Livestream bán hàng bùng nổ và các cơ hội việc làm dành cho người trẻ

Livestream bán hàng đang bùng nổ mạnh mẽ, tạo ra một làn sóng mới trong ngành thương mại điện tử. Kéo theo đó là nhu cầu tăng cao về nhân sự và dịch vụ hỗ trợ như kỹ thuật viên, nhân viên quản lý sản phẩm, tư vấn viên và các dịch vụ truyền thông, quảng cáo.

Cơ hội việc làm cho người trẻ

Thông tin từ AccessTrade Việt Nam, mỗi tháng có khoảng 2,5 triệu phiên livestream bán hàng, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán lẻ. Hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam dành trung bình 13 giờ mỗi tuần để xem livestream bán hàng, đứng thứ 11 thế giới về mức độ chi tiêu online.

Những số liệu trên cho thấy sự phát triển bùng nổ của livestream bán hàng, kéo theo đó là cơ hội nghề nghiệp cho nhiều người trẻ. Bởi ngoài vị trí host (người dẫn dắt chính), buổi livestream còn cần nhiều vị trí khác như nhân viên hỗ trợ kỹ thuật, quản lý sản phẩm… Nhu cầu nhân sự làm những công việc này đặc biệt tăng cao vào dịp cuối năm khi các sàn thương mại, doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ mùa Tết.

ban-hang-1-1733141135.jpg
Ngoài vị trí host (người dẫn dắt chính), buổi livestream còn cần nhiều vị trí khác như nhân viên hỗ trợ kỹ thuật, quản lý sản phẩm…

Nguyễn Thanh Linh (quận 5, TP. HCM) đã làm công việc hỗ trợ các buổi livestream được 3 tháng. Linh thường bắt đầu công việc trước mỗi buổi livestream khoảng 1 tiếng để kiểm tra lại các thiết bị, đèn, máy tính, phông nền… đảm bảo phiên bán hàng diễn ra xuôn xẻ. Sau đó, trong suốt phiên livestream, Linh lại hỗ trợ host duy trì không khí sôi động.

Linh cho biết, cô được người quen giới thiệu công việc này. Hiện tại, cô nhận 75.000 đồng/giờ cho mỗi phiên livestream. Cô làm việc 5 ngày/tuần. Ban ngày, cô đi học, còn tối thì làm nhân viên hỗ trợ livestream từ 5 - 6 tiếng. Hiện có nhiều đơn vị tổ chức livestream bán hàng nên cô thường ký hợp đồng ngắn hạn, khoảng 2 tuần. Từ giờ đến Tết Nguyên đán, số lượng công việc mà cô nhận cũng đã kín.

Trần Thị Mai Anh - cũng là sinh viên một trường đại học trên địa bàn TP. HCM cho biết, cô đã làm trợ lý livestream được 1 tháng. Cô tìm công việc này qua các hội nhóm trên mạng xã hội. Do phải sắp xếp thời gian học tập tại trường nên mỗi ngày Mai Anh làm khoảng 3 tiếng buổi tối với thù lao 100.000 đồng/giờ.

Công việc của cô là hỗ trợ người dẫn dắt chính, tư vấn giá cả, chốt đơn hàng, khách có thắc mắc thì trả lời.

Ông Vũ Bảo Thắng - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Meta Ecom, đối tác chiến lược của Shopee và TikTok cho biết, các vị trí trong livestream rất đa dạng, không chỉ có người dẫn dắt chính mà còn có công việc hỗ trợ kỹ thuật (bố trí và điều chỉnh ánh sáng, âm thanh), quản lý sản phẩm (sắp xếp và giới thiệu sản phẩm) và nhân viên tương tác (trả lời bình luận, chốt đơn).

Những công việc này chỉ yêu cầu sự nhanh nhẹn, cẩn thận và trách nhiệm. Do đó, ngoài tìm kiếm người dẫn dắt, công ty còn sẵn sàng tạo cơ hội việc làm cho người trẻ, đặc biệt là sinh viên. Mức thù lao cho các công việc này dao động từ 50.000 - 100.000 đồng/giờ.

ban-hang-1733141135.jpg
Khi livestream bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử bùng nổ, kéo theo nhu cầu nhân sự tăng cao

Nở rộ dịch vụ hỗ trợ livestream

Khi livestream bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử bùng nổ, ngoài kéo theo nhu cầu nhân sự thì dịch vụ hỗ trợ như thiết bị, hạ tầng, quy trình theo nhu cầu của doanh nghiệp…

GMV Technology là một đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ livestream. Ông Nguyễn Sơn Tùng - CEO của GMV chia sẻ, dù livestream đã có từ lâu, nhưng vài năm gần đây, hoạt động này mới bùng nổ và trở nên chuyên nghiệp hơn. Thực tế đó yêu cầu các phiên livestream bán hàng phải đầu tư nghiêm túc hơn. Người xem không chỉ tìm kiếm khuyến mại hấp dẫn, mà còn mong muốn được giải trí, tìm hiểu thêm thông tin về sản phẩm và tương tác với người bán.

Bên cạnh đó, bán hàng trên Tiktok hay Shopee đều có chính sách riêng của từng nền tảng. Nếu bán hàng theo kiểu tự phát, rất dễ vi phạm quy định và bị hạn chế, thậm chí cấm bán. Vì vậy, việc đầu tư và nhận tư vấn từ các đơn vị hỗ trợ là rất cần thiết.    

Ông Tùng cũng cho hay, mô hình cho thuê phòng livestream đã được áp dụng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Trung Quốc. GMV phát triển theo hướng này. Hiện nay, GMV có thể thực hiện 200 - 300 phiên livestream mỗi ngày. Chi phí cho việc thuê dịch vụ bao gồm phí cố định (tính theo giờ) từ 350.000 đồng cho 2 giờ và phí linh hoạt cho các dịch vụ đi kèm như truyền thông, quảng cáo, tư vấn vận hành.

Các doanh nghiệp, nhà bán hàng nhỏ và cá nhân có thể chọn gói dịch vụ phù hợp với nhu cầu. Tùy vào thời gian thuê và ngân sách, họ có thể lựa chọn các gói dịch vụ khác nhau, bao gồm đội ngũ hỗ trợ, nhân sự, trang thiết bị, công nghệ, cũng như tư vấn vận hành và phát triển kênh bán hàng trực tuyến.

Trong khi đó, bà Trần Thị Đan Thanh (CEO của MVOTX Network - Tiktok Vietnam, đơn vị cung cấp dịch vụ livestream trọn gói) đánh giá, livestream sẽ là xu hướng phát triển lâu dài, không phải là một trào lưu ngắn hạn. Nguyên nhân là do hành vi mua sắm của người tiêu dùng đang có sự thay đổi rõ rệt.

Chỉ sau một tháng khai trương, đơn vị của bà đã nhận được hợp đồng từ nhiều nhãn hàng lớn. Để tổ chức một phiên livestream chuyên nghiệp, MVOTX cần một đội ngũ lớn vận hành nhịp nhàng. Các nhân sự cần đảm bảo các công đoạn như chuẩn bị máy móc, đảm bảo đường truyền, điều chỉnh nhịp độ livestream và phối hợp với đội ngũ kinh doanh để thu hút người tiêu dùng.

Bà Thanh cho rằng, Việt Nam có những lợi thế đặc biệt để cạnh tranh trong khu vực như sự đổi mới sáng tạo trong công nghệ và nội dung kịch bản. từ đó có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai nhờ vào dân số trẻ, hiểu biết công nghệ...