Chăm livestream bán hàng
Còn hơn ba tuần nữa đến Tết Nguyên đán, thị trường hoa Tết vẫn khá trầm lắng, kể cả đối với khách hàng mua sỉ. Để cải thiện tình hình, nhiều nhà vườn đã chủ động livestream bán hàng và lên kế hoạch đầu tư mạnh hơn vào kênh bán hàng trực tuyến trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Hiền - chủ vườn lan Ngọc Hiền (TP. Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, dù lượng đơn đặt cọc mua lan dendro và mokara từ thương lái đã tăng so với trước đó, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 40% so với cùng kỳ các năm trước.
Thông thường, lan dendro thường được đặt hàng sớm từ giữa tháng 12, khi khách đã nắm được chất lượng hoa. Còn lan mokara thường chỉ sôi động vào sát Tết. Nhưng năm nay, sức mua của cả hai loại lan chủ lực tại TP.HCM đều giảm rõ rệt, dù nhà vườn vẫn giữ giá bán sỉ ổn định như mọi năm.
Tương tự, ông Phạm Anh Dũng - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Củ Chi (TP. HCM), cũng xác nhận sức tiêu thụ các loại lan phổ biến như dendro, mokara, ngọc điểm... đang chậm hơn so với các năm trước. Phần lớn khách mua sỉ là thương lái, nhưng năm nay họ ngần ngại đặt hàng sớm vì lo sức mua kém. Ông hy vọng càng cận Tết, nhu cầu sẽ càng tăng.
Không chỉ lan, nhiều nhà vườn trồng các loại hoa nền như cúc, mào gà, vạn thọ... cũng gặp khó khăn tương tự. Lượng khách sỉ, vốn thường chủ động tìm hiểu và đặt cọc sớm, năm nay lại khá im ắng. Trong khi đó, chi phí sản xuất tăng khoảng 10% so với năm ngoái, nhưng giá bán vẫn chưa thể điều chỉnh tăng, thậm chí có nguy cơ giảm nếu sức mua tiếp tục thấp.
Trước tình hình này, nhiều nhà vườn đã đẩy mạnh việc quảng bá và bán hoa, cây cảnh Tết trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Zalo, Facebook... Cách tiếp cận này đã thu hút được nhiều khách hàng quan tâm, với các loại cây chủ yếu được rao bán gồm mai, đào, quất, hoa lan và hoa cúc.
Đại diện nhà vườn Bonsai Nghĩa (Bến Tre) cho biết, vườn hiện có hàng chục nghìn chậu cúc mâm xôi chuẩn bị cho mùa Tết, nên đã tích cực đăng tải video và livestream bán hàng trực tuyến nhằm tiếp cận thêm nhiều khách hàng.
Giá bán mỗi chậu cúc mâm xôi (tán khoảng 1m) là 250.000 đồng hoặc 450.000 đồng cho 2 chậu, đã bao gồm phí giao hàng. Bên cạnh đó, nhà vườn cũng cung cấp số lượng lớn hoa mai vàng với mức giá dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng mỗi cây, hỗ trợ giao hàng trên toàn quốc.
Nhà vườn cho hay sẽ ngừng bán lẻ vào khoảng ngày 15/1 dương lịch. Đối với khách mua sỉ, cần đặt cọc sớm để nhà vườn giữ cây. Tuy nhiên, khách hàng nên mua sớm để chọn được cây đẹp, bởi cuối mùa thường chỉ còn những cây tồn kho.
Tương tự, ông Trịnh Thanh Hiền - một nhà vườn chuyên bán hoa đào tại Hà Nội, cũng đẩy mạnh bán hàng qua kênh online do sức mua trực tiếp đang chậm. Dù vậy, lượng khách lẻ hiện chỉ chiếm khoảng 10 - 20%, nên ông dự định tiếp tục tăng cường hoạt động bán hàng trực tuyến trong thời gian tới.
