“Cày đêm” lương cao, hiệu quả công việc tốt
Với nhiều người trẻ, làm việc hay học tập vào ban đêm giúp họ đạt hiệu quả cao hơn. Nguyễn Minh Long (Hoàng Mai, Hà Nội) - nhân viên lập trình web chia sẻ, anh nghĩ mỗi người đều có một khoảng thời gian mà họ sáng tạo và học tập hiệu quả nhất và với anh là từ 22 giờ đến 2 giờ sáng.
Dù biết thức khuya không tốt cho sức khỏe, nhưng vào ban đêm, không gian yên tĩnh giúp bộ não của anh làm việc hiệu quả nhất. Khi làm việc vào ban đêm, anh cảm thấy hiệu quả gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với buổi sáng. Vì vậy, anh rất ít khi đi ngủ sớm, trừ khi bị bệnh.
Cũng làm việc vào đêm khuya, chị Phạm Thị Như Quỳnh (Đống Đa, Hà Nội) - một freelancer mảng truyền thông cho biết, làm việc ban đêm hiệu quả hơn rất nhiều so với ban ngày. Chị thường tìm đến quán cà phê mở cửa xuyên đêm để hoàn thành công việc còn dang dở.
Khi mọi người đã nghỉ ngơi, chị có thể làm việc mà không bị gián đoạn bởi điện thoại, email hay những yếu tố xung quanh. Không gian yên tĩnh khiến chị dễ dàng tập trung nghiên cứu, viết lách...
Bên cạnh lý do dễ tập trung, không bị ngoại cảnh làm phân tán tư tưởng, nhiều người lựa chọn làm ca đêm vì thời gian linh hoạt và thu nhập cao hơn so với ca ngày. Các công việc phổ biến trong khung giờ này có thể kể đến như bán hàng online, làm tại các quán ăn đêm, giao hàng…
Chị Nguyễn Thị Mai (quê Hưng Yên) nhận ca làm từ 20 giờ đến 3 giờ sáng tại một quán ăn ở quận Ba Đình (Hà Nội). Công việc chủ yếu của chị là bán hàng, thỉnh thoảng giúp đỡ việc nấu bếp. Mỗi đêm làm việc, chị nhận được 200.000 đồng và một bữa ăn khuya.
Chị chia sẻ, ban đầu chỉ làm để kiếm thêm thu nhập ngoài việc chính, nhưng dần dần công việc này đã giúp chị có một nguồn thu ổn định để gửi về cho bố mẹ nên chị muốn gắn bó lâu dài với nó. Do đó, chị đã chuyển hẳn sang coi đây là việc chính.
Tương tự, Trần Minh Thùy - sinh viên một trường đại học ở Hà Nội cũng chọn làm việc từ 23 giờ đến 4 giờ sáng tại một cửa hàng tiện ích. Công việc của cô chủ yếu là bán hàng và thu ngân với mức lương 50.000 đồng/giờ.
Thùy cho biết, đôi khi cô cảm thấy mệt mỏi vì thiếu ngủ, nhưng công việc này giúp cô trưởng thành và tự lập hơn. Việc tự trang trải cuộc sống, vừa học vừa làm mỗi ngày giúp cô nhìn nhận cuộc sống thực tế hơn và mở rộng mối quan hệ. Đến nay, cô có thể tự lo học phí và chi phí sinh hoạt mà không cần sự hỗ trợ của bố mẹ.
Tự bào mòn sức khỏe
Chọn thức đêm làm việc đã trở thành thói quen khó bỏ của nhiều người. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe. Chị Hoàng Thị Minh Yến (Thanh Xuân, Hà Nội) đang phải đối mặt với những hậu quả do thói quen này gây ra.
Chị cho biết, vì công việc yêu cầu phải trao đổi với đối tác nước ngoài, hơn một năm qua, chị thường xuyên làm việc xuyên đêm. Cả đêm thức và ăn uống không đều đặn. Ban đầu, chị cảm thấy vẫn có đủ năng lượng và làm việc thoải mái. Nhưng dần dần, chị bị tăng cân nhanh chóng và da mặt nổi nhiều mụn.
