Bận rộn từ sáng sớm đến đêm khuya
Những ngày cận Tết Nguyên đán 2025, tại Hà Nội hay TP. HCM shipper hối hả giao hàng khi nhu cầu mua sắm tăng mạnh. Đây là giai đoạn mà công việc của họ không chỉ đơn thuần là vận chuyển hàng hóa, mà còn là một "cuộc chiến" để kịp thời giao hàng cho người tiêu dùng trước Tết.
Theo ước tính của nền tảng phân tích Metric, tổng doanh số trên năm sàn thương mại điện tử hàng đầu (Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki, Sendo) sẽ đạt gần 81.000 tỉ đồng trong quý 4-2024, với 870 triệu sản phẩm được bán ra. Mức tăng trưởng trong các tháng 10, 11, 12 lần lượt đạt 10%, 20% và 35% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo từ Google, Temasek và Bain cho thấy, hơn 61 triệu người Việt tham gia mua sắm online vào năm 2024, chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Với hơn một nửa dân số tham gia mua sắm trực tuyến, thị trường này đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình kinh doanh cá nhân không cần cửa hàng và thúc đẩy sự phát triển của ngành chuyển phát nhanh và vận chuyển, đặc biệt là vào dịp Tết.
Anh Trần Văn Minh - một shipper làm việc tại TP. HCM cho biết, từ đầu tháng Chạp, anh đã phải giao tới hơn 400 đơn mỗi ngày, gấp 3 lần bình thường. Mỗi ngày anh phải bắt đầu công việc từ 5 giờ sáng và kết thúc vào gần 11 giờ đêm mới xong. Việc giao hàng trở nên vất vả hơn, nếu không hoàn thành kịp sẽ không thể giao hết đơn trong ngày. Tuy công việc căng thẳng, nhưng thu nhập lại tăng đáng kể. Mỗi ngày trừ hết chi phí, thu nhập khoảng 700.000 - 800.000 đồng.
Tại Bưu điện trung tâm Sài Gòn, ông Trương Thành Long - Trưởng phòng kinh doanh cho biết, lượng khách giao dịch đã tăng 20% so với ngày thường. Để đáp ứng nhu cầu, bưu điện sẽ duy trì hoạt động đến hết ngày 28 tháng Chạp.
Các dịch vụ được sử dụng nhiều nhất trong dịp này bao gồm gửi quà Tết, thư chúc mừng và lịch làm quà tặng doanh nghiệp. Đặc biệt, dịch vụ gửi quốc tế các mặt hàng đặc sản và đồ khô truyền thống sang các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ này phần lớn xuất phát từ việc Tết Ất Tỵ đến sớm (29-1-2025), khiến nhu cầu mua sắm tập trung vào cuối tháng 11 và tháng 12-2024, dẫn đến doanh số trên các sàn thương mại điện tử tăng đột biến trong giai đoạn này.
Ông Phan Đình Quân, giám đốc Công ty TNHH EZ Shipping (Hà Nội) cho rằng, sự gia tăng mạnh mẽ trong xu hướng mua sắm trực tuyến trong những năm gần đây đã mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vận chuyển. Tuy nhiên, cơ hội này cũng đi kèm với nhiều thách thức không nhỏ. Cụ thể, vào dịp Tết, số lượng đơn hàng có thể lên tới hàng triệu, tạo ra tình trạng hàng hóa dồn ứ, gây áp lực lớn cho việc duy trì chất lượng dịch vụ.
Từ góc độ của người làm công tác giao hàng, anh Nguyễn Văn Đức - nhân viên Viettel Post tại TP. HCM chia sẻ, công việc của anh trở nên vô cùng áp lực trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Vào dịp Tết, số lượng đơn hàng có thể đạt từ 2-3 triệu mỗi ngày, khiến việc ứng dụng công nghệ trong quản lý và vận hành trở nên hết sức cấp thiết.
