Cẩn trọng với công việc thời vụ giáp Tết để tránh bị thiệt thòi, lợi dụng

Lúc phỏng vấn, Sơn được quản lý thông báo mức lương thực tế từ 25.000 - 30.000 đồng/giờ, nhưng Sơn mới là nhân viên thực tập nên chỉ nhận được 18.000 đồng/giờ. Tới khi nhận lương, Sơn rất bức xúc vì không được trả đúng như thỏa thuận. Cậu làm 8 buổi, mỗi buổi hơn 4 tiếng nhưng chỉ nhận được 308.000 đồng, tính ra chưa đến 10.000 đồng/giờ.

Tranh thủ kiếm tiền tiêu Tết

Cuối năm là cao điểm của thị trường lao động, khi nhu cầu tuyển dụng tăng cao để phục vụ các chương trình khuyến mãi, giảm giá cuối năm và chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán. Các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại đẩy mạnh việc tuyển dụng nhân sự để đáp ứng nhu cầu này, tạo ra nhiều cơ hội việc làm thời vụ hấp dẫn.

Công việc bán hàng tại các cửa hàng thời trang, phụ kiện và đồ trang trí Tết đang rất phổ biến. Các cửa hàng này thường tuyển sinh viên làm việc theo ca, với mức lương theo giờ dao động từ 21.000 - 35.000 đồng, tùy thuộc vào vị trí và khối lượng công việc. Các quán cà phê, nhà hàng cũng đang tuyển dụng thêm nhân viên phục vụ, pha chế, cũng như cộng tác viên điều phối các sự kiện cuối năm và tiệc tất niên.

lam-them-1735201995.jpg
Nhiều sinh viên tranh thủ làm thêm dịp cận Tết (Ảnh: Chu Trang)

Thu Trà (sinh viên Trường Đại học Công nghệ TP. HCM) chia sẻ, làm thêm vốn là kế hoạch mà cô muốn thực hiện nghiêm túc trong khoảng thời gian học đại học. Thế nên, dịp này ngoài kiếm tiền để tiêu Tết, cô cũng muốn tự lập tài chính và không phụ thuộc vào gia đình. Nếu kiếm được nhiều tiền trước Tết, cô sẽ tự sắm đồ, mua vé xe về quê. Thậm chí dư dả, cô còn có thể lì xì cho anh chị em trong nhà.

Anh Nguyên Minh Quang (quận Bình Tân, TP. HCM) cho biết, anh làm công việc văn phòng. Công ty anh không bị bó buộc về thời gian mà tính bằng hiệu suất công việc nên 2 năm nay, vào khoảng thời gian này, anh nhận thêm việc giao hoa cho các cửa hàng hoa Tết. Công việc này giúp anh có thêm thu nhập ổn định vào thời điểm nhu cầu về hoa Tết tăng cao.

Thu nhập mỗi ngày từ công việc này được khoảng 300.000 - 500.000 đồng, tùy vào khối lượng giao hàng. Ngoài lương chính, khoản thu nhập tăng thêm này phần nào giúp anh trang trải chi phí cho dịp Tết và chuẩn bị quà cho gia đình.

Những ngày này, thời tiết tại Đà Nẵng xuất hiện mưa rét. Đây cũng là thời điểm hoa cúc tại các nhà vườn bắt đầu đơm nụ. Nhiều chủ vườn đã thuê hàng chục lao động để "tuyển hoa, lặt nụ", chuẩn bị phục vụ cho mùa Tết Nguyên đán 2025.

Theo các chủ vườn, vào khoảng cuối tháng 11 âm lịch hàng năm, để hoa cúc nở đẹp và đúng thời điểm, nhà vườn bắt đầu thuê sinh viên đi ngắt bớt nụ nhỏ. Đây là công việc thời vụ, nhẹ nhàng nhưng lại giúp kiếm được tiền. Mỗi sinh viên làm việc khoảng 8 giờ mỗi ngày có thể kiếm được từ 160.000 - 200.000 đồng.

Phú Trung - sinh viên Đại học Duy Tân cho biết, khi thấy thông tin tuyển lao động trên mạng xã hội, cậu đã rủ bạn cùng tham gia. Sau gần một tuần làm việc dưới sự hướng dẫn của chủ vườn, nam sinh viên đã quen việc. Theo Trung, công việc không quá nặng nhọc, điều quan trọng là phải cẩn thận để tránh làm gãy búp chính và kiên nhẫn làm việc dù trời mưa lạnh.

Hoàng Thị Yến - sinh viên Trường Đại học Sư Phạm Đà Nẵng chia sẻ, gia đình cô làm nông nên điều kiện kinh tế không quá dư dả. Vì vậy, cô tận dụng thời gian rảnh để đi ngắt nụ hoa, kiếm tiền mua vé xe về quê.

