Trước đó, từ ngày 29/11/2024, tuyến cáp biển APG (châu Á - Thái Bình Dương) bị lỗi trên 2 nhánh gồm S1.9 kết nối vào Malaysia và S8 kết nối với Thái Lan, gây gián đoạn toàn bộ kết nối internet Việt Nam đi quốc tế trên tuyến.
Cáp quang biển AAE-1 thì bị sự cố từ tháng 5/2024, trên 2 nhánh là S1H3 giữa trạm cập bờ Cambodia và Việt Nam và S1H5 hướng kết nối đi Singapore. Sự cố trên nhánh S1H3 đã được khắc phục xong từ cuối tháng 9/2024, còn lỗi rò rỉ nguồn trên nhánh S1H5 đã hơn 3 lần bị lùi kế hoạch sửa chữa vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Theo các thông tin mới nhất, tính đến ngày 3/1/2025 cáp quang biển AAE-1 của Việt Nam đi quốc tế đã được khôi phục hoàn toàn dung lượng. Lỗi trên nhánh S1H5 kết nối đi Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore đã thông suốt.
Sự cố với tuyến cáp APG vẫn chưa sửa chữa xong. Theo các nhà cung cấp dịch vụ, dự kiến sự cố trên nhánh S8 sẽ được khắc phục trong thời gian từ 6/1 đến ngày 10/1. Sự cố trên nhánh S1.9 thì vẫn chưa có thời gian khắc phục cụ thể.
Đáng lưu ý, tuyến cáp quang biển khác là IA lại vừa phát sinh sự cố từ ngày 26/12/2024, trên nhánh S1 giữa phân đoạn từ Việt Nam đi Siangpore, dẫn đến việc mất hoàn toàn dung lượng kết nối từ Việt Nam tới Hồng Kông và Singapore, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng internet của người dùng cuối.
Việt Nam đang khai thác chính trên 5 tuyến cáp quang biển đi quốc tế gồm AAG, AAE-1, APG, IA và SMW3 với tổng dung lượng sử dụng hơn 20 Tbps, tổng dung lượng khả dụng 34 Tbps. Tuy nhiên, do đặc điểm vị trí và thềm lục địa Việt Nam cũng như các yếu tố khác, việc xảy ra các sự cố với cáp quang biển không còn là xa lạ. Trung bình, mỗi năm, các tuyến cáp quang biển của Việt Nam gặp khoảng 15 sự cố với mức độ khác nhau. Trước 2022, thời gian sửa chữa cáp biển thường kéo dài từ 1-2 tháng/sự cố, ảnh hưởng rất lớn đến việc kết nối internet của Việt Nam đi quốc tế. Thực tế là từ năm 2022 đến nay, thời gian khắc phục sự cố cáp biển đã kéo dài hơn vì nhiều lý do khác nhau.
Để bổ sung dung lượng kết nối internet của Việt Nam đi quốc tế, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) cũng đã cùng các nhà mạng đối tác tổ chức khánh thành tuyến cáp quang biển ADC mới, vận hành từ ngày 19/12/2024. Cáp ADC có độ dài gần 10.000 km, tổng dung lượng ban đầu hơn 160 Tbps. Kết nối 7 trạm cập bờ tại Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam. Điểm cập bờ tại Việt Nam là Quy Nhơn (Bình Định).
Trên tuyến cáp này, Viettel sở hữu một cặp sợi (FP) trên trục chính, với dung lượng thiết kế tối thiểu là 20 Tbps và sở hữu toàn bộ nhánh cáp biển và trạm cập bờ tại Việt Nam. Tuyến cáp này khi đưa vào khai thác sẽ là tuyến có dung lượng kết nối internet đi quốc tế lớn nhất Việt Nam (gấp 2 lần tuyến có dung lượng lớn nhất là AAE-1 hiện tại).
Cùng với Viettel, nhiều doanh nghiệp khác như Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng đang tích cực đầu tư thêm nhiều tuyến cáp quang biển mới. Theo chiến lược phát triển cáp quang biển của Việt Nam đến năm 2030 sẽ có ít nhất 10 tuyến cáp quang biển mới đi vào hoạt động. Việc phát triển cáp quang biển là một phần quan trọng trong hạ tầng số, vì vậy cần phải được đầu tư hiện đại, mạnh mẽ, đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam đi quốc tế và của công cuộc chuyển đổi số quốc gia, mục tiêu tạo đà cho một số đô thị trong nước trở thành trung tâm dữ liệu khu vực (digital Hub).