Cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo khóa học và bán hàng giả từ “cơn sốt” Pickleball

Mới vào Việt Nam chưa được 1 năm nhưng môn thể thao Pickleball đã thành trào lưu, tạo ra “cơn sốt”. Tuy nhiên, điều này cũng tạo cơ hội cho các hoạt động lừa đảo phát triển mạnh mẽ, từ việc mời gọi tham gia các khóa học giả đến bán dụng cụ thể thao kém chất lượng.

Lừa đảo đăng ký khóa học

Mới đây, Công an Hà Nội đã đưa ra cảnh báo về việc người dân cần hết sức cảnh giác khi đăng ký tham gia các lớp học Pickleball qua mạng xã hội. Theo cơ quan công an, bên cạnh sự phát triển của môn thể thao này, xuất hiện các tài khoản Facebook giả danh "Liên đoàn Pickleball Việt Nam", quảng cáo các trung tâm đào tạo Pickleball nhằm thu hút người tham gia.

lua-dao-1-1735174658.png
Người dân cẩn trọng với các bài đăng về khóa học Pickleball trên mạng xã hội

Khi người dân đăng ký tham gia khóa học, các đối tượng yêu cầu họ tải ứng dụng Telegram để được "chuyên viên" hướng dẫn hoàn thành các nhiệm vụ xác minh dụng cụ thể thao và nhận giảm học phí. Sau khi hoàn thành một số nhiệm vụ nhỏ, người tham gia sẽ được chỉ dẫn thực hiện các nhiệm vụ có giá trị lớn hơn. Lúc này, những kẻ lừa đảo sẽ biện lý do về sai cú pháp, yêu cầu người tham gia thực hiện lại nhiều lần hoặc chuyển tiền để tiếp tục rút lại số tiền đã chuyển.

Khi số tiền chuyển vào lên đến hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỷ đồng, các đối tượng sẽ cắt đứt liên lạc và xóa nhóm trò chuyện. Điển hình là một nạn nhân ở Hà Nội đã bị lừa số tiền lên tới 400 triệu đồng với chiêu trò này.

Theo đó, chị H. (Hà Nội) có nhu cầu cho con học môn thể thao Pickleball nên đã liên hệ với tài khoản Facebook "Liên đoàn Pickleball Việt Nam". Chị được yêu cầu tải ứng dụng Telegram để thực hiện các nhiệm vụ xác nhận đồ dùng thể thao nhằm được giảm giá khóa học.

Chị H. đã đồng ý tham gia và chuyển hàng trăm triệu đồng vào tài khoản mà đối tượng cung cấp. Khi muốn rút lại số tiền đã chuyển, chị liên tục nhận được thông báo đã thực hiện sai cú pháp và được yêu cầu chuyển thêm tiền để có thể rút được số tiền. Lúc này, chị H. mới nhận ra mình bị lừa, nên đã đến cơ quan công an để trình báo.

Bán dụng cụ chơi Pickleball giả

Cơn sốt Pickleball cũng đã khiến các sản phẩm như vợt và bóng Pickleball nhập lậu từ Trung Quốc tràn ngập trên thị trường, gây thất thu ngân sách nhà nước và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành kiểm tra đồng loạt 4 cơ sở kinh doanh dụng cụ thể thao tại thành phố Vũng Tàu. Kết quả kiểm tra cho thấy, cả 4 cơ sở đều vi phạm, tạm giữ nhiều cây vợt và quả bóng Pickleball không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu.

Cuối tháng 10/2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Công an tỉnh tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Shop Pickleball (TP. Hạ Long), phát hiện và tạm giữ 3.337 chiếc vợt, bóng và dụng cụ Pickleball nhập lậu. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện 393 chiếc vợt, bóng và túi đựng vợt có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Shop này chủ yếu bán hàng qua tài khoản Facebook "Shop Pickleball - Hạ Long".

lua-dao-1735174658.jpg
Bài đăng lừa đảo của Lê Văn Hoàng Vũ trên một hội nhóm

Không chỉ nguy cơ mua phải hàng giả, người chơi còn có thể mất tiền mua mà không nhận được hàng. Cuối tháng 11 vừa qua, Công an thị xã Điện Bàn, Quảng Nam đã bắt giữ đối tượng Lê Văn Hoàng Vũ (18 tuổi, trú tại thị xã Điện Bàn) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo kết quả điều tra, Vũ đã sử dụng nhiều tài khoản Facebook và Zalo như "Vũ Lê", "Thiên Tôn Smash", "Lê Bá Tôn" để đăng bài trên các nhóm trao đổi, giao lưu hoặc sửa chữa vợt thể thao (Pickleball và cầu lông). Vũ giả vờ sở hữu những mẫu vợt cao cấp (mà thực tế không có), rồi đăng tin trao đổi vợt với những người khác.

Khi đạt được thỏa thuận, Vũ cung cấp địa chỉ nhận hàng, nhận vợt từ nạn nhân nhưng lại không gửi lại vợt như đã cam kết. Để tạo lòng tin, Vũ còn làm giả hóa đơn vận chuyển, khiến nạn nhân tưởng rằng mình đã gửi hàng. Sau khi chiếm đoạt được các cây vợt, Vũ bán lại chúng trên các nền tảng mạng xã hội và thu lợi bất chính.

Thực tế, Pickleball nếu được quản lý và phát triển đúng cách thì sẽ trở thành một môn thể thao bổ ích và phổ biến. Tuy nhiên, để tránh những hệ lụy tiêu cực, cần phải có các biện pháp quản lý cụ thể. Trong đó, cần đẩy mạnh giáo dục thể thao, nâng cao nhận thức về giá trị thực sự của môn Pickleball thay vì chạy theo trào lưu. Đặc biệt, cần kiểm soát thị trường chặt chẽ và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo và buôn lậu dụng cụ Pickleball, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ngăn ngừa tác động tiêu cực đến xã hội.