Các giải pháp công nghệ như hệ thống chia chọn thông minh và định tuyến đường thông minh giúp tăng hiệu suất công việc gấp đôi và giảm tỷ lệ sót đơn hàng. Mặc dù công việc trở nên căng thẳng và áp lực tăng lên, nhưng thu nhập của nhân viên giao hàng lại tăng khoảng 50% so với ngày thường, giúp họ phần nào vượt qua khó khăn trong mùa cao điểm.
Vất vả tìm người giao hàng
Mùa Tết là dịp cao điểm của thị trường mua sắm, mang lại đồng thời cùng lúc niềm vui và sự lo lắng của người bán hàng. Cận Tết, tình trạng quá tải tại các bưu cục, sự thiếu hụt shipper hay thậm chí là việc các công ty vận chuyển tạm dừng nhận đơn trước kỳ nghỉ khiến cho công việc của người bán hàng trở nên phức tạp hơn.
Những cửa hàng có quy mô nhỏ thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm shipper đủ năng lực để giao hàng đúng hạn. Thậm chí, do gặp khó khăn trong tìm người vận chuyển khiến nhiều chủ cửa hàng buộc phải dừng nhận đơn sớm, mặc dù nhu cầu mua sắm chưa giảm.
Minh Thư - chủ cửa hàng thời trang tại Hà Nội chia sẻ, những năm qua cô luôn phải đối mặt với áp lực giao hàng trước Tết. Khách hàng có tâm lý muốn nhận hàng sớm. Nếu ship không kịp, cửa hàng sẽ phải chịu chi phí không nhỏ khi khách hoàn hàng, chưa kể đến nguy cơ hàng bị thất lạc.
Tương tự, Ngọc Anh - chủ hủ cửa hàng thời trang mẹ và bé cho rằng, vào những ngày gần Tết, việc vận chuyển gặp nhiều rủi ro, từ việc hàng hóa không thể đến tay khách đúng hẹn đến tình trạng shipper làm mất hàng. Vì vậy, cô khuyên các cửa hàng nếu có thể, nên nhờ người thân hỗ trợ giao hàng trong phạm vi gần nhà, khoảng 5km.
Một giải pháp khác là các cửa hàng có thể tìm những shipper cố định, trả lương hàng tháng và có cam kết rõ ràng về hợp đồng lao động cùng các giấy tờ tùy thân cần thiết. Với những shipper này, các chủ cửa hàng có thể yên tâm giao hàng và tin tưởng họ sẽ tiếp tục vận chuyển cho đến những ngày cận Tết.
Đặc biệt, với các sản phẩm đặc thù như đồ phong thủy, thực phẩm làm sẵn hay các món quà Tết, việc giao hàng đúng giờ càng trở nên quan trọng. Đức Tài - chủ cửa hàng đồ phong thủy tại Hà Nội chia sẻ, vào dịp Tết, anh phải hết sức cân nhắc khi lựa chọn các đơn vị vận chuyển, bởi "chậm một ngày cũng đồng nghĩa với việc mất khách hàng".
Theo chuyên gia giảng dạy ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, trong bối cảnh thị trường vận chuyển ngày càng trở nên đa dạng, người tiêu dùng cần phải thận trọng và suy xét kỹ lưỡng khi chọn lựa đơn vị vận chuyển.
Có một số yếu tố quan trọng cần xem xét, bao gồm chi phí vận chuyển, thời gian giao hàng, chất lượng phục vụ của nhân viên, chính sách hỗ trợ giao hàng nhiều lần và phí thu hộ. Việc lựa chọn một đơn vị vận chuyển phù hợp không chỉ giúp giảm thiểu các rủi ro liên quan đến việc giao hàng trễ, nhầm lẫn, thất lạc hay hư hỏng, mà còn đặc biệt quan trọng trong các thời điểm cao điểm như dịp Tết, khi nhu cầu vận chuyển tăng cao và áp lực công việc rất lớn.