Áp lực quản lý trước cuộc đổ bộ của các sàn thương mại điện tử Trung Quốc

Với hàng hóa giá rẻ cùng chính sách khuyến mại hấp dẫn, các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc không chỉ thu hút đông đảo người tiêu dùng mà còn gây ra những lo ngại về cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp nội địa. Trong bối cảnh này, cơ quan nhà nước đang phải đối mặt với áp lực lớn về quản lý.

Chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam

Các nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới như Temu, Shein… đã đổ dồn hàng hóa giá rẻ vào Việt Nam, tạo ra nhiều thách thức cho công tác quản lý thương mại điện tử. Những chính sách khuyến mại, giảm giá và miễn phí vận chuyển từ các sàn thương mại điện tử nước ngoài nhằm thu hút người tiêu dùng đang khiến cơ quan quản lý nhà nước phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Nhất là vài ngày gần đây, các hoạt động của sàn thương mại điện tử thương mại Temu được đông đảo người tiêu dùng Việt đặc biệt quan tâm. Temu là một sàn thương mại điện tử xuyên biên giới do Công ty PDD Holdings của Trung Quốc điều hành. Nền tảng này chuyên cung cấp hàng hóa giá rẻ, được ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và nhanh chóng mở rộng sang Canada, Australia, New Zealand, cùng nhiều quốc gia ở châu Âu và Đông Nam Á.

temu-1729766382.jpg
Temu là một trong những nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng của Trung Quốc đang đổ bộ vào nước ta

Mặc dù chỉ mới xuất hiện trên thị trường khoảng 2 năm, Temu đã nhanh chóng trở thành một đối thủ đáng gờm so với các sàn thương mại điện tử lớn hiện nay. Theo số liệu từ ECDB, tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) của Temu vào năm 2022 chỉ đạt 290 triệu USD, nhưng đã tăng vọt lên 14 tỷ USD vào năm 2023, tương đương mức tăng hơn 4.500 lần.

Chị Nguyễn Thị Kiều (quận 8, TP. HCM) cho biết, nhiều sản phẩm trên Temu có giá khá cao. Như 100 miếng lót nồi chiên không dầu được bán trên Shopee, Lazada, TikTok Shop từ 29.000 - 32.000 đồng, trong khi trên Temu giá gần 45.000 đồng. Cùng đôi dép quai nữ bằng cao su giống nhau, giá trên các sàn nội địa là 80.000 đồng, còn Temu bán hơn 210.000 đồng/đôi.

Chị Kiều cho hay, chị thấy giá trên Temu chỉ rẻ ở một số mặt hàng thời trang, nhưng chất lượng thực tế vẫn còn là dấu hỏi. Còn nhiều sản phẩm khác lại có giá cao hơn chị dự đoán.

Trong khi đó, nhiều người đã trải nghiệm Temu chia sẻ, trước khi quyết định mua hàng, mọi người nên so sánh kỹ giá, chất lượng và thời gian giao hàng. Đồng thời, cần xem xét các chính sách thanh toán và bảo hành để đưa ra lựa chọn hợp lý, tránh tình trạng thấy giá giảm sâu nhưng cuối cùng giá thực tế lại cao hơn so với các sàn khác.

Dù đang có nhiều hoạt động rầm rộ gia nhập thị trường Việt Nam, nhưng vào tối 23/10, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương xác nhận Temu chưa đăng ký hoạt động tại nước ta.

Cần thiết tạo hành lang quy chuẩn

Chiều 23/10, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ quý III. Tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã giải đáp các câu hỏi liên quan đến việc quản lý các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là sự xuất hiện của sàn Temu.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Tân cho biết, theo Nghị định 85, tất cả các sàn giao dịch thương mại điện tử khi hoạt động tại Việt Nam đều phải đăng ký. Về trường hợp sàn Temu, một số nước như Indonesia đã cấm hoạt động. Hiện Bộ Công Thương đang giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiến hành rà soát và đánh giá tác động.

temu-1-1729766382.jpg
Sàn thương mại điện tử Temu chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam

Bày tỏ sự ngạc nhiên trước mức giá rẻ của hàng hóa trên sàn Temu, tuy nhiên ông Tân cho rằng cần điều tra cụ thể để xác định tính hợp pháp của giá cả này, nhằm tôn trọng nguyên tắc mua bán tự do trên thị trường. Theo đó, Bộ Công Thương không phân biệt hàng hóa nhập khẩu qua kênh truyền thống hay kênh thương mại điện tử đều phải có đánh giá.

Riêng kênh thương mại điện tử hiện đang nổi lên, có ưu thế hơn, cần phải có giải pháp đặc thù hơn xử lý trên môi trường điện tử. Thứ trưởng cũng nhận định, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử hiện có giá rất thấp, nhưng cần phải xem xét kỹ lưỡng các yếu tố như mẫu mã, chất lượng và thương hiệu. Nếu phát hiện hàng giả hay gian lận, Bộ sẽ có biện pháp ngăn chặn, trong khi hàng hóa hợp pháp và cạnh tranh cần được bảo vệ theo quy tắc thị trường.

Ông Tân khẳng định sự cần thiết phải tạo hành lang quy chuẩn và hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội địa. Bộ đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ sản xuất trong nước và bảo vệ doanh nghiệp nội địa.

Trong khi đó, tại buổi họp báo bên hành lang Quốc hội ngày 24/10, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu TP. HCM) cho biết, mặc dù thương mại điện tử là xu thế không thể tránh khỏi, nhưng sự thiếu sót trong việc kiểm tra và giám sát cùng các quy định chưa đầy đủ có thể gây ra thiệt hại đáng kể.

Đại biểu Ngân cho rằng mức giá rẻ trên các sàn như Temu và Shein không chỉ là kết quả của tiến bộ công nghệ hay quy trình sản xuất, mà còn có thể do các nhà bán hàng không chịu nghĩa vụ thuế, tức là có hiện tượng trốn thuế. Việc hàng hóa không đóng thuế tràn vào thị trường với giá thấp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành sản xuất trong nước và tạo ra sự bất công đối với những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông nhấn mạnh, thương mại điện tử giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng hóa, nhưng cũng gây ra vấn đề thất thu thuế và sự thiếu công bằng trong kinh doanh. Chúng ta khuyến khích thương mại điện tử, nhưng cần kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn gian lận thương mại và trốn thuế, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong sản xuất trong nước. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng điều chỉnh cách thức quản lý và giám sát để bắt kịp với sự tiến bộ không ngừng của khoa học - công nghệ.