Hàng nghìn tấn giá đỗ "ngậm" hóa chất: Chất cấm gây dị tật bẩm sinh

Cơ quan chức năng xác định, trong năm 2024, nhóm này đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine, với số lượng trung bình mỗi ngày từ 8 - 10 tấn. Đáng chú ý, một cơ sở đã ký hợp đồng cung cấp giá đỗ cho hệ thống siêu thị lớn với số lượng khoảng 350 - 400 kg mỗi ngày.

Tuồn ra thị trường hàng nghìn tấn giá đỗ "ngậm" hóa chất

Ngày 26/12, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, cơ quan này đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam 4 đối tượng để điều tra hành vi “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.

Các bị can bị bắt giữ gồm Lâm Văn Đạo (34 tuổi), Vũ Duy Tư (33 tuổi), Nguyễn Văn Quynh (51 tuổi) và Nguyễn Văn Hảo (36 tuổi). Tất cả đều trú tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

gia-do-1735188647.jpg
Các đối tượng làm giá đỗ bằng chất cấm bị khởi tố

Trước đó, trong quá trình theo dõi trên không gian mạng, công an phát hiện nhóm "Hội giá đỗ Miền Nam" và "Hội làm giá đỗ" có dấu hiệu vi phạm nên đã tiến hành kiểm tra đồng loạt 6 cơ sở sản xuất giá đỗ tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Tại các cơ sở này, lực lượng chức năng phát hiện ngoài nguyên liệu làm giá đỗ thông thường, còn có chất lỏng không màu chứa 6-Benzylaminopurine - chất không được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm cũng như không có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cho phép sử dụng tại Việt Nam.

Các đối tượng đã pha chế hóa chất này để ngâm giá đỗ, nhằm làm rễ cây ngắn lại và tập trung dưỡng chất để phát triển thân cây giá to, mập, có trọng lượng lớn và hình thức đẹp. Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk đã thu giữ gần 20.400kg giá đỗ đã bị ngâm hóa chất, với giá trị ước tính khoảng 400 triệu đồng.

Bên cạnh đó, với lượng hóa chất bị phát hiện, nhóm này có thể sử dụng 135 lít dung dịch hóa chất cấm để sản xuất khoảng 675 tấn giá đỗ thành phẩm, có giá trị bán ra khoảng 18,7 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng xác định, trong năm 2024, nhóm này đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine, với số lượng trung bình mỗi ngày từ 8 - 10 tấn. Đáng chú ý, một cơ sở trong nhóm đã ký hợp đồng cung cấp giá đỗ cho hệ thống siêu thị lớn với số lượng khoảng 350 - 400 kg mỗi ngày.

Trên bao bì của sản phẩm, các đối tượng dán nhãn mác quảng cáo như "Vì sức khỏe của mọi người", "không hóa chất", "không chất kích thích", "không chất bảo quản" để lừa dối người tiêu dùng.

Các đối tượng chủ yếu bán sỉ cho các đại lý ở chợ đầu mối Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột, sau đó giá đỗ được vận chuyển đi tiêu thụ tại các huyện, thị xã và thành phố khác.

Trước đó, ngày 21/12, Công an thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng đã thông tin về việc phát hiện một cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng chất kích thích tăng trưởng nguy hiểm cho sức khỏe con người. Cơ sở này có địa chỉ tại Duy Tân, phường An Cựu, TP Huế, do ông Lê Thanh Vũ (SN 1957) làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng công an phát hiện trong khu vực sản xuất giá đỗ có 4 can nhựa màu trắng (dung tích 4 lít/can) không có tem nhãn mác. Bên trong các can chứa dung dịch chất lỏng màu trắng. Chủ cơ sở khai nhận, đó là hóa chất 6-Benzylaminopurine được mua từ TP. HCM, dùng để pha với nước tưới lên giá đỗ.

gia-do-1-1735188647.jpg
Hóa chất dùng để làm giá đỗ có thể gây ra các vấn đề như thai nhẹ ký, não úng thủy, dị tật bẩm sinh

Chất cấm gây dị tật bẩm sinh

6-Benzylaminopurine là một loại cytokinin - chất kích thích tăng trưởng tế bào, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Nếu chất 6-Benzylaminopurine vô tình văng vào mắt, có thể gây viêm kết mạc. Khi dính vào da, chất này sẽ gây viêm da và các bệnh lý da liễu khác. Nếu hít phải, chất này sẽ gây tổn thương phổi, viêm phổi, làm nặng thêm các bệnh về phổi và phế quản, thậm chí có thể dẫn đến xơ phổi.

Đặc biệt, nếu tiếp xúc trong thời gian dài, nó có thể gây ra các vấn đề như thai nhẹ ký, não úng thủy, dị tật bẩm sinh và nguy cơ tử vong nếu tiêu thụ với lượng lớn. Với tính độc hại như trên, chất 6-Benzylaminopurine bị cấm sử dụng cho con người.

Chất 6-Benzylaminopurine chỉ tan tốt trong dung dịch kiềm và kém tan trong nước có pH trung tính hay axit, nên dù giá đỗ thành phẩm có được rửa nhiều lần với nước thông thường, vẫn không thể loại bỏ hết hóa chất. Do đó, dư lượng hóa chất tồn dư rất cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Luật sư Dương Phúc Hậu - Đoàn luật sư TP. HCM cho biết, căn cứ theo Điều 6 Luật An toàn thực phẩm 2010 và Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), các cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào mức độ vi phạm.

Cụ thể, đối với hành vi đã bị xử phạt trước đó nhưng vẫn tái phạm, mức phạt tiền sẽ dao động từ 50 - 200 triệu đồng. Ngoài ra, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, các đối tượng có thể bị phạt tù từ 1 - 5 năm nếu thực hiện hành vi sử dụng các chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là bị cấm sử dụng.