Bức tranh tương phản về đất đấu giá tại các tỉnh

Thời gian qua, một số địa phương thu về tiền sử dụng đất từ những cuộc đấu giá đạt mức cao thì không ít nơi lại gặp phải tình trạng trầy trật, giảm sâu nhưng không được ai chú ý.

Sôi động nhất thời gian vừa qua phải kể đến khu quy hoạch tại xóm 1, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã trở thành điểm nhấn sôi động nhất trong thời gian gần đây khi xã đưa ra đấu giá 114 lô đất, thu hút tới 1.600 hồ sơ tham gia. Kết quả, đã bán được 113 trong tổng số 114 lô (với 1 lô đang chờ xem xét khiếu nại). Mỗi lô đất trong quy hoạch có diện tích từ 180 – 220m2. Sau đấu giá, lô đất trúng giá thấp nhất đạt 1,8 tỉ đồng và cao nhất lên tới 3,7 tỉ đồng, trung bình 2 – 3 tỉ đồng mỗi lô.

Nơi sôi động không kém Hà Nội

Cũng tại Nghệ An, một số phiên đấu giá gần đây, số lượng hồ sơ tham gia đã tăng đột biến. Chẳng hạn như xã Hưng Thông (huyện Hưng Nguyên), dù chỉ đấu giá 92 lô đất, nhưng đã thu hút tới 1.000 hồ sơ đăng ký và kết quả đấu giá đạt 150 tỷ đồng, cao gần gấp 3 lần so với giá khởi điểm theo kế hoạch là 60 tỷ đồng.

Tương tự, phiên đấu giá đất tại Xuân Lâm (huyện Nam Đàn) vào đầu tháng 5/2024 đã ghi nhận kỷ lục với 1.100 hồ sơ tham gia đấu giá cho 108 lô đất; huyện Đô Lương, phiên đấu giá ngày 12/8 tại khu vực Đồng Màu cũng đấu giá thành công 30 lô đất với giá trúng gần 6 tỉ đồng, chênh 1,8 tỉ đồng so với giá khởi điểm.

Nhiều cuộc đấu giá thu hút hàng nghìn người tham dự

Hay như tại tỉnh Bắc Giang, trong thời gian qua, hầu hết các phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại huyện Yên Dũng đều thu hút một lượng lớn nhà đầu tư tham gia. Đặc biệt, từ cuối năm 2023 đến cuối tháng 8/2024, toàn huyện đã tổ chức thành công hơn 300 lô đất ở, với tổng số tiền thu từ việc sử dụng đất đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Kết quả này gần gấp đôi so với kế hoạch đề ra và là mức cao nhất từ trước đến nay tại huyện Yên Dũng. Đại diện một đơn vị đấu giá trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cho biết, các cuộc đấu giá tại Yên Dũng trở nên "sốt" bởi các lô đất có vị trí thuận lợi về giao thông và hạ tầng. Đặc biệt, nhiều người cho rằng khi huyện Yên Dũng sáp nhập vào thành phố Bắc Giang, giá đất sẽ tiếp tục tăng, do đó tiềm năng sinh lời hứa hẹn khá lớn.

Không chỉ riêng Yên Dũng, các cuộc đấu giá đất tại một số địa phương khác ở Bắc Giang, như phường Quang Châu và Vân Trung (huyện Việt Yên), cũng liên tiếp thành công với mức giá trúng đấu cao.

Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa thông báo từ đầu năm đến tháng 7, họ đã tổ chức 75 cuộc đấu giá với tỷ lệ thành công khoảng 80% số lô đấu. Tổng số tiền trúng đấu giá đạt hơn 1.045 tỷ đồng, vượt mức tổng giá khởi điểm hơn 274,2 tỷ đồng.

Theo một số sàn giao dịch tại Thanh Hóa, lượng quan tâm đến bất động sản tăng khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm trước. Giá bán cũng tăng nhanh khoảng 5-10% sau hơn 2 năm đi ngang, đặc biệt tại các khu vực ven thành phố Thanh Hóa và các khu trung tâm thuộc các huyện Hoằng Hóa, Đông Sơn, Thọ Xuân...