Hiện tại, dù cân nặng và làn da đã dần ổn định, nhưng chị Yến đã phải chi tiêu nhiều tiền bạc và thời gian để đi khám bác sĩ, khắc phục những hậu quả mà thói quen "sống về đêm" đã gây ra.
Tại các cơ sở y tế, số lượng người trẻ đến thăm khám các vấn đề sức khỏe như suy nhược cơ thể, mệt mỏi, mất ngủ kéo dài, căng thẳng thần kinh, thiếu tập trung, trầm cảm... ngày càng gia tăng. Nhiều trường hợp trong số đó có nguyên nhân bắt nguồn từ thói quen làm việc đêm muộn.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh - Bệnh viện Đột quỵ và Thần kinh Hà Nội - Thái Bình cho biết, làm việc vào ban đêm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhịp sinh học tự nhiên (circadian rhythm) của cơ thể, dẫn đến nhiều tác động tiêu cực.
Trước hết, việc ngủ không đủ hoặc không sâu vào ban ngày sẽ khiến cơ thể mệt mỏi kéo dài. Thứ hai, những người làm việc đêm có nguy cơ suy giảm hệ miễn dịch vì cơ thể không có đủ thời gian để phục hồi, từ đó dễ bị bệnh, gia tăng khả năng mắc các bệnh như viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích.
Bên cạnh đó, họ cũng dễ gặp phải vấn đề béo phì, tiểu đường type 2 do sự thay đổi trong hormone điều chỉnh cảm giác đói và no. Việc làm đêm kéo dài còn làm tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Đặc biệt, thói quen này cũng ảnh hưởng đến tâm lý và thần kinh khiến người làm ca đêm dễ gặp căng thẳng, lo âu, thậm chí trầm cảm do thiếu ngủ và áp lực công việc.
Theo bác sĩ Tuấn Anh, mặc dù làm việc vào ban đêm có thể yên tĩnh và giúp tập trung hơn, nhưng mọi người cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, phải ưu tiên sức khỏe, nên cố gắng làm việc trong khung giờ sinh học tự nhiên vì não bộ hoạt động tốt nhất vào ban ngày. Nếu buộc phải làm việc đêm, hãy tạo thói quen ngủ cố định vào ban ngày và đảm bảo ngủ đủ từ 7 đến 8 giờ.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP. HCM) cũng cho hay, việc thức khuya kéo dài có thể là yếu tố thúc đẩy nguy cơ đột quỵ, đặc biệt đối với những bệnh nhân mắc các bệnh nền như cao huyết áp hoặc bệnh tim mạch.
Trước những tác hại của việc thức khuya, bác sĩ Hoàng Minh Dũng khuyến nghị mọi người nên hình thành thói quen ngủ đủ giấc, đúng giờ và tránh sử dụng các chất kích thích trước khi đi ngủ. Đối với những người phải làm việc vào ban đêm hoặc không thể ngủ vào lúc này, thì cần lưu ý điều chỉnh lịch trình giấc ngủ sao cho hợp lý, giữ cho giấc ngủ ổn định và đặt mục tiêu ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm.
Dù vậy, ông vẫn nhấn mạnh, quan niệm thức đêm rồi có thể ngủ bù vào sáng hôm sau là hoàn toàn sai lầm. Giấc ngủ bù không thể thay thế giấc ngủ sinh học và đôi khi còn phản tác dụng, làm rối loạn nhịp sinh học của cơ thể.
Còn theo thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An - nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm TP. HCM, đêm là lúc cơ thể cần nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng sau một ngày dài. Thế nhưng, nhiều người trẻ bị cuốn vào guồng quay của công việc mà bỏ quên bản thân, tự bào mòn sức khỏe của mình.
Muốn thay đổi một thói quen, trước hết phải thay đổi nhận thức. Các bạn trẻ phải hiểu rằng công việc chỉ là công cụ để chúng ta kiếm sống, sức khỏe mới là quan trọng nhất. Sau đó, phải thay đổi giấc ngủ, đảm bảo ngủ đủ giấc và đúng giờ. Để thay đổi một thói quen thật sự rất khó nhưng không phải không thể. Chỉ cần đủ quyết tâm và đủ kiên nhẫn.