Bùng nổ mua sắm qua livestream: Người Việt đứng thứ 11 thế giới về mức độ chi tiêu online

Ba nền tảng livestream phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%). Mỗi tháng, có khoảng 2,5 triệu phiên livestream bán hàng, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán lẻ. Người tiêu dùng Việt Nam hiện dành trung bình 13 giờ mỗi tuần để xem livestream bán hàng, đứng thứ 11 thế giới về mức độ chi tiêu online.

2,5 triệu phiên livestream bán hàng mỗi tháng

Livestream tiếp tục đóng vai trò then chốt trong cuộc cách mạng trải nghiệm mua sắm trực tuyến tại Việt Nam, khi các nền tảng thương mại điện tử chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý III/2024.

Bà Nguyễn Lê Anh Thi - Quản lý PR tại VG Entertainment nhận định, sự tiện lợi, mức giá hấp dẫn, sản phẩm đa dạng và giao hàng nhanh chóng là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phổ biến của livestream shopping tại Việt Nam. Hiện thị trường livestream bán hàng cạnh tranh rất gay gắt. Đối tượng khách hàng tham gia mua sắm qua livestream cũng rất đa dạng.

ban-hang-qua-livestream-1-1731928612.jpg
Người tiêu dùng Việt Nam hiện dành trung bình 13 giờ mỗi tuần để xem livestream bán hàng

Theo thông tin từ AccessTrade Việt Nam, mua sắm trực tiếp qua livestream có thể thúc đẩy tới 20% tổng doanh thu thương mại điện tử vào đầu năm 2026. Trong đó, ba nền tảng livestream phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%).

Mỗi tháng, có khoảng 2,5 triệu phiên livestream bán hàng, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán lẻ. Người tiêu dùng Việt Nam hiện dành trung bình 13 giờ mỗi tuần để xem livestream bán hàng, đứng thứ 11 thế giới về mức độ chi tiêu online.

Trong 2 năm qua, TikTok Shop đã nổi lên như một lực đẩy mạnh mẽ, tái định hình xu hướng mua sắm qua mạng xã hội (Social Commerce) và mang lại trải nghiệm mua sắm độc đáo. Các phiên livestream thu hút sự tham gia của các KOL (người có sức ảnh hưởng) và KOC (người tiêu dùng có ảnh hưởng) đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ người tiêu dùng.

Nghiên cứu của Metric (nền tảng số liệu TMĐT dành cho doanh nghiệp, thương hiệu và nhà bán) cho thấy, 38% người tham gia khảo sát dành từ 1 đến 3 giờ mỗi tuần để xem livestream và 62% trong số đó xem livestream với mục tiêu chính là mua sắm.

Nếu trước đây livestream là "lãnh địa" của các sản phẩm bình dân, giá rẻ thì từ đầu năm 2024, nhiều thương hiệu cao cấp đã bắt đầu xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử để livestream bán hàng. Những tên tuổi nổi bật như Sulwhasoo, Yves Saint Laurent, Estee Lauder… đã livestream các sản phẩm có giá từ vài triệu đồng thông qua các KOL.

Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tiềm năng của livestream, bà Nguyễn Lê Anh Thi cho rằng, các thương hiệu cao cấp cần xây dựng kịch bản livestream hấp dẫn, tạo sự bất ngờ và mong chờ. Ngoài ra, họ cần tập trung vào việc giới thiệu sản phẩm chất lượng và nâng cao giá trị của các mặt hàng cao cấp.

Các thương hiệu cũng cần đưa ra mức giá hợp lý và chính sách mua hàng hấp dẫn, giúp khách hàng cảm thấy quyền lợi của mình được tối ưu trong môi trường mua sắm trực tuyến.

ban-hang-qua-livestream-1731928613.png
Nhiều doanh nghiệp Việt cũng đã gia nhập livestream bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử

Doanh nghiệp Việt gia nhập livestream bán hàng

Khi các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng phát triển, nhiều doanh nghiệp Việt đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, tổ chức các buổi livestream bán hàng để mở rộng thị trường.

Theo đại diện sàn Shopee, trong sự kiện siêu sale 11/11 vừa qua, sàn ghi nhận sự tham gia tích cực của các thương hiệu Việt, với gần 400.000 phiên livestream. Đặc biệt, trong top 5 thương hiệu dẫn đầu ngành hàng, có đến hai đại diện Việt Nam, với doanh số tăng gấp 10 lần so với ngày thường.

Các mặt hàng nông sản và đặc sản địa phương cũng đang nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các sàn TMĐT. Chẳng hạn, sự kiện livestream "Shopee - Tinh Hoa Việt Du Ký" vào ngày 15/11 đã giới thiệu nhiều đặc sản nổi tiếng của các tỉnh An Giang và Kiên Giang. Đây là một dấu hiệu cho thấy xu hướng mua bán trực tuyến, đặc biệt là qua livestream, đang trở thành kênh tiêu thụ quan trọng cho các sản phẩm Việt Nam.

Bà Trần Hồng Lâm - Giám đốc xuất khẩu của Công ty thực phẩm Á Long (Long An) cho biết, doanh nghiệp của bà đang nỗ lực nối lại thị trường Trung Quốc sau khi dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Trước đây, Trung Quốc chiếm đến 60% doanh thu xuất khẩu của công ty. Tuy nhiên, việc xuất khẩu qua biên mậu hiện nay gặp không ít khó khăn về thủ tục hải quan và chi phí vận chuyển. Vì vậy, công ty đang tìm cách phát triển các kênh bán hàng trực tuyến, đặc biệt là trên các sàn TMĐT để giảm bớt những rào cản này.

Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Shopee Việt Nam cho hay, thời gian qua, sàn TMĐT này đã triển khai nhiều sáng kiến nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội địa nâng cao vị thế và tăng trưởng sản phẩm.

Cụ thể, trong sự kiện 11/11 vừa qua, Shopee đã cung cấp cho các nhà bán hàng và thương hiệu Việt những công cụ bán hàng theo xu hướng mới cùng các giải pháp marketing hiệu quả. Những công cụ này giúp quản lý gian hàng trực tuyến tốt hơn, thúc đẩy các chương trình khuyến mãi, tăng khả năng hiển thị và nâng cao trải nghiệm mua sắm liền mạch cho khách hàng.

Mua sắm qua livestream được dự báo sẽ tiếp tục là xu hướng nổi bật trên các sàn thương mại điện tử trong những năm tới. Với sự kết hợp liền mạch giữa mua hàng và giải trí, các thương hiệu dễ dàng giới thiệu sản phẩm, để người mẫu thử kích cỡ, màu sắc một cách trực quan ngay trong các buổi livestream. Điều này giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian và công sức, đồng thời có thể tự tin "thêm vào giỏ hàng" và tận hưởng hàng loạt ưu đãi hấp dẫn khi mua sắm.