Nhận thức đúng về virus HMPV đang gây viêm phổi để không sợ hãi thái quá

Sở Y tế TP. HCM cho biết, virus HMPV không phải là loại mới. HMPV đã được phát hiện là một trong những tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em tại TP. HCM trong các năm 2023 và 2024, nhưng tỷ lệ thấp hơn so với các tác nhân khác.

Đã xuất hiện tại TP. HCM từ năm 2023

Cuối tháng 12/2024, chính quyền Trung Quốc báo cáo tỷ lệ trẻ em dưới 14 tuổi xét nghiệm dương tính với virus Human Metapneumovirus (HMPV) tăng cao. Các phương tiện truyền thông nhanh chóng đưa ra cảnh báo và nâng cao nhận thức về việc phòng chống dịch vì virus này được nhận định có nhiều triệu chứng tương tự như cúm và Covid-19. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng một đợt bùng phát toàn cầu.

Ngay khi xuất hiện thông tin về lại virus này, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh do virus HMPV gây ra. Nhiều người dân cũng tỏ ra hoang mang khi nước ta có đường biên giới giáp với Trung Quốc.

hmpv-1-1736248357.jpg
Virus HMPV làm dấy lên lo ngại về khả năng một đợt bùng phát toàn cầu

Tuy nhiên, ngày 7/1, Sở Y tế TP. HCM cho biết, virus HMPV không phải là loại virus mới. HMPV đã được phát hiện là một trong những tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em tại TP. HCM trong các năm 2023 và 2024, nhưng tỷ lệ mắc do virus này thấp so với các tác nhân khác.

Theo Sở Y tế TP. HCM, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại thành phố năm 2024 ghi nhận số ca viêm đường hô hấp dao động từ 16.000 - 18.000 ca mỗi tháng và có sự gia tăng trong 3 tháng cuối năm.

Sở Y tế TP. HCM nhận định, bệnh hô hấp thường có xu hướng gia tăng khi thời tiết chuyển lạnh, nhưng hiện chưa có sự biến động bất thường về số lượng ca mắc cũng như tình trạng bệnh nặng tại các bệnh viện.

 Về tác nhân gây bệnh, kết quả báo cáo từ chương trình nghiên cứu tác nhân tác nhân viêm phổi cộng đồng hợp tác giữa Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Viện Pasteur Nha Trang, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa và Trung tâm bệnh truyền nhiễm quốc gia Singapore (thuộc dự án PREPARE) cho thấy vẫn là các virus và vi khuẩn phổ biến.

Cụ thể, kết quả xét nghiệm của 103 bệnh nhân viêm phổi cộng đồng (56 trẻ em và 47 người lớn) nhập viện từ tháng 7 đến tháng 12/2024 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM, virus HMPV chiếm tỷ lệ nhỏ (12,5% ở trẻ em) so với các tác nhân gây viêm phổi cộng đồng khác. Các tác nhân phổ biến hơn được tìm thấy ở cả trẻ em và người lớn gồm vi khuẩn H. influenzae, S. pneumoniae và virus cúm A.

Ngoài ra, trong đợt bùng phát viêm hô hấp ở trẻ em vào cuối năm 2023 tại TP. HCM, kết quả giám sát cũng ghi nhận sự hiện diện của HMPV (chiếm tỷ lệ 15%).

Dù không phải là virus mới, Sở Y tế TP. HCM vẫn khuyến cáo, người dân không nên chủ quan trước những diễn biến có thể xảy ra. Sở đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) cùng các đơn vị y tế tiếp tục theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh trên thế giới, sẵn sàng triển khai các hoạt động kiểm dịch y tế tại sân bay và cảng biển để phát hiện sớm và ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh (nếu có).

TP. HCM cũng sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động giám sát dịch tễ trong nước, bao gồm giám sát số ca viêm hô hấp, số ca viêm hô hấp cấp tính nặng nhập viện, giám sát các tác nhân gây viêm hô hấp và theo dõi các sự kiện dịch tễ, để có các biện pháp xử lý kịp thời.

hmpv-1736248357.png
Người dân Bắc Kinh đeo khẩu trang khi các ca HMPV gia tăng (Ảnh: Kyodo News)

Ít nghiêm trọng hơn Covid-19

Thông tin về dịch bệnh này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng xác nhận, sự lây lan của HMPV tại quốc gia này năm nay còn có quy mô nhỏ hơn so với năm ngoái.

Lo lắng về HMPV gợi nhớ đến cơn hoảng loạn vào mùa đông năm ngoái khi xuất hiện các ca viêm phổi ở trẻ em Trung Quốc do vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae gây ra. Tiến sĩ, bác sũ Amesh Adalja - chuyên khoa bệnh truyền nhiễm và học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins chia sẻ, sau Covid-19, cộng đồng có xu hướng xem mọi bệnh truyền nhiễm là tình huống y tế khẩn cấp, trong khi thực tế không phải vậy.

HMPV thực chất không giống với SARS-CoV-2. Đây là một loại virus đã tồn tại từ lâu, tuy không nổi bật nhưng gây ra các triệu chứng tương tự cảm lạnh hoặc cúm vào mùa đông. HMPV có nguồn gốc từ động vật, được phát hiện lần đầu tiên ở Hà Lan vào năm 2001, thuộc cùng họ pneumoviridae với virus hợp bào hô hấp (RSV), thường lây nhiễm ở trẻ nhỏ và gây ra các cụm dịch ở nhà trẻ.

Andrew Pavia - Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm nhi tại Đại học Y tế Utah cho biết, HMPV hoạt động giống như RSV. Trong một số thời điểm, số ca bệnh nặng có thể gia tăng so với năm trước, làm quá tải bệnh viện, nhất là khi dịch cúm hoặc Covid-19 cùng xuất hiện.

Giống như các virus đường hô hấp khác, HMPV có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng như viêm phổi, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, người già và những người có hệ miễn dịch yếu. Hầu hết các ca bệnh nhẹ chỉ gặp ho, sốt và sổ mũi. Theo Giáo sư Jennifer Nuzzo - Giám đốc Trung tâm Đại dịch tại Trường Y tế Công cộng Đại học Brown, bệnh nhân thường tự hồi phục sau vài ngày mà đôi khi không biết mình bị nhiễm phải loại virus nào.

Hiện tại, HMPV chưa có vaccine hay thuốc kháng virus điều trị. Các bác sĩ và cơ quan y tế công cộng không đưa ra khuyến nghị đặc biệt để phòng ngừa HMPV. Tuy nhiên, người dân có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa cơ bản như rửa tay, che miệng khi hắt hơi và tránh tiếp xúc với người bệnh.

Katelyn Jetelina - nhà dịch tễ học ở California cho hay, virus này ít nghiêm trọng hơn cúm và Covid-19. Về cơ bản, HMPV tương tự như cảm lạnh thông thường.