Cơ chế lỏng lẻo khiến hàng giả vẫn còn “đất sống” trên sàn thương mại điện tử

Nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng các sàn thương mại điện tử không thể chỉ đổ lỗi cho những kẻ buôn bán hàng giả, mà cần nhìn nhận vai trò của mình trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa. Việc phụ thuộc quá nhiều vào công cụ tự động hay chỉ hành động khi có khiếu nại không đủ để ngăn chặn hàng giả.

Vấn nạn hàng giả vẫn nhức nhối

Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT), hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc cùng được tuồn vào. Đáng chú ý, các hành vi vi phạm ngày càng trở nên tinh vi và khó lường, cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.

Mới đây, vụ việc ba thanh thiếu niên ở Long An thuê nhà sản xuất 30.000 chai dầu gió giả và bán qua Shopee càng cho thấy những lỗ hổng trong cơ chế kiểm soát hàng hóa của sàn TMĐT, đặc biệt là đối với những sản phẩm liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng.

hang-gia-1-1728890010.jpg
Vụ sản xuất dầu gió giả rồi bán trên sàn thương mại điện tử Shopee

Shopee đã khóa gian hàng chuyên bán hàng giả dầu gió ngay sau khi vụ án được khởi tố. Tuy nhiên, khi tìm kiếm "dầu gió" trên nền tảng này, người tiêu dùng vẫn có thể dễ dàng tìm thấy nhiều gian hàng khác quảng cáo "hàng chính hãng" với giá từ 35.000 - 175.000 đồng.

Ông Đỗ Hồng Trung - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, các hành vi vi phạm liên quan đến hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên TMĐT ngày càng phức tạp. Việc chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT cũng như thương mại truyền thống là một thách thức lớn, cần sự tập trung từ các cấp, ngành và lực lượng chức năng để giải quyết.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2023 đã xử lý 764 vụ vi phạm liên quan đến thương mại điện tử. Các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến hàng giả và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Mặc dù cơ quan chức năng đã mạnh tay xử lý, tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Thường thì các nền tảng chỉ gỡ tài khoản khi bị phát hiện vi phạm.

Về các giải pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm trên TMĐT, ông Phan Minh Nhựt - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) cho rằng, cần thiết lập các bộ lọc để gỡ bỏ sản phẩm vi phạm, cũng như điều tra và xử lý các đối tượng vi phạm trọng điểm. Đặc biệt, việc định danh người bán trên các nền tảng TMĐT là giải pháp cốt lõi.

hang-gia-1728890010.png
Hàng giả vẫn tràn lan trên các sàn thương mại điện tử

Cần chủ động ngăn chặn ngay từ đầu

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, sàn thương mại điện tử không chỉ nên dựa vào biện pháp xử lý vi phạm sau khi sự việc đã xảy ra, mà cần chủ động ngăn chặn ngay từ đầu. Như Shopee, sàn cam kết mang lại trải nghiệm mua sắm an toàn, với hệ thống kiểm duyệt sản phẩm hoạt động tự động và thủ công để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Shopee cũng có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm, bao gồm việc tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn tài khoản.

Một chức năng đáng chú ý là "Báo cáo sản phẩm vi phạm", cho phép người tiêu dùng phản ánh các sản phẩm không đạt chuẩn. Tuy nhiên, nhiều thương nhân cho rằng chức năng này chưa được quản lý hiệu quả và không kiểm soát tốt các gian hàng không chính hãng. Vụ việc chỉ được phát hiện khi người tiêu dùng báo cáo sản phẩm không đạt chất lượng.

Dù các sàn thương mại điện tử như TikTok Shop, Shopee, Lazada, Tiki... cam kết bảo vệ khách hàng, tình trạng hàng giả vẫn diễn ra phổ biến. Đại diện TikTok Việt Nam nhấn mạnh, trách nhiệm tuân thủ pháp luật của các thương nhân và quy trình xác nhận hàng hóa trước khi bán trên nền tảng.

hang-gia-2-1728890010.jpg
Một số thủ đoạn lừa đảo được Shopee cảnh báo

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng các sàn thương mại điện tử không thể chỉ đổ lỗi cho những kẻ gian lận mà cần nhìn nhận vai trò của mình trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa. Việc phụ thuộc quá nhiều vào công cụ tự động hay chỉ hành động khi có khiếu nại không đủ để ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng giả.

Trách nhiệm của sàn thương mại không chỉ dừng lại ở việc cung cấp nền tảng, mà còn phải đảm bảo quy trình kiểm tra sản phẩm hoạt động hiệu quả. Sự cảnh giác của người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện hành vi gian lận.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động TMĐT và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời khuyến khích phát triển bền vững TMĐT Việt Nam. Bộ cũng sẽ tăng cường phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Tài chính để xử lý các đối tượng lợi dụng TMĐT cho mục đích bất hợp pháp.

Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý thị trường và các lực lượng chức năng về quy định pháp luật liên quan đến TMĐT, cũng như kỹ năng thu thập chứng cứ và kiểm soát thông tin trên các sàn giao dịch điện tử.

Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng nhấn mạnh sự cần thiết bổ sung chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với các hành vi lưu trữ, vận chuyển và buôn bán hàng giả trên TMĐT. Cùng với đó, việc xây dựng trung tâm giám định, kiểm nghiệm khu vực sẽ giúp kịp thời xử lý các vi phạm. Tuyên truyền về cách nhận biết hàng giả và khuyến khích người dân tố giác tội phạm cũng là một phần quan trọng trong công tác chống hàng giả.