Từ vụ đồn thổi "nhận 50 triệu tiền thưởng" tố giác vi phạm giao thông đến cần sớm ban hành hướng dẫn chi tiết

Hiện tại, Cục CSGT đang xây dựng các quy định chi tiết để hướng dẫn việc chi trả cho người cung cấp thông tin vi phạm, đồng thời xác định tiêu chí chi trả cho từng trường hợp. Do đó, thông tin về việc cá nhân nhận thưởng hơn 50 triệu đồng từ việc này là không chính xác.

Bác thông tin nhận thưởng

Tối ngày 3/1, nhiều trang mạng xã hội lan truyền thông tin "một thanh niên nhận được hơn 50 triệu đồng tiền hoa hồng chỉ sau 1 ngày tố giác vi phạm giao thông", kèm theo thông tin sự việc xảy ra tại Hà Nội.

Trước sự việc này, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an Hà Nội khẳng định đây là thông tin sai sự thật. Hiện tại, chưa có bất kỳ cá nhân nào nhận được tiền thưởng từ việc cung cấp hoặc phản ánh thông tin về vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, đơn vị này thông báo các cá nhân và trang mạng xã hội đăng tải thông tin sai sự thật sẽ bị xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

vi-pham-1-1735966062.jpg
CSGT khẳng định thông tin lan truyền trên mạng xã hội là sai sự thật

Phía Cục CSGT (Bộ Công an) cũng đưa ra phản hồi về sự việc trên. Theo đó, Nghị định 176/2024 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2015 cho phép Bộ Công an được chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông. Mức chi hỗ trợ sẽ không vượt quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tối đa là 5 triệu đồng cho mỗi vụ việc.

Hiện tại, Cục CSGT đang xây dựng các quy định chi tiết để hướng dẫn việc chi trả cho người cung cấp thông tin vi phạm, đồng thời xác định tiêu chí chi trả cho từng trường hợp. Do đó, thông tin về việc cá nhân nhận thưởng từ việc cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm trật tự an toàn giao thông trên mạng xã hội trong thời gian gần đây là không chính xác.

Đại diện Cục CSGT cho biết thêm, việc tiếp nhận thông tin và hình ảnh của người dân để xác minh, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ đã được triển khai trong thời gian qua.

Về đầu mối tiếp nhận, các đơn vị CSGT có trách nhiệm công khai thông tin liên hệ, bao gồm: địa điểm, địa chỉ bưu chính, hộp thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội, số điện thoại đường dây nóng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân và tổ chức cung cấp thông tin. Ngoài ra, các đơn vị CSGT sẽ tổ chức trực ban 24/24 để tiếp nhận và thu thập dữ liệu từ các cá nhân, tổ chức cung cấp.

Cục CSGT, phòng CSGT và đội CSGT - trật tự thuộc công an cấp huyện là những đơn vị thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và thu thập dữ liệu. Người dân cũng có thể cung cấp thông tin, hình ảnh về các vi phạm giao thông qua ứng dụng VneTraffic do Bộ Công an phát triển.

Quy trình thu thập và sử dụng dữ liệu (thông tin, hình ảnh) do cá nhân, tổ chức cung cấp sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 135/2021. Cụ thể, dữ liệu thu thập phải đảm bảo không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức theo quy định của pháp luật. Đồng thời, dữ liệu phải phản ánh khách quan, chính xác và trung thực về hành vi vi phạm, thời gian và địa điểm xảy ra vi phạm.

Cách thức gửi hình ảnh vi phạm

Trước mức thưởng lên tới 5 triệu đồng cho mỗi vụ việc, quy định này đã thu hút sự chú ý và được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội, trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trong các hội nhóm và fanpage liên quan đến giao thông.

Tuy nhiên, người dân cần đọc kỹ để hiểu đúng về quy định này, đồng thời biết cách phản ánh các vi phạm giao thông này đến lực lượng chức năng. Người dân có thể gửi thông tin, hình ảnh, hoặc video phản ánh vi phạm giao thông qua nhiều kênh khác nhau như ứng dụng VNeTraffic, iHanoi, đường dây nóng của Cục CSGT hoặc Phòng CSGT công an các địa phương và trang Zalo chính thức của Phòng CSGT tại các địa phương.

vi-pham-3-1735966399.jpg
Cách phản ánh vi phạm giao thông trên VNeTraffic

Với ứng dụng VNeTraffic, người dân có thể tải về từ Google Play đối với thiết bị Android hoặc App Store đối với iOS. Sau khi tải ứng dụng, người dùng cần quét mã QR trên Căn cước công dân gắn chip để nhập thông tin cá nhân, sau đó nhập mã OTP, thiết lập mật khẩu và xác nhận hoàn tất việc đăng ký tài khoản.

Để gửi phản ánh, người dân truy cập màn hình chính của ứng dụng, nhấn vào mục “Tạo phản ánh” hoặc nút “+”, chọn đúng loại phản ánh, cung cấp thông tin thời gian, địa điểm (tỉnh/thành phố) nơi xảy ra sự việc, và nhập nội dung chi tiết của vụ việc. Cuối cùng, người dân cần đính kèm hình ảnh hoặc video liên quan để hoàn tất quá trình phản ánh.

Ứng dụng iHanoi cho phép người dân gửi phản ánh và kiến nghị liên quan đến nhiều lĩnh vực, bao gồm cả giao thông. Các cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận và phản hồi các phản ánh, kiến nghị của người dân trực tiếp trên ứng dụng này.

Về kênh Zalo, Công an TP. Hà Nội đang triển khai "Phòng Cảnh sát Giao thông CATP Hà Nội" cùng đường dây nóng 0243.942.4451 để tiếp nhận phản ánh về các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông.

Các thông tin phản ánh của người dân phải đảm bảo tính khách quan, chính xác và việc tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin vi phạm sẽ được thực hiện kịp thời, đúng hành vi vi phạm và tuân thủ quy định. Công an thành phố Hà Nội cũng cam kết danh tính của người cung cấp thông tin sẽ được giữ bí mật hoàn toàn.

Đặc biệt tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai chương trình công tác năm 2025, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội) cho biết, qua xác minh 2.609 trường hợp vi phạm từ tin báo của người dân, lực lượng chức năng đã xử phạt 2,7 tỷ đồng đối với người vi phạm.