Cẩn trọng với rượu “3 không” khi liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc

avatar
Theo Bộ Công Thương, mỗi năm, gần 300 triệu lít rượu thủ công được đưa ra thị trường với tình trạng "3 không" - không rõ nguồn gốc, không tem nhãn và không công bố chất lượng. Trong số đó, có nhiều loại rượu giả, rượu lậu, tự pha… được lưu hành tự do, dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu.

2 người tử vong do ngộ độc rượu

Ngày 24/12, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã báo cáo kết quả điều tra, giám sát và xử lý sự cố an toàn thực phẩm tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội.

Trước đó, vào ngày 19/12, Công ty TNHH MTV NBC Pacific tổ chức hội thảo tại một trung tâm hội nghị ở phường Phúc Lợi. Ngoài thực đơn do đơn vị tổ chức sự kiện cung cấp, công ty mang thêm 20 lít rượu trắng vào bữa tiệc. Sau bữa ăn trưa, 20 người có biểu hiện ngộ độc phải nhập viện và đau lòng hơn khi có 2 trường hợp tử vong.

ngo-doc-ruou-1-1735027386.jpg
Một trong số các bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng chức năng đã lấy 53 mẫu thực phẩm và rượu để xét nghiệm. Kết quả cho thấy, trong 6 mẫu rượu do công ty tự mang đến, 2 mẫu có nồng độ methanol vượt quá giới hạn cho phép và phát hiện acetonitrile; 4 mẫu rượu còn lại đạt tiêu chuẩn. 14 mẫu thức ăn lưu trữ không phát hiện vi sinh vật gây bệnh. 4 mẫu nước uống có các chỉ tiêu kiểm nghiệm vi sinh, hóa học trong giới hạn cho phép. Các mẫu bệnh phẩm (máu, nước tiểu) phát hiện acetonitrile và cyanide.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kết luận nguyên nhân vụ ngộ độc là do ngộ độc hóa chất acetonitrile có trong rượu trắng do công ty mang đến. Tính đến sáng ngày 24/12, trong số 20 bệnh nhân nhập viện, nhiều người vẫn trong tình trạng nặng.

Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 18 bệnh nhân, trong đó 4 người đã ổn định và được xuất viện. 14 bệnh nhân còn lại được chẩn đoán mắc hội chứng sốc nhiễm trùng, nhiễm độc và toan chuyển hóa tăng lactate, trong đó 5 bệnh nhân tình trạng nặng và được điều trị tích cực.

Một bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt và vận động bình thường. Một bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn, hiện đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt và vận động bình thường.

Theo các chuyên gia, acetonitrile là một dung môi công nghiệp thường được sử dụng trong sản xuất hóa chất, dược phẩm và các ứng dụng kỹ thuật. Tuy nhiên, acetonitrile không phải là thành phần tự nhiên có trong rượu.

Trong các vụ ngộ độc rượu, thủ phạm phổ biến thường là methanol, không phải acetonitrile. Methanol được dùng làm dung môi công nghiệp và đôi khi bị pha trộn vào rượu giả, gây ngộ độc nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu acetonitrile bị sử dụng trái phép trong quá trình sản xuất rượu hoặc pha chế rượu giả thì ngộ độc chất này cũng có thể xảy ra.

Khi acetonitrile xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ được chuyển hóa thành cyanide, một chất độc cực mạnh có thể gây ngộ độc nghiêm trọng. Thậm chí, hít phải acrylonitrile cũng có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau như hắt hơi, tức ngực, ho, buồn nôn và nôn, yếu tay chân, buồn ngủ, nhịp tim không đều, co giật và ngất xỉu.

Vào ngày 21/12, 4 người tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã phải nhập viện nghi do ngộ độc rượu, trong đó có một trường hợp nguy kịch. Những người này cùng uống rượu tại một quán bánh canh cá lóc trên địa bàn phường 11 (TP Vũng Tàu), rồi cùng xuất hiện tình trạng đau bụng, nhức đầu, chóng mặt, mệ mỏi… Các bác sĩ nhận định, trường hợp của các ca bệnh trên khá giống biểu hiện của ngộ độc rượu, khi hàm lượng methanol vượt quá mức cho phép.

ngo-doc-ruou-1735027386.jpg
Mỗi năm, gần 300 triệu lít rượu thủ công được đưa ra thị trường với tình trạng "3 không" - không rõ nguồn gốc, không tem nhãn và không công bố chất lượng

Cảnh báo nguy cơ từ các cuộc liên hoan cuối năm

Đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc rượu có thể là do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc hoặc một số cơ sở sử dụng cồn công nghiệp để pha chế rượu. Các xét nghiệm của cơ quan chức năng cho thấy, các mẫu rượu này có hàm lượng độc tố methanol.

Rượu chính thống có thành phần chính là ethanol, với công thức hóa học C2H5OH, trong khi rượu methanol có công thức hóa học là CH3OH. Cả hai loại rượu này đều được lên men và chưng cất, nhưng rượu ethanol được lên men từ tinh bột hoặc đường, còn rượu methanol lại được lên men từ nguyên liệu chứa cellulose (như gỗ). Methanol là một chất cực độc, thường được sử dụng trong các sản phẩm như chất tẩy rửa sơn, nước rửa kính, mực in máy photo…

Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá nhiều rượu ethanol trong thời gian ngắn hoặc uống phải rượu chứa methanol, làm lượng cồn trong máu tăng cao. Lúc này, gan không kịp đào thải chất độc, gây tổn thương tế bào gan và làm các bộ phận trong não ngừng hoạt động. Các biến chứng nguy hiểm như nghẹt thở, động kinh, hạ thân nhiệt, nhịp tim bất thường có thể xảy ra, thậm chí dẫn đến tử vong.

Theo Bộ Công Thương, mỗi năm, gần 300 triệu lít rượu thủ công được đưa ra thị trường với tình trạng "3 không" - không rõ nguồn gốc, không tem nhãn và không công bố chất lượng. Trong số đó, có rất nhiều loại rượu giả, rượu lậu và rượu tự pha đang được lưu hành tự do, dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu.

Rượu là mặt hàng thuộc nhóm hạn chế kinh doanh của Nhà nước. Các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh rượu phải có giấy phép và tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật. Trước và sau Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ rượu, bia cao. Nhất là thời điểm hiện tại, các cơ quan, doanh nghiệp bắt đầu tổ chức liên hoan cuối năm. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng vì lợi ích kinh tế đã sản xuất và buôn bán rượu giả, rượu kém chất lượng.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu, người dân cần tránh uống những loại rượu không rõ nguồn gốc, không tem nhãn, hoặc không công bố chất lượng. Đồng thời, tuyệt đối không sử dụng rượu quá liều lượng, quá mức quy định.

Liên quan đến vụ ngộ độc tại Long Biên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã đề nghị Sở Công Thương và các cơ quan liên quan tiến hành rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, tăng cường kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý và xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm (nếu có).

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, thái độ và thực hành phòng chống ngộ độc thực phẩm cũng như các bệnh truyền qua thực phẩm đối với người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng.