TS. Trần Minh Sơn (Chuyên viên cao cấp Bộ Tư pháp) – Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trung tâm Trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế PACC cho biết, luật lần này đã sửa đổi, bổ sung 43 điều, bổ sung 2 điều mới; đồng thời bãi bỏ 2 điều và một số quy định trong Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Dưới đây là những điểm đáng chú ý:
Người trúng đấu giá vi phạm có thể bị cấm tham gia đấu giá đến 5 năm
Một điểm nhấn quan trọng chính là việc bổ sung chế tài cấm tham gia đấu giá từ 6 tháng đến 5 năm đối với người trúng đấu giá quyền sử dụng đất (hoặc quyền khai thác khoáng sản) để thực hiện dự án đầu tư nhưng không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán, khiến kết quả đấu giá bị hủy. Cùng với đó, cơ quan phê duyệt kết quả trúng đấu giá là nơi có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức cấm này. Đây được coi là bước đi “mạnh tay” nhằm răn đe tình trạng “thổi giá” rồi “bỏ cọc”, gây nhiễu loạn thị trường và thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Quy định riêng cho tài sản đặc thù, hạn chế gian lận
Nhằm tháo gỡ vướng mắc khi áp dụng quy trình đấu giá thông thường cho tài sản đặc thù (quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản…), Luật mới quy định thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ đấu giá dài hơn – ít nhất là 30 ngày trước phiên đấu giá. Mức tiền đặt trước cũng được ấn định chặt chẽ hơn, tối thiểu 10% và tối đa 20% giá khởi điểm, nhằm ngăn chặn hành vi nâng giá ảo hoặc bỏ cọc bất thường. Bên cạnh đó, Luật quy định rõ các điều kiện để tổ chức hành nghề đấu giá tiến hành xét duyệt hồ sơ, cũng như các trường hợp có thể dừng hoặc hủy bỏ việc tổ chức đấu giá, qua đó bảo đảm tính minh bạch, chính xác của quá trình đấu giá.
Siết chặt điều kiện tham gia, ràng buộc trách nhiệm người trúng đấu giá
Để hạn chế tối đa gian lận và đảm bảo năng lực của người tham gia đấu giá, Luật quy định nhiều điều kiện khắt khe hơn. Các doanh nghiệp, tổ chức phải chứng minh năng lực tài chính, kinh nghiệm phát triển dự án, không thuộc diện bị cấm tham gia đấu giá, và nếu là tập đoàn hoặc công ty mẹ – con, phải chỉ định một thành viên duy nhất tham gia. Với cá nhân, nếu trúng đấu giá để thực hiện dự án đầu tư thì phải cam kết thành lập tổ chức kinh tế đủ điều kiện triển khai.
Đáng chú ý, quy định mới đặt ra yêu cầu nộp tiền đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất (tính theo giá khởi điểm) trong một số trường hợp, nhằm khắc phục hiện tượng “bỏ cọc” gây thiệt hại cho Nhà nước. Sau khi có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp tiền đúng thời hạn; nếu sau 120 ngày vẫn không hoàn thành nghĩa vụ, kết quả sẽ bị hủy, tiền đặt trước không được hoàn trả.
Tăng hiệu lực quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn thi hành
Luật sửa đổi còn tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá, đồng thời quy định rõ ràng hơn về hủy kết quả đấu giá, xác định trách nhiệm của người vi phạm. Để Luật sớm đi vào cuộc sống, cần kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng liên quan, đồng thời tăng cường thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất có uy tín, kinh nghiệm cũng là yếu tố quyết định tính thành công của một cuộc đấu giá. Những đơn vị này sẽ giúp bảo đảm tính khách quan, minh bạch, hạn chế thất thoát tài sản công, cũng như tránh các khiếu kiện phát sinh. Với sự chặt chẽ của Luật sửa đổi, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất kỳ vọng sẽ có bước chuyển biến tích cực, ngăn chặn hiệu quả tình trạng “thổi giá – bỏ cọc” và tạo môi trường đầu tư ổn định, công bằng cho các doanh nghiệp, cá nhân.
Đề xuất xem xét mở rộng phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân
Theo luật sư Trần Văn Toàn, các quy định về đấu giá tài sản và đấu giá quyền sử dụng đất (thể hiện ở Luật Đấu giá tài sản sửa đổi năm 2024, Luật Đất đai năm 2024 và văn bản hướng dẫn) về cơ bản đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có tình trạng thông đồng nâng giá hoặc dìm giá để trục lợi, bỏ cọc, gây nhiễu loạn thị trường – tất cả đều bị pháp luật nghiêm cấm và có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
Nếu hành vi thông đồng đó nghiêm trọng hơn (như dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá), người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo Điều 218 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, luật sư Toàn cho rằng Điều 218 vẫn còn hạn chế:
Cụ thể, Hiện nay chỉ cá nhân là chủ thể chịu trách nhiệm hình sự, trong khi pháp nhân thương mại (doanh nghiệp) cũng có thể phạm các hành vi tương tự nhưng không bị xử lý hình sự; Điều 218 mới quy định 3 hành vi khách quan, chưa bao gồm các hành vi như “thông đồng, móc nối làm sai lệch thông tin, kết quả đấu giá hoặc thẩm định giá”.
Vì vậy, để nâng cao tính răn đe, luật sư Toàn đề xuất mở rộng trách nhiệm hình sự sang cả pháp nhân thương mại và bổ sung thêm các hành vi nói trên vào Điều 218. Khi đó, bất kỳ hành vi gian lận, thông đồng nào trong hoạt động đấu giá đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, giúp thị trường đấu giá vận hành công bằng và minh bạch hơn.