Luật Đất đai mới: Hạn chế các dự án treo từ khâu bồi thường, hỗ trợ tái định cư

Điều 126 Luật đất đai sửa đổi năm 2024 quy định về thực hiện “đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư” đối với đất chưa giải phóng mặt bằng thì nhà đầu tư trúng đấu thầu có trách nhiệm ứng vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Điều này có thể phần nào hạn chế được hạn chế được tình trạng kéo dài dự án.

Điều 126 trong Luật Đất đai sửa đổi vừa được thông qua có quy định nhằm hạn chế dự án treo từ việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân. Theo đó, nhà đầu tư trúng đấu thầu có trách nhiệm ứng vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Thời hạn 36 tháng từ ngày ban hành quyết định, UBND cấp có thẩm quyền phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giao đất, cho thuê đất với nhà đầu tư trúng đấu thầu.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, quy định này có thể giải quyết được các vấn đề liên quan đến dự án treo.

Trước đây, việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư thường bị vướng mắc do mức đền bù không phù hợp, phương án đền bù chưa thoả đáng hoặc các sai phạm trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dẫn đến thời gian bị kéo dài. Điều này gây mất cân bằng lợi ích của cả nhà đầu tư, Nhà nước, lẫn người dân.

Thực tế, nhiều dự án treo ra đời cũng có một phần nguyên nhân từ đây. Thậm chí, có những dự án treo kéo dài hàng chục năm không được giải quyết, dẫn đến nhiều vấn đề tranh chấp cho người dân và thiệt hại cho chủ đầu tư. Vấn đề này gây ra nhiều vướng mắc trong quản lý của Nhà nước về đất đai.

Với quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân sẽ phần nào nâng cao trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hạn chế được tình trạng kéo dài dự án. Khi tình trạng này được giải quyết thì những nhũng nhiễu, tiêu cực trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư gây thiệt hại cho chủ đầu tư và người dân cũng sẽ chấm dứt.

Quy định này còn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nhận được bồi thường thoả đáng, chủ đầu tư không phát sinh thiệt hại hay phải đối mặt với dự án treo.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật SB Law cho rằng, cơ chế quy định tại Điều 126, Luật đất đai sửa đổi năm 2024 về thực hiện “đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư” đối với đất chưa giải phóng mặt bằng mà nhà đầu tư trúng đấu thầu có trách nhiệm ứng vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đảm bảo được hài hòa lợi ích của 3 chủ thể có liên quan:

Thứ nhất, quy định giúp đảm bảo được lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất bị thu hồi đất. Họ vừa nhận được bồi thường theo đúng giá thị trường, vừa được bố trí tái định cư theo hướng ưu tiên tại chỗ. Từ đó, không còn xảy ra tình trạng nhà đầu tư được ai đó “chống lưng” để “mua rẻ” đất của dân.

Thứ hai, quy định đảm bảo được lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư. Bởi nhà đầu tư biết rõ chi phí và thời gian thực hiện hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, cả thời gian giao đất để thực hiện dự án. Từ đó, không còn xảy ra tình trạng “đầu nậu” núp bóng sau lưng “chủ đất” gây khó dễ cho nhà đầu tư.

Thứ ba, thực hiện được việc này thì sẽ xây dựng được môi trường đầu tư minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh, sẽ làm tăng chỉ số “năng lực cạnh tranh quốc gia” của Việt Nam.