Chuyên gia cho rằng cần linh hoạt hơn với lãi suất để "ghìm cương" tỷ giá

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, trong ngắn hạn, tỷ giá vẫn chưa hết áp lực, trong khi lãi suất VND lại duy trì ở mức thấp. Điều này không chỉ kích hoạt bong bóng tài sản, khiến tiền chạy ra khỏi ngân hàng mà còn khiến tỷ giá nổi sóng.

Mặc dù đã hạ nhiệt so với đầu năm, nhưng sức mạnh đồng USD vẫn được duy trì, giá vàng thế giới neo cao khiến tỷ giá VND/USD được dự báo còn chịu áp lực trong ngắn hạn.

Mới đây, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cũng thừa nhận, từ đầu năm đến nay, thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong nước chịu áp lực từ biến động khó lường của thị trường tài chính toàn cầu, cộng hưởng với những khó khăn, thách thức trong nước.

4 yếu tố chính gây áp lực lên tỷ giá

Ở góc nhìn của giới phân tích, sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và quốc tế đã kích thích hoạt động gom mua USD để nhập lậu vàng, từ đó tạo áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, áp lực lớn nhất đến từ 4 yếu tố chính.

Tỷ giá đang chịu sức ép từ nhiều yếu tố

Thứ nhất, sự kỳ vọng của thị trường về lộ trình chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng với gia tăng căng thẳng địa chính trị tại một số vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến đồng USD quốc tế tăng giá mạnh, tạo áp lực mất giá lên các đồng tiền khác, trong đó có VND.

Thứ hai, nhu cầu mua ngoại tệ, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước gia tăng.

Thứ ba, lãi suất USD tiếp tục được giữ ở mức cao (hơn 5%) trong khi lãi suất VND ở mức thấp đã thúc đẩy việc mua ngoại tệ kỳ hạn để phục vụ thanh toán trong tương lai. Trong khi đó, khách hàng có nguồn thu ngoại tệ lại có tâm lý trì hoãn bán cho hệ thống tổ chức tín dụng, khiên cung cầu kém thuận lợi trong ngắn hạn.

Để giảm áp lực lên tỷ giá, NHNN đã phát hành tín phiếu kỳ hạn để điều tiết lượng tiền đồng dư thừa, đồng thời thực hiện bán ngoại tệ can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường. Động thái này được giới chuyên môn đánh giá là phù hợp với bối cảnh hiện tại, kiểm soát ổn định tỷ giá, tránh gây áp lực lên mặt bằng lãi suất.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, hiện NHNN đang đối mặt với một bài toán vô cùng khó. Việc NHNN đảm bảo điều hành lãi suất giữ mặt bằng thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, trong khi lãi suất USD vẫn neo ở mức cao đang tạo sức ép đến tỷ giá.

Nhiều chuyên gia cho rằng, lãi suất VND duy trì ở mức thấp như hiện nay không chỉ kích hoạt bong bóng tài sản, dẫn tới dòng tiền bị rút khỏi ngân hàng, mà còn khiến tỷ giá nổi sóng, mục tiêu lãi suất thấp để kích cầu tín dụng cũng không hiệu quả.

Tăng lãi suất để “ghìm cương”

Hầu hết ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng, để hạ nhiệt được tỷ giá, lãi suất tiền đồng cần được tăng. Thực tế, từ cuối tháng 5, NHNN đã tăng lãi suất trên thị trường mở (OMO) từ 4,25% lên 4,5%/năm, lãi suất trúng thầu tăng từ 4% lên 4,2%. Ngoài ra, trong phiên giao dịch ngày 23/5, NHNN bơm cho các ngân hàng vay tới gần 43.064 tỷ đồng qua kênh OMO - mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Chuyên gia kinh tế độc lập Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng Việt Nam cũng cần linh hoạt hơn với lãi suất để "ghìm cương" tỷ giá

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế độc lập Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng, mức điều chỉnh còn quá nhẹ, chưa đủ để chặn đà tăng của tỷ giá. Những động thái của NHNN chưa phải là dấu hiệu của sự đảo chiều chính sách tiền tệ mà chủ yếu nâng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, hy vọng tăng cung USD.

Ông Linh nhận định, khi nhập siêu quay lại, tỷ giá sẽ tăng rất nhanh. Bởi vậy, trong khi Fed chần chừ giảm lãi suất, một số nước vẫn tiếp tục tăng lãi suất điều hành, thì Việt Nam cũng cần linh hoạt hơn với lãi suất.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích Khối khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank (MSVN) dự báo, NHNN sẽ tăng lãi suất điều hành 50 điểm cơ bản nhằm bình ổn tỷ giá VND đang mất giá. Ban đầu, NHNN có thể áp dụng cách tiếp cận chờ đợi và quan sát xem phản ứng thị trường, trước khi quyết định xem có cần tăng thêm lãi suất hay không.

Ở một góc nhìn khác, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân – Trường Đại học kinh tế TP.HCM cho biết, lãi suất tăng sẽ làm giảm áp lực tỷ giá nhưng theo chu kỳ mùa vụ thì áp lực sẽ còn quay lại vào cuối quý III đầu quý IV/2024.

Do đó, để giảm áp lực tỷ giá, nhà điều hành phải tăng hút tiền qua tín phiếu như đã làm, nâng lãi suất dần lên nhằm hạn chế việc rút vốn của khối ngoại cũng như hiện tượng đầu cơ tỷ giá. Bởi nếu duy trì mức lãi suất quá thấp sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và ổn định vĩ mô.

Lạc quan hơn, ông Đinh Đức Quang – Giám đốc điều hành khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam phân tích, việc mất giá của VND từ đầu năm 2024 đến nay nằm trong xu thế chung của nền kinh tế. Trong nửa cuối năm, VND và các đồng tiền khác có khả năng tăng giá trở lại, khi lãi suất USD có thể được cắt giảm, còn lãi suất VND gần như không có khả năng giảm thêm và sẽ tăng trở lại 0,5-1%/năm.