Còn Trần Thị Hồng Huyên (quê Quảng Ngãi) cho hay, dù đã có công việc ổn định tại một siêu thị ở Đà Nẵng, nhưng 2 năm qua, công việc ngắt nụ hoa cúc đã giúp cô có thêm thu nhập cho mùa Tết. Vào dịp này, cô kiếm thêm được khoảng 4 - 5 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Quang Sơn - chủ vườn hoa tại quận Hải Châu, việc ngắt nụ hoa cúc ở các nách lá giúp cây tập trung dưỡng chất nuôi các nụ chính. Nếu ngắt nụ kịp thời, hoa sẽ nở đều hơn, mật độ phân nhánh cũng tốt hơn, từ đó nâng cao giá trị thương phẩm của cành hoa. Năm nay gia đình ông trồng gần 1.000 chậu cúc. Để hoa nở đẹp, ông cần thuê người ngắt nụ hoa, với kinh phí khoảng 30 triệu đồng.

Ông Sơn chia sẻ, hiện có hàng chục sinh viên đến ngắt nụ hoa cúc tại vườn nhà ông. Sinh viên làm việc tại đây có thể kiếm được 5 - 6 triệu đồng sau mùa hoa Tết.

lao-dong-1-1735201995.jpg
Sinh viên làm việc tại đây có thể kiếm được 5 - 6 triệu đồng từ ngắt nụ hoa cúc (Ảnh: Hồ Giáp)

Cẩn trọng để tránh thiệt thòi

Nhu cầu nhân sự cho các công việc thời vụ cận Tết rất cao. Tuy nhiên, người lao động, nhất là sinh viên cần cẩn trọng để tránh bị thiệt thòi. Nguyễn Thanh Sơn - sinh viên một trường đại học tại TP. HCM, làm thu ngân bán thời gian tại một cửa hàng nước uống mang đi. Khi phỏng vấn xin việc, Sơn được quản lý thông báo mức lương thực tế từ 25.000 - 30.000 đồng/giờ, nhưng Sơn mới chỉ là nhân viên thực tập nên chỉ nhận được 18.000 đồng/giờ.

Tuy nhiên, khi nhận lương, Sơn rất bức xúc vì không được trả đúng như thỏa thuận. Sơn cho biết, cậu làm 8 buổi, mỗi buổi hơn 4 tiếng nhưng chỉ nhận được 308.000 đồng, tính ra chưa đến 10.000 đồng/giờ.

Trong khi đó, B.T.D - sinh viên Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP. HCM) làm nhân viên pha chế với mức lương thử việc 17.000 đồng/giờ và lương chính thức 18.000 đồng/giờ. Tuy nhiên, D. phải làm hầu hết công việc tại quán từ thu ngân, phục vụ, lau dọn quán, nhà vệ sinh, dẫn xe và sắp xếp xe cho khách…

Luật sư Nguyễn Duy Anh - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH A+ cho biết, khi làm thêm, sinh viên dễ bị lợi dụng và bóc lột do thiếu kiến thức pháp lý, kỹ năng và kinh nghiệm để nhận thức vấn đề trước khi hậu quả xảy ra. Hai khó khăn phổ biến mà sinh viên thường gặp: Người sử dụng lao động cố tình không ký hợp đồng lao động hoặc sinh viên không kiểm tra kỹ hợp đồng, dẫn đến việc bỏ sót các quyền lợi cần thiết.

Việc ký hợp đồng lao động là yếu tố quan trọng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Nếu không ký hợp đồng, sẽ rất khó để tự bảo vệ mình và người lao động thường phải chịu thiệt thòi khi có tranh chấp.

Theo Điều 14 Bộ Luật Lao động 2019, nếu thời gian làm việc dưới 1 tháng, không bắt buộc phải ký hợp đồng lao động, ngoại trừ các trường hợp sử dụng lao động dưới 15 tuổi, lao động giúp việc gia đình và ký hợp đồng với nhóm lao động dưới 12 tháng qua một người ủy quyền.

Để đảm bảo quyền lợi, sinh viên làm thêm, nếu công việc kéo dài trên 1 tháng thì phải ký hợp đồng lao động. Còn nếu làm thời vụ dưới 1 tháng mà không thuộc các trường hợp trên, có thể giao kết hợp đồng bằng lời nói hoặc phương tiện điện tử mà không bắt buộc ký hợp đồng chính thức.

Theo Khoản 1 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, nếu người sử dụng lao động không ký hợp đồng lao động với sinh viên làm thêm (thời gian từ 1 tháng trở lên) sẽ bị phạt từ 2 - 25 triệu đồng. Nếu trả lương cho sinh viên làm thêm thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, sẽ bị phạt từ 20 - 75 triệu đồng.