Nên xây nhà vào thời điểm nào trong năm để thuận lợi và tiết kiệm chi phí nhất?

Ngoài việc chuẩn bị đầy đủ tài chính, thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành, việc chọn thời điểm xây nhà cũng được rất nhiều gia chủ quan tâm. Vậy nên làm nhà vào mùa nào, tháng nào trong năm thì tốt nhất?

Từ xưa, người Việt đã quan niệm xây nhà là 1 trong 3 việc lớn của đời người, do đó tiền nhân có câu “An cư lạc nghiệp”. Bất cứ ai khi muốn gây dựng sự nghiệp bền vững, điều đầu tiên là phải có được nơi ở ổn định, an yên.

Xây nhà theo tháng

Khi quyết định xây nhà, ngoài chuẩn bị đầy đủ tài chính, thủ tục thì việc lựa chọn thời điểm xây nhà phù hợp cũng đòi hỏi gia chủ phải tính toán, cân nhắc kỹ để đưa ra phương án tối ưu nhất. Theo đó, gia chủ nên tránh xây nhà vào thời điểm cuối năm vì lúc đó là dịp cận Tết, nhân công nghỉ nhiều, giá vật liệu xây dựng dễ biến động, xây nhà dễ bị “vắt” từ năm này sang năm khác.

Xây nhà là việc quan trọng nên cần cân nhắc kỹ thời điểm xây nhà

Thời điểm tháng 1 là tháng chuẩn bị đón tết vào cuối năm âm lịch, gia chủ không nên làm nhà mới, thay vào đó có thể sửa chữa hoặc sơn lại nhà để đón năm mới. Tháng 2 cũng là thời điểm vào tết, không nên khởi công xây nhà..

Tháng 3, tháng 4, 5, 6, 7 được xem là thời điểm thích hợp nhất để xây nhà. Các tháng này thường mưa ít, nắng nhiều nên giúp cho việc đổ bê tông nhanh hơn, thi công cũng không bị gián đoạn.

Bước sang tháng 8 (thường rơi vào tháng 7 Âm) là tháng mưa nhiều, quan niệm dân gian cũng cho rằng đây là tháng cô hồn, không nên làm chuyện đại sự trong đó có việc xây nhà để tránh những điều xui rủi.

Xây nhà vào các tháng 3,4, 5, 6, 7 là thích hợp nhất

Tháng 9, 10, 11 cũng có mưa nhưng có thể xây nhà vì lúc này gạch ướt dễ xây tô, thi công ít bụi bặm, dễ dàng kiểm tra được độ chống thấm và thoát nước, kết cấu công trình đảm bảo được độ ẩm.

Qua tháng 12 trời mưa ít, nhưng cũng không nên làm nhà, như đã nói giai đoạn này đã là cuối năm, nếu xây không kịp tiến độ sẽ không có nhà mới để đón tết.

Xây nhà theo mùa

Thời tiết Việt Nam thường được được chia làm 2 mùa là mùa mưa kéo dài từ tháng 4 – tháng 9 và mùa khô là những tháng còn lại. Dựa vào thời tiết, chúng ta có lựa chọn thời điểm thích hợp để xây nhà. Thông thường, nhiều người sẽ chọn thi công nhà vào lúc khô ráo. Tuy nhiên, xây nhà ở mỗi mùa cũng có những ưu, nhược điểm riêng.

Thi công vào mùa khô thường không bị gián đoạn bởi thời tiết

Xây nhà vào mùa khô có ưu điểm là thời tiết khô ráo, giúp bê tông nhanh khô hơn, đổ bê tông thuận tiện hơn và có thể đẩy nhanh quá trình thi công, sớm hoàn thiện công trình. Xây nhà vào mùa này cũng sạch sẽ hơn, ít hoặc không bị gián đoạn quá trình triển khai bởi các yếu tố thời tiết.

Tuy nhiên xây nhà vào mùa khô có những hạn chế cần lưu tâm, đó là vào mùa này nhiệt độ cao sẽ khiến bề mặt bê tông dễ xuất hiện các vết rạn nứt bởi quá trình giãn nở. Thời tiết nắng gắt buộc gia chủ phải tưới nước thường xuyên cho công trình để tránh sự thoát ẩm của bề mặt bê tông. Trời nắng gắt cũng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của đội nhóm thi công dẫn tới hiệu suất thi công bị giảm. 

Xây nhà vào mùa mưa thời tiết luôn mát mẻ, có độ ẩm cao nên tác động nhiệt lên bê tông không lớn, giúp kết cấu bê tông ít bị giãn nở, hạn chế được tình trạng mặt bê tông bị rạn nứt. Thời tiết ẩm ướt cũng là điều kiện thuận lợi để kiểm soát chất lượng vật liệu và các giai đoạn như: sơn tường, bả sơn, chống thấm… Ưu điểm nữa của xây nhà mùa mưa là thời tiết dễ chịu nên hiệu suất làm việc của đội ngũ nhân công cao hơn do không bị mất sức nhiều như khi làm việc dưới trời nắng gắt.

Vào mùa mưa, vật liệu xây dựng dễ bị dính ẩm và hư hỏng

Mặc dù nhiều ưu điểm nhưng xây nhà vào mùa mưa cũng có những khó khăn nhất định. Cụ thể: Thời tiết mưa nhiều, hay có giông bão sẽ làm cho việc thi công bị kéo dài hoặc gián đoạn, từ đó dẫn tới chi phí thi công bị tăng lên; Mưa nhiều cũng khiến cho vật liệu xây dựng dễ bị dính ẩm dẫn tới hư hỏng.

Tuy nhiên, nếu gia chủ vẫn muốn xây nhà mùa mưa thì có thể khắc phục một số biện pháp như: Giữ kho chứa vật liệu luôn sạch sẽ khô thoáng, nhất là xi măng; Nên lựa chọn cho ngôi nhà của bạn những loại sơn có khả năng chống thấm tốt nhất; Đối với những công trình nhà mái bằng nên lợp thêm mái tôn để dốc nước; Đặt vật tư, vật liệu xây dựng cách mặt đất, có lớp kệ che phủ cẩn thận; Thường xuyên kiểm tra những vật tư, vật liệu và công trình xây dựng để có hướng xử lý hiệu quả.