Mở rộng trông giữ xe dưới lòng đường
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 6440 ngày 16/12, phê duyệt danh mục 191 tuyến đường, phố đủ điều kiện sử dụng tạm thời một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông, nâng tổng số lên 234 tuyến đường được phép trông giữ xe dưới lòng đường. Trong đó, quận Hoàn Kiếm dẫn đầu với 42 tuyến, tiếp theo là Hai Bà Trưng 32 tuyến, Cầu Giấy 26 tuyến và Long Biên 20 tuyến.
Theo quyết định, các tuyến quốc lộ qua đô thị, mặt tiền công sở và một số tuyến phố đặc thù không được tổ chức trông giữ xe. Quy định cụ thể về điều kiện áp dụng như đường hai chiều rộng từ 10,5m trở lên hoặc đường một chiều rộng từ 7,5m trở lên sẽ được phép trông xe, đảm bảo không gây cản trở giao thông và an toàn cho người đi bộ. Điểm trông xe phải cách nút giao tối thiểu 20m, không cắm cọc hay chắn lòng đường.
Quyết định cũng yêu cầu hạn chế hoạt động trông giữ xe vào giờ cao điểm (6h - 9h và 16h - 19h30), các tuyến hè phố phải đảm bảo khả năng chịu tải. Tuy nhiên, danh mục cụ thể các tuyến hè đường phố được phép trông giữ xe chưa được công bố.
Tại phiên chất vấn HĐND thành phố, ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, thành phố hiện thiếu nghiêm trọng bãi đỗ xe. Dù quy hoạch 1.690 bãi đỗ, thành phố mới chỉ xây dựng được 72 bãi, đáp ứng chưa đến 1% nhu cầu, trong khi Hà Nội đang có hơn 8 triệu phương tiện gồm 1,1 triệu ôtô và 6,9 triệu xe máy.
Trước quyết định này của thành phố, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội cần những giải pháp lâu dài và đồng bộ thay vì các biện pháp thí điểm hay tạm thời như hiện nay. Bởi nhiều điểm trông giữ xe do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp phép không tuân thủ đúng quy định, sử dụng quá diện tích được cấp. Nhu cầu gửi xe của người dân quá lớn trong khi giao thông tĩnh chưa đáp ứng đủ khiến việc mở thêm các điểm trông giữ chỉ mang tính tình thế.
Bên cạnh đó, nhiều điểm trông giữ xe lại vô tình gây ùn tắc giao thông. Điển hình như khu vực Văn Miếu Quốc Tử Giám (phường Văn Miếu, quận Đống Đa), nơi thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt vào các ngày lễ, Tết. Thời gian gần đây, tình trạng này còn nghiêm trọng hơn do lượng xe đưa khách tham quan đông đúc, cùng với việc thi công hệ thống ngầm của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Tuyến phố này còn bố trí một bãi để xe tĩnh, góp phần gây cản trở giao thông.
Nhiều người dân tại đây chia sẻ, ùn tắc giao thông thường xuyên khiến việc di chuyển của người dân nơi đây rất vất vả. Do đó, để giải quyết tình trạng này, họ đề xuất bỏ bãi trông giữ xe tại khu vực này.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Như Hiển - Phó Chủ tịch UBND phường Quốc Tử Giám cho biết, phường đã chỉ đạo các lực lượng xử lý nghiêm hành vi dừng, đỗ, đón trả khách không đúng quy định, cũng như xóa bỏ các điểm "xe dù", "bến cóc" trái phép. Đồng thời, phường đặt mục tiêu không để ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút tại khu vực này.
Cần hạ tầng đồng bộ
10 năm qua, tốc độ tăng trưởng ô tô tại Hà Nội duy trì trung bình ở mức 10% mỗi năm, trong khi tỷ lệ diện tích giao thông tĩnh lại không có nhiều thay đổi. Đến năm 2022, diện tích này chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu đỗ xe, khiến việc tìm chỗ đỗ xe trở thành một thách thức lớn, thậm chí là "cơn ác mộng" với giao thông đô thị. Sự chậm trễ trong triển khai các bến bãi theo quy hoạch đã góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông nhận định, nếu không có sự chuẩn bị hạ tầng đồng bộ, các bất cập sẽ ngày càng nảy sinh. Ô tô sẽ lấn chiếm không gian của xe máy, xe đạp, thậm chí đẩy người đi bộ khỏi vỉa hè, gây khó khăn cho những người yếu thế trong việc tiếp cận giao thông công cộng.
Nhiều chuyên gia đề xuất, với tốc độ gia tăng ô tô hiện nay, cần tập trung phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân vào khu vực nội đô và cân nhắc tăng mức phí gửi xe trong thành phố để giảm áp lực giao thông.
Về vấn đề này, trao đổi trên Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Thanh - chuyên gia giao thông và nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho biết, Hà Nội đã chi hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng cầu vượt, mở rộng đường, nhưng ùn tắc giao thông vẫn là vấn đề dai dẳng.
Trước đây, Hà Nội chỉ có khoảng 30 điểm ùn tắc, nhưng giờ ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm diễn ra thường xuyên, gây ra một vòng luẩn quẩn không lối thoát. Để giải quyết, cần áp dụng các biện pháp đồng bộ như tăng thu phí vào nội đô, phân luồng phương tiện, và xử lý nghiêm các vi phạm. Ông Thanh cho hay, nếu bị xử phạt một vài lần, người dân sẽ tự giác tuân thủ, giống như việc đội mũ bảo hiểm. Khi mức phạt cao hơn giá trị chiếc mũ, mọi người sẽ tự động thực hiện.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường, mặc dù Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế và chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực bãi đỗ xe, nhưng tiến độ vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là chi phí đầu tư lớn trong khi nguồn thu thấp, dẫn đến việc kêu gọi đầu tư khó khăn và nhiều dự án bị chậm tiến độ. UBND TP đã chỉ đạo các sở, quận, huyện rà soát, xây dựng 9 dự án cụ thể và đề xuất đưa 73 danh mục bãi đỗ xe vào danh sách khuyến khích đầu tư.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Phi Thường cho biết, HĐND thành phố đã thông qua Đề án giao thông thông minh tại kỳ họp trước và mới đây UBND TP đã chính thức phê duyệt đề án này. Việc triển khai giao thông thông minh được kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề giao thông một cách bài bản, góp phần giảm ùn tắc và cải thiện hệ thống giao thông Thủ đô.