Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Lai Châu, ngày 10/8, Đội QLTT số 4 trực thuộc Cục đã tiến hành khám xe tải tại thị trấn Phong Thổ. Lực lượng chức năng phát hiện, thùng xe tải chứa 1 tấn chân gà đã qua chế biến đựng trong 36 bao tải dứa, đang chảy nước và bốc mùi hôi thối.
Bao tải chứa hàng hóa không có nhãn mác, thông tin để xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ. Trị giá của lô chân gà này khoảng 25 triệu đồng. Thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Đức Tới là lái xe kiêm chủ hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Đội QLTT số 4 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định.
Trước đó một ngày, Đội cũng đã kiểm tra 30 bao tải dứa màu trắng được phủ bạt màu xanh cạnh cổng nhà ông Lý Văn Mìn (xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ), phát hiện bên trong chứa 930kg chân gà. Ông Mìn khai nhận, số hàng này là của mình nhưng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Lai Châu không phải địa phương duy nhất liên tiếp phát hiện, thu giữ 2 vụ thực phẩm bẩn. Mới đây, Đội QLTT số 9 thuộc Cục QLTT TP. HCM cũng đã kiểm tra đột xuất một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm đông lạnh trên địa bàn phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức. Đoàn kiểm tra phát hiện tại kho của doanh nghiệp này chứa 400kg dồi trường heo, vú heo đông lạnh không có nhãn hàng hoá, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 40 triệu đồng.
Ngoài ra, đoàn cũng đã kiểm tra đột xuất một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm đông lạnh khác trên địa bàn, tạm giữ 140kg mề gà, chả cá đông lạnh không có nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc.
Thực tế trên cho thấy, thực phẩm bẩn vẫn đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường, thủ đoạn tinh vi hòng đối phó với cơ quan quản lý Nhà nước. Nhằm bảo vệ người tiêu dùng, hạn chế xảy ra ngộ độc thực phẩm, cơ quan chức năng cũng đã triển khai các biện pháp kiểm soát chặt thị trường, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, trữ thực phẩm bẩn.
Ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, để công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm đem lại hiệu quả, thì các cấp, ngành, đặc biệt là cấp huyện, xã cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm trên địa bàn, phát huy hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền với các đoàn thể, người dân tham gia giám sát, tố cáo các cơ sở, cá nhân vi phạm, sản xuất thực phẩm bẩn.
Luật sư Trần Anh Tuấn – Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, pháp luật hiện hành đã có đầy đủ chế tài với các cá nhân, tổ chức có hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm "bẩn". Như Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định vi phạm về an toàn thực phẩm có thể bị xử phạt hành chính đến 100 triệu đồng với cá nhân, 200 triệu đồng với tổ chức, kèm hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 1 đến 6 tháng, đình chỉ hoạt động có thời hạn...
Trong khi đó, theo Bộ luật Hình sự, hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 50.000.000 - 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.
Luật sư Trần Anh Tuấn cho rằng, chất lượng thực phẩm không đảm bảo thường chưa gây hậu quả chết người ngay. Nhưng hóa chất, tạp chất bẩn sẽ ngấm từ từ và gây hậu quả về sau, ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Do đó, việc nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh pháp luật để áp dụng hình thức xử lý nghiêm khắc hơn với các cá nhân, tổ chức trực tiếp, gián tiếp tham gia chuỗi buôn bán thực phẩm bẩn là rất cần thiết.