Hiểu đúng về báo tin vi phạm giao thông để không biến thành phạm pháp

Theo luật sư Đặng Văn Cường, chỉ những hình ảnh ghi lại hành vi vi phạm giao thông mới được phép lưu trữ và được sử dụng để trình báo với cơ quan chức năng. Pháp luật nghiêm cấm việc ghi hình người tham gia giao thông một cách tùy tiện, lưu trữ và sử dụng thông tin hình ảnh cho mục đích trái pháp luật.

Nghề “săn tiền thưởng”?

Nghị định số 176/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, cho phép Bộ Công an sử dụng một phần kinh phí để hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin về hành vi vi phạm hành chính liên quan đến trật tự, an toàn giao thông. Mức chi hỗ trợ này không vượt quá 10% số tiền thu được từ xử phạt vi phạm và tối đa là 5 triệu đồng cho mỗi vụ việc.

Đây là một trong những quy định mới được nhiều người quan tâm. Một số người cho rằng, đây sẽ trở thành một "nghề kiếm tiền" khi người dân có thể báo cáo hành vi vi phạm để nhận thưởng. Thậm chí trên mạng xã hội, không ít người khuyến khích, động viên nhau đi “săn tiền thưởng” từ vi phạm giao thông.

bao-cao-vi-pham-2-1736152343.jpg
Một số người cho rằng, báo có vi phạm giao thông có thể thành "nghề săn tiền thưởng"

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giao thông suy nghĩ này là chưa hiểu đúng về nội dung "chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin vi phạm giao thông". Từ đó có thể dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Anh Lê Văn Quang (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, sẽ rất nguy hại nếu nhiều người coi việc chụp ảnh và quay video phản ánh vi phạm giao thông như một nghề dễ kiếm tiền. Thay vì làm công việc ổn định, họ chỉ trông mong vào tiền thưởng. Nhưng nguồn thu này sẽ không ổn định và dần giảm đi khi ý thức tham gia giao thông của người dân được nâng cao.

Còn chị Trần Thị Phương Thảo (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, tại khu vực đường Nguyễn Trãi mà chị sinh sống, tình trạng vi phạm giao thông xảy ra thường xuyên nên việc quay phim và chụp hình vi phạm rất dễ dàng. Nếu báo cáo theo Nghị định 176 thì có thể kiếm được một khoản tiền lớn mỗi ngày. Dù vậy, chị nghĩ không nên thưởng tiền cho tất cả các thông tin vi phạm giao thông mà cần phải phân loại rõ ràng, chỉ tập trung vào những vi phạm nghiêm trọng. Điều này sẽ giúp giảm bớt các rắc rối cho cả CSGT và người dân.

Tiến sĩ Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhận định, việc trả tiền để mua tin hoặc thưởng tiền cho những người cung cấp thông tin về vi phạm trật tự an toàn giao thông sẽ khuyến khích người dân tích cực tham gia tố giác hơn, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với vấn đề này.

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại về việc một số người có thể lợi dụng chính sách này để ghi nhận vài chục vụ vi phạm mỗi ngày chỉ để nhận thưởng, điều này chẳng khác gì "đếm cua trong lỗ".

Ông Tạo giải thích, việc cung cấp thông tin vi phạm về trật tự an toàn giao thông thực tế đòi hỏi phải có thời gian, công sức, thậm chí sử dụng các thiết bị hỗ trợ để đảm bảo chất lượng thông tin. Thêm vào đó, nếu một vụ vi phạm giao thông có nhiều người chụp ảnh, ghi hình nhưng ai cũng nhận được thưởng thì sẽ không hợp lý. Các cơ quan chức năng cần xây dựng các tiêu chí rõ ràng cho việc cung cấp thông tin, chỉ những thông tin đủ điều kiện mới được nhận thưởng hoặc chi tiền.

Cẩn thận vi phạm pháp luật

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên Báo Tiền Phong, luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho biết, việc chi trả tiền cho những người cung cấp thông tin tố giác vi phạm giao thông là một chính sách rất nhân văn. Thực tế có không ít người dân chủ động cung cấp thông tin và hình ảnh vi phạm giao thông vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng mà không phải vì tiền thưởng.

Dù vậy, việc khen thưởng, từ góc độ tâm lý, sẽ khuyến khích người dân tham gia vào việc hỗ trợ cơ quan chức năng phát hiện và xử lý các vi phạm, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng.

bao-cao-vi-pham-1736152343.png
Người dân cần hiểu đúng về báo tin vi phạm giao thông để không vi phạm pháp luật

Bên cạnh đó, việc chi trả tiền thưởng là một cách thể hiện sự tri ân đối với những người dũng cảm bảo vệ lẽ phải, không thờ ơ trước cái sai trên đường và thông báo cho cơ quan chức năng. Điều này cũng giúp thông báo cho người cung cấp thông tin về hiệu quả trong công tác giám sát và xử lý vi phạm, đồng thời củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, khi thực hiện việc ghi hình hoặc chụp ảnh để tố giác vi phạm giao thông, người dân cần tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật để không xâm phạm quyền cá nhân. Quyền cá nhân về hình ảnh là một quyền nhân thân quan trọng được pháp luật bảo vệ, và mỗi cá nhân đều có quyền kiểm soát hình ảnh của chính mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân thông thường phải được sự đồng ý của họ.

Theo Điều 101, 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, hành vi đăng tải hình ảnh của người khác mà không được sự đồng ý, nếu không gây hậu quả nghiêm trọng hoặc hậu quả ít nghiêm trọng, có thể bị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng. Trường hợp thông tin được sử dụng vào mục đích xấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, hoặc gây thiệt hại lớn về tài sản, những hành vi này có thể bị xử lý hình sự.

Người dân cũng cần lưu ý cung cấp thông tin chính xác, tránh bịa đặt hoặc lan truyền tin giả, vì hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hình ảnh và video thu được cần được gửi trực tiếp đến cơ quan chức năng thông qua các kênh chính thức, không được tự ý đăng tải lên mạng xã hội để tránh vi phạm quyền riêng tư hoặc các quy định pháp luật khác. Quan trọng là trong quá trình ghi hình, cần đảm bảo an toàn giao thông và không gây nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác.

Trong khi đó, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư Hà Nội cho hay, quá trình ghi hình hành vi vi phạm có thể dẫn đến những mâu thuẫn giữa người quay và người tham gia giao thông. Việc ghi lại hình ảnh của người khác chỉ được phép thực hiện mà không cần xin phép khi có căn cứ xác đáng cho thấy người đó đã vi phạm pháp luật và mục đích của việc ghi hình là để bảo vệ an toàn và lợi ích công cộng.

Chỉ những hình ảnh ghi lại hành vi vi phạm giao thông mới được phép lưu trữ và được sử dụng để trình báo với cơ quan chức năng. Pháp luật nghiêm cấm việc ghi hình người tham gia giao thông một cách tùy tiện, lưu trữ và sử dụng thông tin hình ảnh cho mục đích trái pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường cũng đề cập đến khả năng xuất hiện thông tin giả mạo hoặc hình ảnh dàn dựng nhằm nhận thưởng, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý vi phạm. Đối với những hành vi này, nếu có dấu hiệu lợi dụng quy định pháp luật để trục lợi hoặc gây khó khăn cho lực lượng chức năng, cần phải xử lý nghiêm.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan chức năng cần đưa ra những khuyến cáo, kiểm soát tình hình và thiết lập cơ chế bảo vệ người tố cáo để tránh những mâu thuẫn, xung đột xã hội có thể phát sinh từ hoạt động này.