Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung đáng chú ý về thực hiện cải cách tiền lương lương công chức, lương hưu, lương tối thiểu sẽ tăng từ ngày 1/7.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo phương án cải cách, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp).
Một nội dung khác cũng được quan tâm trong chính sách tiền lương là từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm khoảng 7%/năm. Tức là sau khi thực hiện cải cách và có bảng lương mới với mức lương tăng hơn so với hiện hành thì hàng năm, lương của cán bộ, công chức, viên chức vẫn được tăng thêm 7%.
Được biết, việc tăng lương thêm 7% là để bù trượt giá, góp phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP. Việc này sẽ thực hiện đến khi mức lương thấp nhất của khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 (khu vực doanh nghiệp).
Theo Bộ trưởng, việc thông qua chính sách cải cách tiền lương lần này vừa mang tính thời sự, vừa có tính lịch sử tạo tâm trạng vui tươi, phấn khởi trong xã hội và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Để thực hiện tốt việc cải cách tiền lương là sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, ngành. Trong đó, phải kể đến việc tạo nguồn lực tài chính bền vững cho công tác này.
Vì vậy, việc thu ngân sách như thế nào, tiết kiệm chi ra sao để đảm bảo có nguồn tiền lương sau giai đoạn 2024 - 2026 là vấn đề cần phải quan tâm.
Một nội dung liên quan, sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa X, cử tri các tỉnh Thái Bình, Tây Ninh, Bình Dương, Vĩnh Long kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường..., để việc tăng lương bảo đảm mục đích, ý nghĩa nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, tránh việc “lương chưa tăng, giá đã tăng trước, tăng cao”.
Trả lời nội dung này, Bộ Nội Vụ cho biết sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để kiểm soát lạm phát, bình ổn giá cả, nhằm bảo đảm giá trị thực của tiền lương mới khi cải cách. Từ đó, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương theo Nghị quyết nói trên.