Tuyên bố mới được phát đi bởi Nhà Trắng nhấn mạnh, nguồn cung cấp chất bán dẫn cơ bản bền vững là rất quan trọng đối với an ninh kinh tế quốc gia của Mỹ. Các chất bán dẫn giúp cung cấp năng lượng cho ô tô, thiết bị y tế, cơ sở hạ tầng quan trọng, hệ thống hàng không vũ trụ và quốc phòng cũng như hàng hóa, dịch vụ mà người dân bị phụ thuộc hàng ngày.
Tuy nhiên “Trung Quốc thường xuyên tham gia vào các chính sách và hoạt động phi thị trường, cũng như nhắm mục tiêu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, cho phép các công ty nước này gây tổn hại đáng kể đến sự cạnh tranh và tạo ra sự phụ thuộc nguy hiểm vào chuỗi cung ứng các chất bán dẫn cơ bản”, thông báo nêu rõ. “Chính vì vậy, chính quyền của Tổng thống Binden đang thực hiện hành động để bảo vệ người lao động, doanh nghiệp Mỹ khỏi các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn và hỗ trợ ngành công nghiệp này phát triển một cách lành mạnh”.
Cuộc điều tra của Mỹ được khởi động để xem xét việc Trung Quốc nhắm mục tiêu vào các chất bán dẫn cơ bản (chip nút cũ hoặc chip nút trưởng thành) để thống trị và tác động đến nền kinh tế Mỹ.
Cuộc điều tra này cũng sẽ đánh giá tác động của các hành vi, chính sách và hoạt động của Trung quốc đối với việc sản xuất chất nền silicon hoặc các tấm wafer khác được sử dụng làm đầu vào cho quá trình chế tạo chất bán dẫn.
Đặc biệt, theo thông báo của Nhà Trắng, chất bán dẫn của Trung Quốc thường thâm nhập vào thị trường Mỹ như một thành phần của hàng hóa thành phẩm. Chính vì vậy, cuộc điều tra sẽ xem xét kỹ các vấn đề liên quan chất bán dẫn khi được kết hợp làm thành phần bên trong của những sản phẩm phục vụ cho quốc phòng, ô tô, thiết bị y tế, hàng không vũ trụ, viễn thông, điện năng….
Nhằm tăng cường sự cạnh tranh về sức mạnh công nghệ, những năm qua, chính quyền Mỹ không chỉ triển khai các biện pháp trừng phạt, ngăn chặn các công ty Trung Quốc tiếp cận với các công nghệ chip tiên tiến mà còn áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Mỹ đã thông qua đạo luật CHIPS và tài trợ cho Đạo luật Khoa học của nước này với khoản hỗ trợ tới 2 tỷ USD cho việc phát triển các chất bán dẫn.
Bộ ngoại giao Mỹ cũng đã triển khai hàng loạt các nỗ lực để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn nước này đi lên như khởi động Quỹ Đổi mới và An ninh Công nghệ Quốc tế (ITSI – một phần của Đạo luật Khoa học và CHIPS), cho đến nay đã hợp tác với 8 quốc gia - Costa Rica, Panama, Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Kenya, Philippines và Mexico - để thúc đẩy phát triển, bảo mật và đa dạng hóa chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Bộ này cũng đã công bố Thỏa thuận Khung kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng bán dẫn của 13 quốc gia trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, do Mỹ đứng đầu….
Trước cuộc điều tra vừa khởi động, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Trung Quốc "mạnh mẽ lên án và kiên quyết phản đối" cuộc điều tra của Mỹ. Quốc gia này cũng sẽ "thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích của mình".
Theo tính toán của Hiệp hội công nghiệp toàn cầu SEMI, các nhà sản xuất chất bán dẫn sẽ chi tới 400 tỷ USD cho thiết bị sản xuất chip trong giai đoạn 2025-2027, trong đó Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) dẫn đầu là những khu vực chi tiêu dẫn đầu.
Chi tiêu cho thiết bị sản xuất chip được SEMI dự báo sẽ tăng 24% lên 123 tỷ USD vào năm 2025.
Hiện, các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip lớn trên thế giới bao gồm ASML (Hà Lan), Applied Materials, KLA Corp và Lam Research (Mỹ) và Tokyo Electron (Nhật Bản) vẫn đang giữ vững vị trí quan trọng của mình trên thị trường bán dẫn.
Hiệp hội này cũng dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì vị thế là quốc gia chi tiêu hàng đầu cho thiết bị sản xuất chip. Nước này sẽ đầu tư hơn 100 tỷ USD trong giai đoạn 2025-2027 để thúc đầy nguồn cung nội địa. Trong khi đó, mức chi tiêu của châu Mỹ, Nhật Bản và châu Âu trong giai đoạn 2025-2027 ước tính lần lượt là 63 tỷ USD, 32 tỷ USD và 27 tỷ USD.
Ngành bán dẫn tiếp tục là tâm điểm của cuộc chạy đua công nghệ toàn cầu trong thời gian tới.