Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ: Thêm lựa chọn cho người tiêu dùng, thách thức cho doanh nghiệp

Sự bùng nổ của các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc thông qua các sàn thương mại điện tử đang tạo ra làn sóng mua sắm mới của người tiêu dùng Việt. Với tốc độ giao hàng nhanh, giá thành rẻ, các sản phẩm quốc tế dễ dàng tiếp cận người mua Việt. Điều này khiến các nhà bán hàng nội địa phải đối mặt với áp lực lớn về cạnh tranh.

Các nền tảng mua sắm Trung Quốc gia nhập

Chỉ sau hơn 3 ngày với ưu đãi miễn phí vận chuyển sau khi áp mã khuyến mại 15.000 đồng, chị Nguyễn Thu Huyền (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã nhận được chiếc đèn bàn đặt từ Trung Quốc qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee. Đáng chú ý, quá trình thông quan cho đơn hàng này chỉ mất đúng 2 ngày. Trong khi, một đơn hàng khác là mỹ phẩm dưỡng da mà chị Huyền đặt từ một người bán trong nước lại mất gần 5 ngày mới giao tới tay chị.

Chị Huyền cho biết, chị thường so sánh giá cả ở các gian hàng trên sàn và nhận thấy các shop quốc tế thường có giá rẻ hơn nhiều, lại được miễn phí vận chuyển và có chính sách trả hàng tương tự như mua ở gian hàng nội địa", chị chia sẻ.

thuong-mai-dien-tu-1-1728565548.jpg
Hàng từ Trung Quốc giao về Việt Nam chỉ mất hơn 3 ngày

Thực tế, tốc độ giao hàng từ Trung Quốc về Việt Nam ngày càng nhanh, chi phí vận chuyển thấp, hàng hóa đa dạng, thậm chí giá còn rẻ hơn các sản phẩm trong nước. Điều này giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với nguồn hàng giá thấp, mẫu mã đa dạng, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho các nhà bán hàng nội địa.

Vào ngày 2/10, khi nghe tin trang TMĐT 1688 vừa cập nhật hỗ trợ tiếng Việt và giao hàng trực tiếp về Việt Nam, chị Trần Thị Minh Anh (quận Đống Đa, Hà Nội) đã thử đặt một chiếc áo với giá 24,98 nhân dân tệ (gần 90.000 đồng). Chị thanh toán qua nền tảng thanh toán nội địa Trung Quốc, với phí vận chuyển về Việt Nam chỉ 3,8 nhân dân tệ (khoảng 13.400 đồng).

Theo chị Nhật, việc hỗ trợ tiếng Việt và vận chuyển thẳng về địa chỉ tại Việt Nam là một lợi thế lớn cho những cá nhân mua hàng số lượng nhỏ. Tuy nhiên, với các mặt hàng cồng kềnh, nặng, việc vận chuyển thẳng về Việt Nam gặp khó khăn do chi phí vận chuyển khá cao.

Gần đây, nhiều "ông lớn" trong lĩnh vực TMĐT chuyên bán sỉ từ Trung Quốc đang tìm cách xâm nhập thị trường Việt Nam. Điều này tạo ra áp lực lớn đối với các nhà bán hàng trong nước khi phải đối mặt với sự cạnh tranh về giá cả và thị phần.

Ông Nguyễn Mạnh Tấn - Phó ban truyền thông của Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho biết, trang web bán sỉ lớn nhất Trung Quốc là 1688.com, đã chính thức cho phép người dùng Việt Nam đăng ký mua hàng và thanh toán bằng ngôn ngữ tiếng Việt.

Bên cạnh đó, Temu - một sàn TMĐT giá rẻ xuyên biên giới của Trung Quốc cũng đã âm thầm xâm nhập vào Việt Nam. Dù hiện tại phiên bản website Temu tại Việt Nam còn thô sơ, nhưng cam kết giao hàng trong 4 - 7 ngày đã thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Điều này cho thấy, Việt Nam là thị trường tiềm năng mà các nền tảng TMĐT lớn từ Trung Quốc đang nhắm tới.

