Giá thực phẩm tăng nhanh dịp gần Tết, các bà nội trợ quay quắt tính toán chi tiêu

Chị Ngọc Mai (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, vợ chồng chị vốn đã lên kế hoạch chi tiêu các khoản cụ thể chuẩn bị Tết như mua sắm quà biếu, bánh mứt, tiền lì xì… Giờ thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày tăng giá, dẫn đến chi phí sinh hoạt gia đình đội lên. Do đó, chị phải cân đối lại các khoản dự tính chi đã lên trước đó.

Bất ngờ vì các loạt thịt tăng giá nhanh

Chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2025, nhưng thực tế nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống đã có xu hướng tăng giá. Tình trạng này đang khiến không ít bà nội trợ lo ngại về chi phí sinh hoạt gia đình đội lên dù chưa đến Tết.

Sáng ngày 2/1, chị Nguyễn Minh Thư (quận 3, TP. HCM) theo thường lệ đến chợ Bàn Cờ. Nhưng chị đi dọc các sạp thịt heo một lúc vẫn chưa quyết định mua. Nguyên nhân là do giá của thực phẩm này tăng nhanh khiến chị bất ngờ.

tang-gia-1735880398.jpeg
Giá thịt lợn đã tăng từ 20% - 30% trong vòng một tuần qua

Chị Thư cho biết, tuần trước, chị mua sườn non chỉ khoảng 150.000 đồng/kg, còn giờ lên đến 190.000 đồng/kg, nạc nọng cũng hơn 210.000 đồng/kg... Giá cao quá khiến chị tính đến thay thịt heo bằng gà, cá cho bữa ăn gia đình.

Bà Thủy - tiểu thương tại chợ Phú Lâm (quận 6, TP. HCM) cho biết, giá thịt heo lên xuống như chứng khoán, hôm nay thế này, hôm sau đã khác. Càng gần Tết, giá thịt thường tăng, nhưng tăng ít hay nhiều còn tùy vào cung cầu và sức mua.

Như ở chợ đầu mối Hóc Môn - nơi phân phối chính thịt heo tại TP. HCM, dù lượng heo nhập chợ mỗi đêm không giảm (khoảng 350 - 450 tấn, tương đương 4.700 - 6.000 con heo), nhưng do nhu cầu tiêu thụ tăng cao, giá thịt đã tăng từ 20% - 30% trong vòng một tuần qua. Dự báo giá này sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Không chỉ TP. HCM, tại nhiều chợ truyền thống ở Hà Nội, giá các loại thịt như nạc vai, mông, ba chỉ, sườn thăn hiện cũng dao động từ 140.000 - 150.000 đồng/kg, tăng khoảng 20% - 30% so với vài tuần trước.

Ngoài thịt lợn, các mặt hàng thực phẩm khác như thịt gà, vịt, thịt bò cũng chứng kiến mức tăng đáng kể. Cụ thể, giá gà công nghiệp hiện có giá 75.000 đồng/kg, vịt 85.000 đồng/kg và thịt bò dao động từ 260.000 - 290.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg.

Chị Ngọc Mai (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, việc tăng giá thực phẩm ngay từ thời điểm này khiến chị phải tính toán lại ngân sách gia đình. Vợ chồng chị vốn đã lên kế hoạch chi tiêu các khoản cụ thể chuẩn bị Tết như mua sắm quà biếu, bánh mứt,… Giờ thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày tăng giá, dẫn đến chi phí sinh hoạt gia đình đội lên. Do đó, chị phải cân đối lại các khoản chi đã lên trước đó.

Trong khi đó, chị Hoàng Thị Mai (Đội Cấn, Hà Nội) cho biết, thịt là nguyên liệu chính trong nhiều món ăn truyền thống của gia đình trong dịp Tết, vì vậy giá cả của các loại thịt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách của gia đình.

Tiểu thương cũng lo lắng

Bên cạnh những lo lắng của người tiêu dùng, các tiểu thương bán thực phẩm tươi sống tại các chợ dân sinh cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Mặc dù giá thịt heo, thịt gà, thịt bò đã tăng mạnh, nhưng nhu cầu tiêu thụ không tăng tương ứng.

Bà Thủy - tiểu thương tại chợ Phú Lâm (quận 6) cho biết, trước đây mỗi ngày bà lấy cả trăm ký thịt, nhưng giờ chỉ còn chưa tới một phần ba mà vẫn bán không hết. Chỉ khi có khách đặt trước, bà mới dám lấy nhiều vì người dân thường thích thịt tươi. Do đó, bà lấy đủ để bán hết trong ngày. Hôm nào bán không hết, bà phải cấp đông. Khách lại không thích mua loại thịt này, dẫn đến thua lỗ.

tang-gia-1-1735880313.jpg
Không chỉ thịt lợn, nhiều thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống cũng đang có xu hướng tăng giá

Còn chị Nguyễn Thị Hòa - một tiểu thương bán thịt tại chợ Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết, mọi năm giá thịt chỉ tăng sát Tết, nhưng năm nay lại tăng sớm. Trong hai tuần qua, giá thịt lợn tại các chợ đầu mối đã tăng, khiến chị cũng phải điều chỉnh lại giá bán. Chị không thể bán giá cũ khi giá thịt lợn tại các chợ đầu mối đã tăng, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng vẫn giữ nguyên hoặc thậm chí tăng lên dịp cận Tết

Theo chị Hòa, nguyên nhân giá thịt lớn tăng một phần do tác động của đợt lũ lụt vào tháng 9/2024 và dịch tả heo châu Phi đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung heo, dẫn đến tình trạng giá thịt lợn tăng mạnh. Điều này khiến người tiêu dùng ngần ngại khi chi tiêu cho thực phẩm, nhất là những mặt hàng thiết yếu như thịt.

Chị Ngọc Mai - một tiểu thương khác tại đây cho biết, giá thực phẩm tăng khiến lượng hàng bán ra giảm. Người dân cũng bắt đầu lo lắng về giá cả, nên chỉ mua những gì thật sự cần thiết và có thể thay thế thịt lợn bằng các loại thực phẩm khác giá rẻ hơn.

Theo các chuyên gia, việc tăng giá thực phẩm trong dịp Tết là điều không tránh khỏi, bởi nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong khi nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên, mức độ tăng giá quá mạnh có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tiêu dùng, đặc biệt là đối với những gia đình có thu nhập thấp. Mặt khác, các tiểu thương cũng đang gặp khó khăn vì khi giá tăng, nhu cầu mua giảm, khiến họ gặp phải tình trạng hàng hóa tồn đọng.

Trước tình trạng thực phẩm tăng giá sớm trước Tết, mới đây, Sở Tài chính TP. HCM đã chấp thuận điều chỉnh giá các mặt hàng thịt heo trong chương trình bình ổn thị trường, với mức tăng từ 3.000 - 6.000 đồng/kg.

Sau khi điều chỉnh, giá các mặt hàng thịt heo mới như nạc vai, đùi là 166.000 đồng/kg, thịt cốt lết 147.000 đồng/kg, thịt đùi 125.000 đồng/kg, thịt vai 144.000 đồng/kg... Mức giá này vẫn thấp hơn từ 5 - 25% so với giá bình quân các mặt hàng cùng loại trên thị trường, đảm bảo phù hợp với chương trình bình ổn.

Ngày 2/1, Sở Công thương TP. HCM cũng đã gửi văn bản đến các sở, ban, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng và nguồn gốc hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2025.

Sở Công thương đề nghị các hệ thống bán lẻ tăng cường hoạt động trong những ngày cận Tết và mở cửa trở lại từ mùng 2 Tết, thậm chí một số hệ thống sẽ hoạt động xuyên Tết. Nguồn hàng bình ổn thị trường sẽ được duy trì ổn định, giúp người dân yên tâm mua sắm.

Bên cạnh đó, Sở khuyến khích người dân tham gia các chương trình khuyến mãi do cơ quan này xác nhận, các chương trình giảm giá của doanh nghiệp bình ổn thị trường để tiết kiệm chi tiêu dịp Tết.