Cần các chương trình đào tạo chuyên nghiệp
Th.S Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế TP. HCM đánh giá, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, với doanh thu bán lẻ trực tuyến đạt gần 144.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024 và dự kiến sẽ đạt gần 45 tỷ USD vào năm 2025.
Các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop đều ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng, trong đó livestream bán hàng trở thành xu hướng phổ biến, đẩy mạnh nhu cầu về nguồn nhân lực.
Theo báo cáo "e-Conomy SEA 2023" của Google, Temasek và Bain & Company, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng kinh tế số. Ngành công nghiệp nội dung số, bao gồm livestream, đã đóng góp hơn 10 tỷ USD vào GDP và dự kiến sẽ đạt 18 tỷ USD vào năm 2025. Sự phát triển của thương mại điện tử cũng thúc đẩy các ngành dịch vụ hỗ trợ như sản xuất nội dung số, marketing số và quản lý các kênh bán hàng trực tuyến.
Đặc biệt, livestream đang giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) dễ dàng tiếp cận khách hàng và tăng trưởng doanh thu. Điển hình như TP. HCM đã áp dụng hình thức livestream vào các sự kiện lớn, với sự tham gia của KOL (người có sức ảnh hưởng) và KOC (người tiêu dùng có ảnh hưởng), như sự kiện "Ngày hội mua sắm, giải trí trực tuyến TP. HCM 2023" vào cuối năm 2023, thu hút hơn 2 triệu lượt xem và tăng doanh thu cho các tiểu thương lên tới 40%.
Trong khi đó, báo cáo từ Influencer Marketing Hub cho thấy, tỷ lệ tương tác trung bình của các chiến dịch có KOL đạt tới 7%, cao gấp nhiều lần so với mức 2 - 3% của các chiến dịch quảng cáo truyền thống. Đây là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả vượt trội của livestream trong việc gia tăng sự hiện diện và tác động của các chiến dịch truyền thông, chính sách và thương mại.
Th.S Lê Thanh Hải cho rằng, để ngành livestream phát triển bền vững, cần thiết phải triển khai các chương trình đào tạo chuyên nghiệp, nhằm hình thành lực lượng lao động có kỹ năng, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Theo đó, cần có các khóa học ngắn hạn chuyên sâu, kết hợp đào tạo về pháp luật, kinh doanh trực tuyến và kỹ năng truyền thông.
Các chương trình đào tạo cần được triển khai nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu của hàng trăm nghìn lao động trong ngành. Đồng thời, cần có các quy định pháp lý rõ ràng để bảo vệ quyền lợi của cả người lao động và người tiêu dùng. Việc “chuẩn hóa” ngành livestream qua các quy định pháp luật sẽ giúp tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và lành mạnh, từ đó đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững trong tương lai”.
Hướng tới 20 triệu thanh niên được đào tạo livestream
Từ thực tế này, chiều ngày 5/11, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức truyền thông số (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam) đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam (Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) cùng các đối tác công bố “Chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế số - đồng hành cùng trách nhiệm xã hội”.
Mục tiêu của chương trình là kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ an sinh xã hội của người dân, thông qua việc nâng cao năng lực kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên Việt Nam. Cụ thể, chương trình sẽ tổ chức các khóa tập huấn giúp thanh niên học cách xây dựng và phát triển các hệ thống kênh truyền thông xã hội trên nền tảng số.
Các hoạt động chính của chương trình bao gồm tổ chức các phiên megalive, triển khai các chiến dịch nội dung với hashtag, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là kinh tế số. Qua đó, các nhà sáng tạo nội dung, nhà bán hàng, doanh nghiệp và thương hiệu sẽ đóng góp lợi nhuận từ các phiên mega livestream cho các tổ chức và dự án cộng đồng.
Chương trình không chỉ hướng tới đối tượng thanh niên mà còn dự định triển khai tại các trường học, với mục tiêu trang bị cho học sinh kỹ năng xây dựng và quản lý kênh truyền thông xã hội. Đại diện mạng lưới các nhà sáng tạo nội dung BigHeart MCN cho biết chương trình sẽ được triển khai trực tuyến từ tháng 11/2024, thông qua nền tảng đào tạo trực tuyến của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam.
Các khóa học sẽ được tổ chức dưới hình thức livestream kết hợp với các buổi giảng dạy trực tiếp tại các trường học, với mục tiêu mỗi trường tham gia sẽ có ít nhất một kênh truyền thông xã hội trên nền tảng số, giúp nâng cao năng lực truyền thông và quảng bá cho các hoạt động của trường.
Ông Nguyễn Phan Huy Khôi - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam cho biết, đây là một hoạt động nhằm nâng cao năng lực kinh doanh số cho thanh niên, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế số bền vững và kết hợp trách nhiệm xã hội. Bên cạnh đó, hoạt động này không chỉ có ý nghĩa xã hội mà còn gắn liền với các cơ hội hướng nghiệp và khởi nghiệp cho thanh niên.