Đặc biệt, nhiều người dùng còn phát hiện Viettel Post đã âm thầm thử nghiệm tính năng Vipo Mall, cho phép mua hàng từ các nền tảng TMĐT nổi tiếng của Trung Quốc như Taobao, 1688, Pinduoduo…

thuong-mai-dien-tu-1728565548.jpg
Sàn TMĐT 1688 của Trung Quốc đã gia nhập thị trường Việt Nam

Cạnh tranh khốc liệt

Chuyên gia thương mại điện tử Lê Anh Tuấn - Giám đốc điều hành A1Demy nhận định, Temu như một “cơn lũ” có khả năng cuốn trôi nhiều nhà bán hàng nhỏ lẻ. Nguyên nhân là bởi Temu có lợi thế bán hàng trực tiếp từ nhà máy đến tay người tiêu dùng, loại bỏ khâu trung gian, giúp giá bán giảm mạnh. Điều này tạo ra thách thức lớn đối với các nhà bán hàng tại Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp dựa vào việc nhập hàng từ Trung Quốc và bán lại với mức giá cao hơn.

Theo ông Tuấn, thị trường TMĐT Việt Nam đang bước vào giai đoạn đào thải khắc nghiệt. Số lượng nhà bán hàng sẽ giảm và chỉ những doanh nghiệp có nguồn lực mạnh mới có thể tiếp tục tồn tại.

Trong khi đó, bà Đỗ Mai Phương - Quản lý phát triển khách hàng của nền tảng Metric chia sẻ, sự gia nhập của các sàn TMĐT xuyên biên giới như 1688 và Temu sẽ làm tăng tính cạnh tranh, buộc các sàn TMĐT trong nước phải tái cấu trúc chiến lược, từ việc cải tiến logistics đến ứng dụng AI và Big Data để phân tích hành vi tiêu dùng.

Bà Đỗ Mai Phương nhấn mạnh, các nhà bán hàng cần tận dụng công nghệ và dữ liệu lớn để hiểu rõ nhu cầu khách hàng, đồng thời tập trung vào các sản phẩm đặc trưng địa phương và dịch vụ hậu mãi tốt, điều mà các doanh nghiệp Trung Quốc khó cạnh tranh.

Ông Đào Thế Vinh - nhà sáng lập thương hiệu Midori đánh giá, sự cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc đang khiến các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Các sản phẩm từ Trung Quốc thường có giá rẻ hơn rất nhiều, khiến các doanh nghiệp trong nước buộc phải điều chỉnh giá để cạnh tranh, thậm chí không còn lãi.

Sự xuất hiện của các kho hàng sát biên giới với Trung Quốc đã khiến thị trường hàng hóa giá rẻ trở nên sôi động, buộc Midori phải thay đổi chiến lược để tồn tại. Dù gặp nhiều thách thức, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn cho rằng, việc tạo sự khác biệt và tập trung vào giá trị cốt lõi là chìa khóa để tồn tại.

Theo chuyên gia Lê Anh Tuấn, dù nền tảng nào gia nhập thị trường, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam vẫn có thể phát triển nếu biết tận dụng lợi thế và tạo ra sản phẩm, dịch vụ khác biệt. Ông cũng cho rằng các doanh nghiệp cần tinh gọn mô hình, tăng hiệu suất và giảm chi phí vận hành để cạnh tranh hiệu quả hơn.

Việc sử dụng công nghệ và xây dựng thương hiệu mạnh là điều cần thiết để duy trì lợi thế cạnh tranh. Các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cần đối phó với cuộc chiến giá rẻ mà còn phải tạo ra sự sáng tạo và khác biệt để tồn tại và phát triển trong môi trường TMĐT đầy biến động này.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, trong 5 năm qua, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đã tăng hơn 2,5 lần, từ 8,06 tỷ USD năm 2018 lên 20,5 tỷ USD vào năm 2023. Mức tăng trưởng này tạo ra làn sóng đầy kỳ vọng với cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài.