Nguy cơ tự sát cao hơn tới 40 lần
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến - Phòng Tâm thần Nhi - Vị thành niên (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, gần đây, nơi đây đã điều trị cho một bệnh nhi học lớp 8 (Hà Nội) có biểu hiện giống trầm cảm như buồn bã, khó ngủ, bi quan, tự ti, khó kiểm soát được cảm xúc.
Điển hình, bệnh nhi thường tự gây sự vô cớ với bạn bè trên lớp, cáu gắt mắng chửi em gái. Bệnh nhân ăn ngủ thất thường, bướng bỉnh, thiếu tập trung học tập nên học lực dần sa sút. Đánh lo ngại nhất, nhiều lúc bệnh nhi có cảm xúc quá khích, tự làm tổn thương bản thân bằng cách lấy dao rọc giấy rạch vào cẳng tay, hành vi được thực hiện nhiều lần vào nhiều thời điểm khác nhau, các vết rạch ngày càng sâu, tổn thương nhiều hơn với mục đích làm đau để giải tỏa cảm xúc.
Nhận thấy con có nhiều dấu hiệu bất thường nên người mẹ đã đưa tới Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia để điều trị. Tại đây, bệnh nhi được xác định là rối loạn nhân cách ranh giới.
Bác sĩ Yến cho hay, khi trao đổi với bác sĩ, bệnh nhi chia sẻ do bố mẹ thường mâu thuẫn nên em cảm thấy căng thẳng, bức bối, ức chế, khó thư giãn, giải tỏa, khó kiềm chế cảm xúc… Đáng lưu ý, bệnh nhi luôn lo sợ bản thân bị bỏ rơi, dễ bùng nổ cảm xúc do tự nghĩ rằng người khác coi thường hay muốn làm tổn thương mình từ những việc nhỏ nhặt thường ngày… Bệnh nhi sau điều trị có cảm xúc ổn định hơn, hợp tác điều trị hơn, không có hành vi bất thường.
Bác sĩ Lê Công Thiện - Trưởng phòng điều trị Tâm thần Nhi - Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người.
Trong tình trạng này, trẻ em gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, dễ có hành vi bốc đồng, ảnh hưởng đến cách họ nhận thức về bản thân và làm suy giảm mối quan hệ của họ với người khác. Các yếu tố môi trường, đặc biệt là các hành vi ngược đãi trong gia đình, tâm lý của các thành viên trong gia đình và các mối quan hệ xung đột giữa cha mẹ và con cái, được xác định là những yếu tố dễ dẫn đến sự phát triển rối loạn nhân cách ranh giới ở trẻ.
Theo bác sĩ Thiện, nguyên nhân gây bệnh thường là do vấn đề di truyền, các thay đổi dẫn truyền thần kinh, bị rối loạn phát triển não bộ và do yếu tố môi trường. Bệnh này thường xảy ra ở tuổi mới lớn, cả trai lẫn gái, nên ảnh hưởng nặng nề đến nhân cách, nhận thức, thái độ với cuộc sống xã hội. Đáng nói, nguy cơ tự sát ở những người rối loạn nhân cách ranh giới cao gấp 40 lần so với dân số chung và 8% - 10% đã chết do tự sát.
Phân biệt rối loạn nhân cách ranh giới với nổi loạn tuổi dậy thì
Bác sĩ Lê Công Thiện chia sẻ, nhiều gia đình phàn nàn vì phải "nhịn con như nhịn cơm sống" do tính bướng bỉnh ở tuổi dậy thì. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải phân tích xem đây là giai đoạn phát triển bình thường mà trẻ cần trải qua hay là dấu hiệu bất thường cảnh báo nguy cơ rối loạn nhân cách ranh giới.
Diễn biến tự nhiên của một đứa trẻ phải trải qua giai đoạn bướng bỉnh, muốn khẳng định cái tôi, thậm chí có hành vi chống đối, cãi lại người lớn. Khi trẻ có hành vi cãi lại, người lớn cần đánh giá tình huống thật kỹ, xem đó có phải hành vi chỉ xảy ra trong phạm vi gia đình hay không. Nếu trẻ chỉ ương bướng với cha mẹ thì có thể là điều bình thường, nhưng nếu hành vi này lan rộng ra với mọi người và xảy ra liên tục thì không còn bình thường nữa.
Rối loạn nhân cách ở trẻ có nhiều triệu chứng tương tự với tình trạng nổi loạn trong độ tuổi dậy thì khiến không ít cha mẹ bối rối khi thấy con có những biểu hiện bất thường và lo lắng liệu con có đang gặp vấn đề về tâm thần hay không. Tuy nhiên, bác sĩ Thiện cho biết có những dấu hiệu mà cha mẹ cần chú ý để nhận diện sự bất thường. Khác với các hành vi phát triển sinh lý của lứa tuổi, khi trẻ gặp vấn đề về tâm thần, chúng có thể có hành vi tự hại, chẳng hạn như tự rạch tay. Nếu hành vi này lặp lại nhiều lần thì không còn là hành vi bình thường.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần chú ý nếu trẻ có biểu hiện giấu giếm như mặc áo dài tay để che giấu vết thương hoặc có các hành vi tự làm đau. Đây là dấu hiệu cho thấy hành vi của trẻ không phải là sinh lý bình thường của lứa tuổi. Ngoài ra, một số trẻ có hành vi nổi loạn không chỉ ở nhà mà còn ở trường, cảm xúc thay đổi nhanh chóng, vui rồi lại buồn chỉ trong vài giờ và thể hiện cảm xúc mãnh liệt trong thời gian dài.
Trong trường hợp này, cha mẹ cần theo dõi con một cách sát sao, tìm hiểu xem liệu trẻ có đang gặp vấn đề tâm lý nào không, đặc biệt là sau những biến cố như chuyển cấp, chuyển trường hay sự thay đổi trong gia đình. Sau đó, cha mẹ nên chia sẻ với con, nhận biết mức độ vấn đề và nếu cần thiết, tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến chia sẻ, trẻ em thường thiếu kỹ năng điều hòa cảm xúc. Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm đến sự phát triển kỹ năng này cùng với các kỹ năng xã hội của trẻ, cả ở nhà và trường, đồng thời chú ý xem có sự thay đổi nào ở trẻ không.
Cha mẹ nên gặp chuyên gia để được tư vấn và duy trì tinh thần lạc quan, tránh áp đặt hay đưa trẻ đến bệnh viện một cách cưỡng ép. Bởi nhiều khi hành động này có thể làm gia tăng căng thẳng, gây nguy cơ trẻ tự hủy hoại bản thân.