Lãi suất đã “âm thầm” tăng
Tại một tọa đàm về bất động sản vừa được tổ chức mới đây, bà Nguyễn Hoài An – Giám đốc cao cấp CBRE Việt Nam nhận định, trong thời gian trước, mặt bằng lãi suất ở mức tương đối vừa phải đến thấp là một trong những động lực giúp nền kinh tế và thị trường tăng trưởng.
Tuy nhiên, lãi suất tiết kiệm đa có xu hướng đi lên như hiện nay, lãi suất cho vay cũng đang nhích lên trong khoảng 1-2 tháng qua. Tại hầu hết các dự báo của giới phân tích, lãi suất tiết kiệm sẽ còn tăng tiếp, sẽ gây áp lực lên thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025.
Theo khảo sát lãi suất cho vay mua nhà đầu tháng 7 có thể thấy nhiều ngân hàng đã đồng loạt đưa ra gói vay mua nhà lãi suất ưu đãi chỉ từ 5-7%/năm, áp dụng trong thời gian ưu đãi. Hết ưu đãi mức lãi suất sẽ dao động trong khoảng 9-10%/năm.
So với mức lãi suất trung bình hồi tháng 4/2024 đã có đã tăng nhẹ. Cụ thể, hồi tháng 4, trong thời gian ưu đãi mức lãi suất cho vay mua nhà dao động 5-6%/năm. Sau ưu đãi mức lãi suất thả nổi sẽ dao động từ 7-9%/năm.
Trong tháng 7, thị trường đã ghi nhận hơn 20 ngân hàng tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động. Trong đó, nhiều nhà băng còn điều chỉnh lãi suất tăng 2-3 lần chỉ trong 1 tháng, với mức tăng thêm từ khoảng 0,1 – 0,5%. Hiện, mặt bằng lãi suất đã thiết lập mức mới đạt 6,2%/năm với kỳ hạn 18 tháng, không có điều kiện tiền gửi.
Theo giới phân tích, xu thế lãi suất huy động liên tục tăng cùng với việc giảm bớt các điều kiện tiền gửi xuất phát từ bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng từ quý III với các yếu tố tăng lương, chênh lệch tỷ giá USD/VND. Bên cạnh đó, tỷ giá cũng sẽ khiến lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn tới.
Báo cáo phân tích của VCBS dự báo, lãi suất huy động trong quý III có thể tiếp tục tăng khoảng 0,3-0,5 điểm phần trăm. Đồng thời, áp lực tăng có thể xuất hiện trong quý IV và kỳ vọng cả năm lãi suất có thể đi lên 0,5-1 điểm %.
Nhưng khó có thể tăng mạnh
Nói về lãi suất, TS.Nguyễn Trí Hiếu nhận định, lãi huy động tăng sẽ khiến lãi suất cho vay tăng lên nhưng mức tăng sẽ còn phụ thuộc vào các hoạt động kinh tế. Trường hợp các doanh nghiệp vay nhiều thì lãi suất sẽ tăng mạnh hơn, còn trường hợp "sức khỏe" doanh nghiệp vẫn ở mức lưng chừng như năm 2023, có thể lãi suất sẽ chỉ tăng đôi chút.
Ông Phạm Tuấn Anh – Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Thương mại cho biết thêm, về mặt kỹ thuật, khi lãi suất huy động tăng, nếu các ngân hàng không tiết giảm được các chi phí và muốn giữ hệ số lợi nhuận thì lãi suất cho vay sẽ tăng theo.
Tuy nhiên, thị trường tín dụng hiện nay cũng có mức cạnh tranh lớn, các ngân hàng phải luôn đưa ra những dịch vụ tốt nhất để thu hút khách hàng, chi phí lãi vay cũng là một trong những yếu tố đó.
Đồng quan điểm, ông Từ Tiến Phát – Tổng giám đốc ACB cũng nhận định, ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất huy động, nhưng chưa bao giờ cạnh tranh cho vay lại cao như hiện nay. Nên để mở rộng được tín dụng, lãi suất cho vay khó tăng.
Tương tự, ông Trịnh Bằng Vũ – Trưởng khối cho vay bán lẻ ngân hàng Shinhan Việt Nam cho biết, hiện hầu hết các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động và sẽ có tác động đến lãi vay từ quý IV/2024 nên nếu muốn duy trì mức lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp buộc phải thu hẹp tỷ suất lợi nhuận, tiết giảm chi phí hoặc giảm mục tiêu lợi nhuận cả năm...Do đó, lãi suất cho vay sẽ còn duy trì ở mức thấp trong giai đoạn tới. Nếu có tăng thì các ngân hàng cũng chỉ đưa ra mức nhẹ, chứ không có khả năng tăng nhanh.
Tương tự, ông Phạm Duy Hiếu – quyền Tổng Giám đốc ABBank cho biết, thông thường khi chi phí đầu vào tăng theo lãi suất huy động, ngân hàng sẽ cân nhắc tăng lãi suất đầu ra. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng còn chậm nên lãi vay khó có thể sớm tăng, mà giữ ít nhất từ nay đến cuối để kích cầu vốn.