Lãi suất tiền gửi tăng - giảm đan xen, chuyên gia dự báo gì về xu hướng thời gian tới?

Ngay từ đầu tháng 4, "ông lớn" ngân hàng quốc doanh Vietcombank đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi. Trong khi đó, một số ngân hàng trước đó lại đi “ngược dòng” điều chỉnh tăng lãi suất. Trước tình trạng lãi suất tăng-giảm đan xen, một số chuyên gia đã đưa ra dự báo xu hướng biến động lãi suất trong thời gian tới.

Đầu tháng 4, ngân hàng Vietcombank đã điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi mới, giảm 0,1 điểm % tại một số kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tiền gửi đối với kỳ hạn từ 1-2 tháng chỉ còn 1,6%/năm, 3 tháng (1,9%/năm), 6-11 tháng (2,9%/năm),12 tháng và từ 24 tháng cùng áp dụng chung mức lãi suất 4,6%/năm.

Cùng làn sóng hạ lãi suất huy động, Sacombank giảm từ 0,2 – 0,3%/năm. Cụ thể, kỳ hạn từ 1 đến dưới 2 tháng đang được nhà băng này niêm yết ở mức 2,1%/năm, giảm 0,3%/năm so với trước.

Ông lớn ngân hàng quốc doanh Vietcombank vừa điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi.

Lãi suất kỳ hạn 6 tháng còn 3,5%/năm. Kỳ hạn 9 tháng giảm tới 0,4%/năm, xuống còn 3,6%/năm; 12 tháng lãi suất giảm 0,3%/năm còn ở mức 4,5%/năm. Đáng chú ý, với các kỳ hạn 15 tháng, 18 tháng và 24 tháng, Sacombank giảm tới 0,7%/năm, niêm yết lần lượt là 4,6%/năm, 4,7%/năm và 4,8%/năm.

Trong khi đó, một số nhà băng đang ngược chiều “làn sóng” này. Trong 2 tuần giao dịch cuối tháng 4 vừa qua, có 4 ngân hàng đã tăng lãi suất huy động.

Cụ thể, VPBank vừa cộng thêm 0,2%/năm ở tất cả các kỳ hạn, riêng kỳ hạn 1 tháng chỉ tăng thêm 0,1%/năm.  Hiện tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại VPBank đang có mức lãi suất là 2,3%/năm, 2-5 tháng (2,6%/năm), 6-11 tháng (4,1%/năm), 12-18 tháng (4,4%/năm) và 24-36 tháng là 4,8-5%/năm.

Eximbank cũng tăng thêm 0,3 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn 1-3 tháng. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng tăng lên 3,1%/năm, lãi suất kỳ hạn 2 tháng là 3,3%/năm và lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng là 3,4%/năm.

SHB tăng lãi suất huy động ở khá nhiều kỳ hạn kỳ hạn. Với 1 tháng thêm 0,2 lên 2,8%/năm. Kỳ hạn 2 tháng tăng 0,1 lên 2,8%/năm. Kỳ hạn 12 tháng cũng tăng 0,1 ở mức 4,9%/năm; kỳ hạn 13-15 tháng tăng 0,2 lên 5%/năm; kỳ hạn 18 tháng tăng 0,1 lên 5,2%/năm.

Saigonbank đã tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn với mức tăng 0,1-0,4 điểm %. Cụ thể, mức 36 tháng, nhà băng 0,4 lên 5,8%/năm. Kỳ hạn 24 tháng tăng 0,3 lên 5,7%/năm. Với kỳ hạn 13 tháng tăng 0,1 lên 5,2%/năm. Kỳ hạn 18 tháng tăng 0,2 lên 5,6%/năm.

Với xu hướng tăng, giảm trái chiều đan xen, trong đó với việc “ông lớn” quốc doanh vẫn hạ lãi suất huy động, các chuyên gia cho rằng thời gian tới sẽ tiếp tục xu hướng giảm.

TS Châu Đình Linh - giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM phân tích, chính sách của Chính phủ hiện vẫn là muốn ổn định lãi suất và định hướng giảm để hỗ trợ chi phí lãi vay và tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong năm 2024.

Về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn kêu gọi những nhà băng trong nhóm dẫn đầu có xu hướng giảm lãi suất và kêu gọi các ngân hàng đều phải công bố lãi suất cho vay bình quân.

Chuyên gia này cho biết, những nhóm ngân hàng nhỏ thường có xu hướng tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn nhưng các “ông lớn” top đầu thị trường lại có xu hướng giảm và điều này thể hiện rõ qua việc Vietcombank đã giảm lãi suất. Mức giảm 0,1% cũng là một vấn đề. Nó sẽ làm cho tiền gửi trở nên kém hấp dẫn, đồng thời phản ánh thanh khoản của những nhà băng này đang dồi dào, đầu ra chững lại.

Ông Linh phân tích thêm, nhìn vào tăng trưởng tín dụng trong quý đầu năm nay không như mong đợi, có thể hiểu rằng hệ thống nhà băng vẫn đang ứ vốn. Thanh khoản càng dồi dào, nhà băng càng điều tiết sang các hoạt động khác như cho vay trên thị trường liên ngân hàng, thực hiện những hoạt động đầu tư như đầu tư chứng khoán (thường là trái phiếu), thông qua những thực hành về chiến lược kinh doanh (thành lập quỹ đầu tư, hoặc chuyển đổi số...). Đó là lý do họ giảm lãi suất. 

PGS - TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, xu hướng chủ đạo của thị trường lãi suất huy động trong thời gian tới vẫn sẽ giảm.

Với những ngân hàng nhỏ, việc thanh khoản có những thời điểm gặp khó khăn nhất định. Nhóm này sẽ huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng nhưng sẽ đắt hơn so với việc thực hiện tăng lãi suất tại các kỳ hạn ngắn, qua đó giúp đáp ứng thanh khoản tốt hơn. Thế nhưng, mức tăng họ mới điều chỉnh cũng không đáng kể và vẫn nằm trong mặt bằng chung.

Cùng quan điểm, PGS - TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính cho rằng, dù có một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tăng ngược chiều nhưng xu hướng chủ đạo của thị trường lãi suất huy động trong thời gian tới vẫn là giảm.

Theo vị chuyên gia, một phần là do lượng tiền trong ngân hàng còn rất nhiều, đặc biệt là lượng tiền gửi kỳ hạn ngắn. Doanh nghiệp chưa có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh dẫn đến dư cung. Bằng chứng là tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm âm.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến ngày 25/3/2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 0,26%, chính thức “vươn lên” sau 2 tháng tăng trưởng âm. Trong khi, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023. 
Con số này thấy rằng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đang có chiều hướng giảm trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm liên tục xác lập những kỷ lục thấp chưa từng có.