Mặc dù thị trường chung đang rất sôi động, nhưng thực tế cho thấy chỉ có đất đấu giá tại các địa phương có tiềm năng phát triển bất động sản cao mới được bán nhanh, chẳng hạn như những nơi gần các khu công nghiệp lớn và có giao thông, hạ tầng thuận lợi

Nơi bán mãi không hết

Mặc dù thị trường chung đang rất sôi động, nhưng thực tế cho thấy chỉ có đất đấu giá tại các địa phương có tiềm năng phát triển bất động sản cao mới được bán nhanh, chẳng hạn như những nơi gần các khu công nghiệp lớn và có giao thông, hạ tầng thuận lợi. Trong khi đó, các khu vực khác lại chứng kiến phân khúc đất đấu giá khá ảm đạm.

Đơn cử, Khu quy hoạch chia lô đất ở dân cư tại xóm Kim Trung (vị trí 3), xã Nghi Ân (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) đã trải qua 9 lần thông báo đấu giá. Trong đó, năm 2023 đã thông báo 5 lần nhưng chỉ bán được 1 lô, và năm 2024 đã thông báo 4 lần mà không có người mua.

Nguyên nhân được xác định là do mức giá khởi điểm cao, tương đương với giá thị trường, khiến các nhà đầu tư bất động sản không mặn mà. Theo mức giá đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt vào ngày 19/5/2023, các lô đất trên có giá khởi điểm từ hơn 2 tỷ đồng đến gần 4,9 tỷ đồng, tương đương 13-27 triệu đồng/m².

Để khắc phục tình trạng "ế ẩm" này, UBND xã Nghi Ân và đơn vị tổ chức đấu giá đã báo cáo trình UBND thành phố Vinh đề xuất giảm 10% mức giá khởi điểm và đã bán được 48/68 lô đất được bán thành công.

Tình trạng ế ẩm xảy ra phổ biến tại một số huyện thuộc tỉnh Bắc Giang

Tại Bắc Giang, cũng diễn ra tình trạng tương tự. Điển hình, vào đầu tháng 11/2022, 71 lô đất tại Khu dân cư thôn Thoi (xã Dương Hưu, huyện Sơn Động) với diện tích tổng cộng hơn 10.000 m² được dự kiến đưa ra đấu giá với tổng mức khởi điểm trên 47 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chỉ có 38 lô đất tham gia đấu giá, trong khi các thửa đất còn lại không có khách hàng mua hồ sơ. Đến nay, sau gần 2 năm tổ chức đấu giá đất, khu vực đấu giá hiện nay trở nên hoang vắng, không người qua lại, các biển thông tin về khu vực đấu giá đã bị rách tả tơi.

Tình trạng ế ẩm cũng diễn ra phổ biến tại Quảng Ngãi và Quảng Nam. Tại Quảng Ngãi, sau hơn 1 năm đưa ra đấu giá, Dự án Khu dân cư Vinh Hòa (thị xã Đức Phổ) vẫn chưa tìm được nhà đầu tư. Dự án Khu dịch vụ đô thị và du lịch biển Hàng Dương với diện tích hơn 22.480 m² tại Mỹ Khê, xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi, được thông báo đấu giá từ tháng 11/2023 với giá khởi điểm 130 tỷ đồng nhưng chưa có người đăng ký tham gia.

Tại Quảng Nam, thị xã Điện Bàn và TP. Hội An là hai địa phương có quỹ đất dồi dào và tiềm năng cao đối với nguồn thu từ khai thác quỹ đất. Tuy nhiên, đến nay, Điện Bàn mới thu được 67 tỷ đồng trong kế hoạch thu tiền sử dụng đất là 803 tỷ đồng được giao năm 2024; trong khi đó, Hội An chỉ thu được hơn 18 tỷ đồng trong kế hoạch thu 475 tỷ đồng, tức là chưa đạt đến 4%.