Nhiều khu trọ rục rịch tăng giá điện, sinh viên, người thu nhập thấp lại thêm nỗi lo

Bùi Khánh Linh (quận Cầu Giấy) cho biết, cô ở trọ cùng em gái, giá điện hiện tại là 4.500 đồng/kWh. Nay có thông tin sẽ tăng tiếp, nhưng cô chưa rõ mức tăng cụ thể là bao nhiêu. Giá điện tăng có thể kéo nhiều chi phí sinh hoạt khác tăng theo.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), có hiệu lực từ ngày 11/10. Mức điều chỉnh này tương đương với mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện tại. Các biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt và điện kinh doanh cũng sẽ được điều chỉnh tăng theo.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chính thức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân lên 2.103,11 đồng/kWh

Sau khi có điều chỉnh này, nhiều chủ nhà cho thuê phòng trọ và chung cư mini đã thông báo về việc tăng giá điện. Chị Trần Thị Thanh Ngân đang thuê trọ tại quận Đống Đa (Hà Nội). Chị cho biết, giá điện lúc đầu là 4.000 đồng/kWh, cùng với các khoản tiền nước và internet là 200.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, chỉ sau ba ngày thông báo tăng giá điện, chủ phòng trọ đã quyết định nâng mức giá lên 5.000 đồng/kWh từ tháng 11, tức là tăng 25%.

Khi chị Ngân hỏi về lý do, chủ nhà cho biết mức tăng này là do giá điện tăng chung. Nhiều nhà đã áp dụng mức giá mới từ năm ngoái, nhưng khu trọ này thì đến giờ mới điều chỉnh. Chị đã gửi phản ánh đến ứng dụng của UBND TP. Hà Nội.

Chủ nhà thông báo tăng tiền điện sau khi EVN điều chỉnh giá bán lẻ điện

Tương tự, Nguyễn Minh Khôi - sinh viên một trường đại học trên địa bàn Hà Nội, đang thuê trọ tại quận Nam Từ Liêm cho biết, khu trọ của cậu ban đầu thông báo tăng giá điện từ 3.500 đồng/kWh lên 4.000 đồng/kWh. Tuy nhiên, do mọi người phản ứng mạnh nên chủ nhà đã điều chỉnh xuống còn 3.700 đồng/kWh và khẳng định ai không hài lòng có thể chuyển đi. Khôi cho hay, mỗi tháng phòng của cậu tiêu thụ khoảng 150-200kWh mỗi tháng, mức tăng này tuy không lớn nhưng với sinh viên, chi phí vẫn rất áp lực.

Còn chị Nguyễn Ngọc Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, chị đã thuê nhiều phòng trọ ở Hà Nội, và hầu hết đều có giá từ 3.000 đến 4.000 đồng/kWh. Những tháng nắng nóng, hóa đơn tiền điện của chị lên tới gần 700.000 đồng/tháng, tương đương với chi phí điện của một gia đình, nhưng chủ nhà lại cho rằng đây là "mức giá chung" không thể giảm.

Bùi Khánh Linh (quận Cầu Giấy) cho biết, cô ở trọ cùng em gái. Giá điện hiện tại là 4.500 đồng/kWh, đã tăng 500 đồng từ cuối năm 2023. Nay có thông tin sẽ tăng tiếp, nhưng cô chưa rõ mức tăng cụ thể là bao nhiêu. Cô chia sẻ, cô đang là sinh viên năm cuối đại học, còn em gái mới vào năm nhất. Giá điện tăng có thể kéo nhiều chi phí sinh hoạt khác tăng theo. Điều này sẽ thêm gánh nặng chi phí cho bố mẹ ở quê.

Thực trạng chủ nhà trọ tự ý tăng giá điện đã tồn tại từ lâu, đặc biệt là mỗi khi có chính sách tăng giá từ cơ quan quản lý. Hành động này khiến cuộc sống của sinh viên và người lao động thuê trọ trở nên khó khăn hơn, với gánh nặng chi tiêu ngày càng lớn. Nhiều người phải cắt giảm các khoản chi tiêu khác để có đủ tiền thanh toán tiền điện, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Có khu trọ đã tăng giá điện lên 5.000 đồng/kWh

Trên thực tế, hầu hết người thuê nhà hiện nay đều phải trả từ 3.500 đến 5.000 đồng/kWh, cao hơn nhiều so với quy định. Mức giá điện tối đa theo quy định hiện tại là 3.302 đồng/kWh. Pháp luật đã quy định mức xử phạt đối với hành vi này. Theo Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP và các sửa đổi, chủ nhà trọ có thể bị phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng nếu thu tiền điện vượt mức quy định.

Ngoài ra, chủ nhà còn phải nộp lại số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm. Nếu không xác định được cá nhân hay tổ chức để hoàn trả, số tiền chênh lệch sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.

Để bảo vệ quyền lợi, khách thuê trọ nên thỏa thuận rõ ràng về các mức chi phí trong hợp đồng. Đồng thời, cần có lộ trình tăng phí hợp lý để tránh tình trạng chủ nhà lợi dụng tình hình chung, nâng giá các loại chi phí sinh hoạt quá mức quy định.