Theo ông Hiền, Những cây đào nhỏ có giá từ 500.000 - 1.000.000 đồng khá dễ bán. Khách mua có thể nhận hàng qua bưu điện hoặc các đơn vị vận chuyển. Đối với khách mua nhiều hoặc cây lớn, có thể thuê xe riêng hoặc ghép xe để vận chuyển tận nơi. Nhờ vậy, ông có thể bán hàng trên toàn quốc.
Tại huyện Gia Lâm (Hà Nội), chị Thúy An cũng đã bắt đầu sử dụng mạng xã hội để đăng tải video và hình ảnh giới thiệu các loại hoa Tết nhằm thu hút khách hàng. Trong vụ hoa Tết 2025, chị An đã trồng nhiều giống hoa phổ biến trong dịp Tết như cúc mâm xôi, bông vạn thọ, thược dược… Các thương lái thường đặt hàng trước hoặc trực tiếp đến vườn lấy hoa. Ngoài ra, chị An cũng triển khai hình thức bán hàng trực tuyến từ năm ngoái và đạt được kết quả rất tích cực.
Chị An cho hay nhờ đưa sản phẩm lên mạng xã hội, ngay từ năm ngoái, vườn nhà chị tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, cả sỉ lẫn lẻ. Doanh thu đã tăng hơn 80% so với khi chỉ bán hàng trực tiếp tại vườn.
Tiết kiệm được chi phí
Theo chia sẻ của nhiều nhà vườn, bán hoa Tết online giúp giảm đáng kể chi phí so với phương thức bán hàng truyền thống, đặc biệt là không phải tốn kém cho việc thuê mặt bằng.
Một chủ vườn tại huyện Phong Điền (Cần Thơ) chia sẻ, mọi năm anh phải chi vài triệu đồng để thuê sạp ngoài chợ bán hoa. Nhưng giờ bán online, hoa vẫn để ở vườn nhà, không tốn đồng nào cho mặt bằng hay vận chuyển. Dù chưa biết Tết này có bán hết số hoa không, nhưng anh đã tiết kiệm được vài triệu đồng chỉ từ việc không phải thuê sạp.
Nhà vườn Uyên Linh (Cần Thơ) cũng cảm nhận rõ lợi ích của bán hàng online khi không còn phải ngồi chờ khách dưới thời tiết nắng nóng. Chủ vườn cho biết, trước đây, chị phải vận chuyển hoa ra sạp, rồi thay phiên nhau ngồi bán dưới trời nắng, rất vất vả. Bây giờ, chỉ cần ở nhà chốt đơn khi khách đặt. Nếu gần thì tự giao, xa hoặc số lượng lớn thì thuê xe chở. Bán online vừa có nhiều khách hơn mà chị cũng nhàn hơn hẳn.
Chị còn nhấn mạnh, bán hàng online không chỉ giúp giảm bớt sự vất vả, mà còn giúp nhà vườn thoát khỏi sự phụ thuộc vào thương lái, không cần tìm kiếm thị trường truyền thống hay đối mặt với việc mặc cả. Nhờ đó, chi phí được cắt giảm đáng kể, mang lại lợi nhuận cao hơn.
Đồng tình với ý kiến này, chị Thúy An chia sẻ, việc tham gia thị trường online đã giúp gia đình chị không còn bị động về đầu ra. Thông qua việc thường xuyên đăng tải hình ảnh các loại hoa Tết và tương tác với khách hàng trên mạng xã hội, chị đã xây dựng được lượng khách ổn định, bao gồm các cửa hàng lớn và người tiêu dùng cá nhân.
Trước sự thay đổi lớn trong thói quen mua sắm của khách hàng, việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu. Các nhà vườn không chỉ tập trung vào bán buôn cho thương lái mà còn chủ động sử dụng mạng xã hội để tiếp cận trực tiếp khách hàng cá nhân.
Đối với các nhà vườn, việc áp dụng mô hình kinh doanh đa kênh đã chứng minh vai trò quan trọng trong việc đảm bảo đầu ra ổn định cho các sản phẩm hoa Tết. Trong bối cảnh hiện nay, sự linh hoạt trong cách tiếp cận và đổi mới trong kinh doanh chính là chìa khóa giúp các nhà vườn vượt qua thách thức và phát triển bền vững.