Báo động tình trạng ngộ độc thực phẩm: Giám sát, thiết lập tiêu chuẩn cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng - chuyên gia về an toàn thực phẩm nhấn mạnh, luật mới cần tập trung vào việc thiết lập những tiêu chuẩn rõ ràng cho sản xuất và kinh doanh thực phẩm tại các hộ gia đình, gồm cả việc đào tạo, chứng nhận cùng giám sát thường xuyên.

Mới đây, tại Đồng Tháp đã xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm khiến 149 người phải nhập viện. Ngày 16/8, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đã có kết quả điều tra vụ ngộ độc tập thể này.

Theo đó, qua kiểm tra các mẫu bệnh phẩm của những người ngộ độc và mẫu thực phẩm pate gan của cửa hàng bánh mì Hồng Ngọc 12 (TP. Hồng Ngự), cơ quan chức năng tìm được vi khuẩn Salmonella - vi khuẩn được coi là chuyên gây ngộ độc thực phẩm.

kinh-doanh-nho-2-1723897849.jpg
Gần 150 người tại Đồng Tháp đã phải nhập viện vì ăn pate ở một tiệm bánh mì

Hay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Khánh Hòa vừa có báo cáo kết quả xét nghiệm nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với 21 mẫu rau sống (dưa leo, xà lách, hành, ngò, rau thơm…) được sử dụng trong bánh mì, thì có tới 11 mẫu dương tính.

Nửa đầu năm 2024, nước ta có 36 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, ảnh hưởng đến hơn 2.100 người và khiến 6 người tử vong. Các vụ ngộ độc này xảy ra chủ yếu ở Đồng Nai, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc.

Trong nỗ lực nhằm giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm ngày càng cao, Bộ Y tế đang đẩy mạnh đề xuất sửa đổi Luật An Toàn Thực Phẩm, áp dụng quy định cụ thể hơn với các hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Động thái này cũng để đáp ứng yêu cầu quản lý ngày càng khắt khe về an toàn thực phẩm.

Cụ thể, Luật An Toàn Thực Phẩm ban hành năm 2010 sau hơn một thập kỷ thực hiện được đánh giá là không còn phù hợp. Nhiều quy định lỗi thời không đáp ứng được yêu cầu bức thiết của thực tế. Bộ Y tế chỉ ra rằng, các điều kiện sản xuất kinh doanh hiện nay chưa thực sự chặt chẽ tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, khiến mối nguy hại từ thực phẩm không đạt chuẩn len lỏi vào bữa ăn của người dân.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, số lượng thực phẩm do các hộ kinh doanh nhỏ sản xuất rất lớn, nhưng lại thiếu sự quản lý hiệu quả, dẫn đến các rủi ro cao về ngộ độc và các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Bộ Y tế cũng nhấn mạnh sự thiếu nhất quán trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, từ các nhà hàng trong khách sạn đến bếp ăn tập thể không có giấy phép kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung luật không chỉ là một bước đi cần thiết mà còn cấp bách, để không chỉ tăng cường an toàn cho người tiêu dùng mà còn nâng cao uy tín của thực phẩm Việt trên thị trường quốc tế.

kinh-doanh-nho-1723897707.jpg
Cần thiết lập những tiêu chuẩn rõ ràng cho sản xuất và kinh doanh thực phẩm tại các hộ gia đình

Hiện các hộ kinh doanh nhỏ lẻ chiếm một phần đáng kể trong ngành thực phẩm, nhưng lại thường thiếu sự giám sát chặt chẽ về an toàn thực phẩm. Điều này dẫn đến tình trạng sản phẩm không bảo đảm an toàn có thể dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng, từ đó tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Do đó, Bộ Y tế đề xuất một loạt các cải tiến trong luật sửa đổi gồm: Thiết lập rõ ràng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Cải thiện quy trình thu hồi giấy chứng nhận hợp quy khi sản phẩm không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn. Định nghĩa lại các thuật ngữ pháp lý để giảm thiểu nhầm lẫn trong quá trình thực thi pháp luật. Tăng cường nguồn lực cho các cơ quan chức năng để họ có thể thực hiện hiệu quả các mục tiêu về an toàn thực phẩm.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng - chuyên gia về an toàn thực phẩm nhấn mạnh, sửa đổi luật là bước đi cần thiết để đáp ứng nhu cầu hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và nhu cầu thực phẩm an toàn ngày càng tăng của người dân.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, luật mới cần tập trung vào việc thiết lập những tiêu chuẩn rõ ràng cho sản xuất và kinh doanh thực phẩm tại các hộ gia đình, gồm cả việc đào tạo, chứng nhận cùng giám sát thường xuyên.

Ngoài ra, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, việc giám sát thực phẩm tại Việt Nam hiện còn khá lỏng lẻo, đặc biệt là với các sản phẩm từ hộ sản xuất nhỏ lẻ. Luật sửa đổi cần quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra và xử lý vi phạm.