Đã chốt môn thi thứ 3 vào lớp 10, sao phụ huynh vẫn “đứng ngồi không yên”?

Chị Nguyễn Thị Thu chia sẻ, kỳ thi vào lớp 10 rất quan trọng, việc công bố môn thi thứ ba chỉ vài tháng trước kỳ thi là quá gấp. Các con sẽ phải đi học thêm nhiều môn hơn để phòng trường hợp bất ngờ, dẫn đến áp lực ngày càng tăng, thậm chí ảnh hưởng đến hiệu quả ôn tập.

Thay đổi 3 năm một lần

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa chính thức ban hành Thông tư quy định về công tác tuyển sinh THCS và THPT từ năm học 2025 - 2026. Theo đó, việc tuyển sinh vào THPT (lớp 10) sẽ được tổ chức theo một trong ba phương thức: Xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.

thi-lop-10-1736311333.jpg
Thông tư mới quy định môn thi thứ ba không được chọn liên tục trong 3 năm

Đối với phương thức thi tuyển, thí sinh sẽ phải thi 3 môn gồm Toán, Ngữ văn và môn thứ ba hoặc bài thi tổ hợp. Các Sở Giáo dục và Đào tạo có thể chọn một trong hai phương án. Nếu lựa chọn môn thứ ba thì phải là môn học được đánh giá bằng điểm số và không được chọn liên tục trong 3 năm. Nếu chọn bài thi tổ hợp, các môn thi sẽ phải là những môn có đánh giá bằng điểm số.

Các địa phương sẽ công bố môn thi thứ ba sau khi kết thúc học kỳ I, nhưng không muộn hơn ngày 31/3 hàng năm.

Với phương thức xét tuyển, kết quả tuyển sinh sẽ dựa trên kết quả rèn luyện và học tập của học sinh trong các năm học ở cấp trung học cơ sở hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở.

Thời gian làm bài thi được quy định như sau: Ngữ văn 120 phút, Toán từ 90 - 120 phút, môn thi thứ ba 60 - 90 phút và bài thi tổ hợp từ 90 - 120 phút. Nội dung thi chủ yếu sẽ nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, tập trung vào chương trình lớp 9.

Ngoài việc xác định phương án tuyển sinh vào lớp 10, Bộ cũng đưa ra quy định chi tiết về cách tính điểm xét tuyển. Cụ thể, điểm xét tuyển vào lớp 10 được tính bằng tổng điểm của các môn thi, bài thi, theo thang điểm 10. Một điểm đặc biệt là từ năm 2025, việc công bố điểm thi và điểm chuẩn vào lớp 10 sẽ được thực hiện đồng thời.

Tuy nhiên, có một số ý kiến băn khoăn về cách tính điểm xét tuyển này, đặc biệt là liệu các môn thi, bài thi có được nhân hệ số hay không. Quy định này có thể hiểu là tất cả các môn thi đều được tính với hệ số 1 hoặc việc nhân hệ số sẽ do các Sở Giáo dục Đào tạo quyết định. Trước đây, nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, đã áp dụng cách tính điểm nhân hệ số 2 đối với Toán và Ngữ văn.

Bên cạnh đó, thông tư mới cũng giao quyền cho các Sở Giáo dục Đào tạo quy định chi tiết về việc ra đề thi, tổ chức coi thi, chấm thi và phúc khảo sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Đối với các trường THPT thuộc Bộ Giáo dục Đào tạo, trường đại học và viện nghiên cứu, việc thực hiện sẽ theo hướng dẫn của đơn vị chủ quản hoặc quy định của Sở Giáo dục Đào tạo nơi trường đặt trụ sở.

Bộ Giáo dục Đào tạo khẳng định, thông tư này được xây dựng dựa trên 3 nguyên tắc chính: Giảm bớt áp lực tài chính cho phụ huynh học sinh, thúc đẩy giáo dục toàn diện và bảo đảm tính thống nhất trong toàn quốc.

thi-lop-10-1-1736311333.jpg
Môn thi thứ ba vào lớp 10 sẽ được công bố trước ngày 31/3

Lo lắng thời gian ôn thi quá ngắn

Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt (quận 3, TP. HCM) cho biết, từ hè trước khi con bước vào lớp 9, chị đã cho con tham gia các lớp học thêm ba môn Ngữ văn, Toán và tiếng Anh. Những năm qua, TP. HCM đều chọn 3 môn này cho kỳ thi vào lớp 10 nên chị cho con học ôn sớm.

Theo chị Nguyệt, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập ở TP. HCM luôn có tỷ lệ chọi cao và mức độ cạnh tranh rất gay gắt, chị phải đầu tư việc học cho con từ rất sớm để con có cơ hội vào học ở trường công như mong muốn.

Tuy nhiên, theo thông tư mới thì môn thi thứ ba sẽ được công bố trước ngày 31/3 thì quá muộn khiến học sinh khó có thể lên kế hoạch ôn tập hiệu quả. Chị Nguyệt mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể công bố môn thi lớp 10 sớm hơn để học sinh yên tâm ôn luyện. Tại TP. HCM, nên tạo điều kiện cho học sinh được thi môn tiếng Anh.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu - phụ huynh học sinh lớp 9 tại quận Đống Đa (Hà Nội) đề xuất, môn thi thứ ba nên được công bố ngay từ đầu năm học để học sinh và gia đình có đủ thời gian chuẩn bị. Chị Thu chia sẻ, kỳ thi vào lớp 10 rất quan trọng, việc công bố môn thi thứ ba chỉ vài tháng trước kỳ thi là quá gấp. Các con sẽ phải đi học thêm nhiều môn hơn để phòng trường hợp bất ngờ, dẫn đến áp lực ngày càng tăng, thậm chí ảnh hưởng đến hiệu quả ôn tập.

Về vấn đề này, cô Trần Hoài Bắc - giáo viên Trường THCS Lê Lợi (Nghệ An) cho rằng, học sinh lớp 9 năm nay là lứa đầu tiên thi vào lớp 10 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, vì vậy việc thi cử sẽ có nhiều đổi mới. Ví dụ, môn Ngữ văn không còn ngữ liệu trong sách giáo khoa và xuất hiện thêm các dạng thức trắc nghiệm mới. Điều này cho thấy mong muốn công bố sớm phương án và môn thi của học sinh, phụ huynh là hợp lý.

Theo cô Bắc, việc công bố môn thi thứ ba sớm hơn dự kiến sẽ giúp học sinh có thêm thời gian ôn luyện các dạng đề ngoài sách giáo khoa, chuẩn bị kỹ càng hơn cho kỳ thi quan trọng và giảm bớt tâm lý lo lắng trước kỳ thi.