều mùng 3 Tết, Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân, TP. HCM) đã đông đúc, nhộn nhịp với hàng nghìn hành khách mang theo đồ đạc, đặc biệt là những món quà quê. Mặc dù kỳ nghỉ Tết chưa kết thúc, nhưng nhiều người đã bắt đầu hành trình quay lại TP. HCM.
Bãi trả khách của bến xe chật kín người. Không ít người trông có vẻ mệt mỏi sau chuyến di chuyển dài. Vợ chồng anh Nguyễn Quốc Khởi (40 tuổi) và chị Hoa (40 tuổi), cùng hai con nhỏ, từ Kiên Giang trở lại TP. HCM, mang theo những túi quà quê nặng trĩu.
Chị Hoa chia sẻ mỗi năm, gia đình chị đều chia ngày để ăn Tết ở cả nhà nội và nhà ngoại. Sau khi ăn Tết xong tại nhà nội ở Kiên Giang, gia đình anh chị sẽ tiếp tục đón Tết tại nhà ngoại. Những ngày qua, gia đình anh chị đã có những khoảnh khắc Tết đáng nhớ tại miền Tây trước khi quay lại thành phố để tiếp tục công việc.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Loan cho biết, ngày 29 Tết, chị mới cùng chồng và hai con nhỏ về quê Bến Tre. Tuy nhiên, chị vẫn chọn lên sớm vì muốn các con ổn định sức khỏe và tinh thần trước khi trở lại trường vào thứ hai tuần sau. Chồng đã lên TP. HCM bằng xe máy trước, còn chị và các con lên xe khách.
Bà Phượng (ngụ quận 6) cũng về quê Hồng Ngự (Đồng Tháp) ăn Tết ngày 29 Tết. Dù vậy, bà vẫn quyết định lên TP. HCM sớm vào mùng 3 Tết để có thời gian nghỉ ngơi trước khi trở lại công việc vào mùng 6. “Ăn Tết ở quê như vậy là đủ rồi, vui lắm. Giờ thì hết Tết rồi, chuẩn bị đi làm thôi”, bà vui vẻ chia sẻ.
Theo bến xe, tổng số lượt khách trong dịp Tết năm nay đã lên đến hơn 760.000 lượt với 33.500 chuyến xe. Trong đó, ngày đông nhất là 27 Tết (28.1) với hơn 62.500 lượt khách. Vào hôm nay, mùng 3 Tết (31/1), bến xe ước tính đón khoảng 42.400 lượt khách, tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Lên trong đêm để tránh tắc đường
Chiều mùng 3 Tết, trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hướng vào nội đô Hà Nội, tình trạng ùn ứ kéo dài khi hàng dài phương tiện nối đuôi nhau di chuyển chậm.
Cụ thể, từ khoảng 15 giờ, lưu lượng xe cộ tại cửa ngõ phía Nam Thủ đô tăng mạnh, gây ra tình trạng tắc nghẽn. Hàng km xe nối nhau di chuyển chậm rãi, nhiều phương tiện phải vào làn dừng khẩn cấp dù có biển cấm, tạo nên cảnh tượng hỗn loạn.
Mặc dù kỳ nghỉ Tết Nguyên đán chưa kết thúc, nhưng nhiều người đã tranh thủ trở lại Thủ đô sớm. Cảnh tượng ùn tắc tại hướng vào Hà Nội hoàn toàn đối lập với hướng ra các tỉnh phía Nam trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Lực lượng chức năng đã có mặt từ sớm trên tuyến cao tốc, tổ chức phân luồng giao thông và giúp các phương tiện di chuyển an toàn hơn. Cuối giờ chiều, tình trạng xe cộ ùn ứ cũng xuất hiện trên đường Vành đai 3 hướng vào trung tâm Hà Nội. Các chiến sĩ CSGT căng mình làm nhiệm vụ để đảm bảo giao thông thông suốt, giúp người dân về Hà Nội thuận tiện hơn.
Chị Trần Thu Lan (28 tuổi) - công nhân tại một nhà máy ở Hà Nội đã về quê Hải Dương ăn Tết từ ngày 28 Tết. Mặc dù còn vài ngày nghỉ, chị vẫn quyết định lên Hà Nội từ mùng 3 Tết. Chị Lan cho biết, chị quay lại Hà Nội sớm để chuẩn bị cho công việc và tránh tình trạng ùn tắc sau kỳ nghỉ. Mùng 6 Tết chị sẽ bắt đầu làm việc, nên muốn lên sớm để có thể nghỉ ngơi.
Theo chị Lan, khi di chuyển qua cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, chị gặp tình trạng ùn ứ kéo dài. Tuy nhiên, chị cảm thấy quyết định quay lại sớm là đúng đắn, giúp mình chuẩn bị tốt cho công việc, tránh sự hối hả vào những ngày cuối kỳ nghỉ.
Còn gia đình anh Ngô Quang Minh (Ba Đình, Hà Nội) lại chọn lên buổi tối để tránh tắc đường. Trước đó, anh cùng vợ và hai con nhỏ đã về quê vợ Quảng Ninh ăn Tết. Ngay thời điểm đó, anh đã lên kế hoạch trở lại Hà Nội vào mùng 3 Tết thay vì đợi đến cuối kỳ nghỉ.
Anh Minh cho biết: “Lý do là tôi muốn các con có thời gian làm quen với nhịp sống thành phố, tránh tình trạng học hành bị gián đoạn. Chúng tôi cũng muốn tránh tình trạng ùn tắc kéo dài nếu về muộn hơn". Anh bảo, chạy tối tuy có chút mệt mỏi, nhưng anh cảm thấy hài lòng vì gia đình không gặp tình trạng ùn ứ giao thông trên đường.
Dự báo, trong những ngày tới, lưu lượng phương tiện qua các cửa ngõ Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cao khi người dân trở lại làm việc sau kỳ nghỉ, đặc biệt là vào ngày mùng 6 Tết.
Tổng hợp