Bộ Y tế yêu cầu truy xuất nguồn gốc thực phẩm đến cùng sau hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm

Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, bên cạnh việc cấp cứu, kịp thời điều trị cho bệnh nhân, Bộ Y tế yêu cầu cần phải truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, thực phẩm đến cùng và xử lý nghiêm sai phạm.

Sau hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại nhiều địa phương trên khắp cả nước thời gian qua, mới đây Bộ Y tế đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

ngo-doc-thuc-pham-truy-xuat-nguon-goc-thuc-pham-1717902690.jpg
Cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm trong 5 tháng đầu năm, khiến hơn 2.100 người mắc

Bộ Y tế đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP). Với các cơ sở không đảm bảo điều kiện ATTP, các cơ sở thuộc đối tượng phải cấp nhưng không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP thì cần xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động.

Tập trung kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, đồ ăn đường phố, cơ sở kinh doanh nước giải khát, nước đá, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện...

Chú ý kiểm soát ATTP đối với các loại thực phẩm, lương thực, nước uống do các cá nhân, tổ chức làm từ thiện trong mùa nắng nóng, mùa mưa, lũ. Mục đích nhằm đảm bảo không để các sản phẩm bị mốc, hỏng, dập vỡ, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc... đến tay người dân.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền thường xuyên các biện pháp bảo đảm ATTP trong chế biến, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, phù hợp với đặc điểm của địa phương. Tuyên truyền để người dân không đánh bắt, thu hái, kinh doanh, sử dụng côn trùng lạ, cây, quả lạ, ốc lạ, các động thực vật có độc.... Không chế biến làm thức ăn các loại gia súc, gia cầm chết không rõ nguyên nhân, chết bệnh. Thực hiện ăn chín, uống sôi, nhất là thời điểm nắng nóng, mưa, lũ. Nước dùng để ăn uống, chế biến thực phẩm cần đảm bảo sạch hoặc đã được khử trùng.

ngo-doc-thuc-pham-1717902699.png
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thăm, động viên nạn nhân ngộ độc thực phẩm điều trị tại bệnh viện

Đặc biệt, Bộ Y tế nêu rõ khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra phải nhanh chóng cấp cứu, kịp thời điều trị, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người bị ngộ độc. Đình chỉ ngay hoạt động của cơ sở gây ngộ độc thực phẩm, yêu cầu các cơ sở khắc phục đúng quy định trước khi hoạt động trở lại.

Song song với đó, tiến hành điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm, thực phẩm để xác định rõ nguyên nhân và thực hiện truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, thực phẩm đến cùng. Xử lý nghiêm các vi phạm quy định về ATTP, công khai kết quả nhằm cảnh báo cho cộng đồng.

Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, khi phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm sau một số vụ ngộ độc đã phát hiện tình trạng một số cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận ATTP có hiện tượng thu gom các nguyên liệu trôi nổi bên ngoài.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, 5 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm với trên 2.100 người mắc và 6 người tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ giảm 10%, còn số người tử vong giảm 46%.