Nhọc nhằn mưu sinh ngày cận Tết của những lao động tự do

Anh Trần Văn Nam - là tài xế xe ôm công nghệ tại TP. HCM, bắt đầu công việc mỗi ngày từ 6 giờ sáng. Dù chăm chỉ làm việc đến nửa đêm, thu nhập của anh vẫn bấp bênh, đặc biệt là những ngày cuối năm. Anh chia sẻ,, anh muốn chạy nhiều hơn để có thêm tiền, nhưng đường đông quá nên không nhận được nhiều cuốc.

Mong muốn cái Tết đầy đủ hơn

Chỉ còn khoảng hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng với những lao động tự do như chị Nguyễn Thị Loan (quê Hưng Yên), cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại thêm vất vả để lo toan một cái Tết đủ đầy cho gia đình.

Mỗi ngày, chị đều dậy từ 4 giờ sáng, đạp xe đến chợ Long Biên (Hà Nội) để mua rau, sau đó mang về bán tại chợ dân sinh trên địa bàn quận Long Biên. Có những ngày may mắn, chị kiếm được khoảng 200 nghìn đồng, nhưng cũng không ít hôm ế ẩm, thu nhập chẳng đủ để mua gạo. Thu nhập bấp bênh khiến chị càng thêm nỗi lo khi Tết đến gần. Nhất là năm nay, việc buôn bán còn ảm đạm.

Tết càng cận kề, áp lực tài chính lại càng nặng với lao động tự do

Chị Loan bảo, dù khó khăn đến mấy, Tết vẫn phải có mâm cúng gia tiên đủ đầy, biếu quà cho hai bên nội ngoại và mua cho con cái áo mới. Giờ người bán thì nhiều mà người mua lại ít. Ai có tiền thì vào siêu thị, còn phần lớn mua online. Người bán rong như chị ngày càng khó sống. Dù vậy, chị vẫn phải cố bám trụ, không còn nghề nào phù hợp. Đến khi nào sức khỏe không cho phép nữa thì đành nghỉ.

Vài tuần trở lại đây, anh Trần Văn Long (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đều làm việc từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm, có ngày còn về muộn hơn nếu đơn hàng cần giao gấp. Với công việc giao hàng, nếu chăm chỉ, anh có thể kiếm được khoảng 350.000 đồng mỗi ngày. S

au khi trừ chi phí nhà trọ, ăn uống tiết kiệm, anh gửi về quê cho vợ khoảng 5 - 6 triệu đồng mỗi tháng. Gần đến Tết, anh mong muốn kiếm thêm để có đủ tiền lo cho gia đình một cái Tết tươm tất. Tuy nhiên, dù lượng đơn hàng tăng lên, việc di chuyển trở nên khó khăn vì đường phố tắc nghẽn khiến anh không thể nhận thêm đơn như mong muốn.

Anh Long bộc bạch, anh chỉ mong có sức khỏe và đơn hàng đều đặn để có tiền sắm Tết. Dù rất mệt nhưng anh vẫn phải cố gắng để mua được bộ quần áo mới cho con, bánh kẹo biếu ông bà và có tiền lì xì cho mấy đứa nhỏ.

Lao động tự do đều tranh thủ nhận nhiều việc hơn để mong có một cái Tết đầy đủ

Cơm áo gạo tiền “giữ chân” chưa thể về quê

Mỗi ngày, chị Ray vẫn bày hàng bán khoai lang chiên, chuối chiên... trên đường Lương Định Của (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Chị Ray kể, hơn 10 năm trước, chị cùng chồng rời quê lên TP. HCM kiếm sống.

Chồng chị làm thợ hồ, ai thuê gì thì làm nấy. Còn chị khi đó bán bắp rang bơ ở gần khu chợ đêm làng đại học, nhờ các bạn sinh viên ủng hộ nên cũng có đồng ra đồng vào. Cuộc sống ở thành phố tuy vất vả nhưng vợ chồng chị không có ý định quay về quê, vì ở đây dễ kiếm tiền hơn để nuôi con và giúp đỡ gia đình.

Sau đó, chị chuyển từ bắp rang bơ sang bán khoai chiên, chuối chiên. Qua nhiều lần phải di chuyển nơi buôn bán, chị quyết định thuê một góc nhỏ trước tiệm ăn trên đường Lương Định Của để ổn định công việc.

Dù vậy, những ngày cận Tết, áp lực tài chính lại đè nặng lên vai chị Ray. Chị cho hay, năm nay buôn bán ế ẩm hơn, giá nguyên liệu lại tăng mà chị không dám tăng giá vì sợ mất khách. Gần Tết, sinh viên về quê nhiều nên không bán được nhiều. Hai vợ chồng chị tự nhủ cố gắng để kiếm thêm chút ít, mua quà bánh về quê cho gia đình.

Điều giúp vợ chồng chị thêm quyết tâm là niềm háo hức của hai con khi biết sắp được về quê ăn Tết. Ngoài giờ học, các con thường ra phụ mẹ bán hàng, nhưng trong lòng chúng luôn mong ngóng được sum họp cùng ông bà, cô chú và anh chị em đông đủ ở quê.

Anh Trần Văn Nam là tài xế xe ôm công nghệ tại TP. HCM. Mỗi ngày, anh bắt đầu công việc từ 6 giờ sáng, rong ruổi khắp các con đường để nhận khách. Dù chăm chỉ làm việc đến nửa đêm, thu nhập của anh vẫn bấp bênh, đặc biệt là những ngày cuối năm.

Cuộc sống của anh Nam vốn không dễ dàng. Rời quê từ năm 25 tuổi, anh chọn TP. HCM làm nơi lập nghiệp với hy vọng có cơ hội kiếm sống tốt hơn. Nhưng công việc chạy xe ôm không ổn định, ngày có khách, ngày lại vắng. Những ngày cận Tết, nhu cầu di chuyển tăng cao, nhưng đường phố tắc nghẽn khiến việc đón khách gặp nhiều khó khăn.

Anh Nam chia sẻ, anh muốn chạy nhiều hơn để có thêm tiền, nhưng đường đông quá, giao thông hỗn loạn nên cũng không nhận được nhiều cuốc. Mỗi ngày kết thúc, anh mệt rã rời nhưng thu nhập vẫn chẳng đủ.

Hiện tại nỗi lo lớn nhất của anh Nam là làm sao để con gái nhỏ ở quê có một cái Tết đủ đầy. Anh bảo, muốn mua cho con một bộ quần áo mới, biếu mẹ già chút tiền để lo Tết. Anh tính làm đến tận 30 Tết, hy vọng kiếm thêm được vài triệu để gửi về quê. Còn bản thân anh, Tết này chắc ở lại thành phố vừa để tiết kiệm chi phí về quê, vừa tranh thủ kiếm thêm chút tiền lo cho gia đình.

Đối với những người mưu sinh tự do, cuộc sống thường ngày vốn đã chật vật với mong ước đủ sống qua ngày. Khi Tết đến, những khó khăn ấy lại càng nhân lên, buộc họ phải nỗ lực gấp bội để mang lại một cái Tết đầy đủ cho gia đình.