Nên giám sát ô nhiễm không khí
Sáng nay (ngày 7/1), hệ thống quan trắc chất lượng không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục ghi nhận mức ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang...
Tại Hà Nội, vào lúc 7 giờ sáng nay, mức ô nhiễm cũng phổ biến ở ngưỡng tím và đỏ, mức độ có hại cho sức khỏe. Trang Air Visual tiếp tục xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, đứng sau là Dhaka (Bangladesh) và Delhi (Ấn Độ).
Tình trạng ô nhiễm tương tự cũng xuất hiện tại các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định và Hà Nam, nơi mức độ ô nhiễm thường xuyên ở ngưỡng tím và đỏ.
Đặc biệt, mức độ ô nhiễm ở Thái Nguyên đã vượt xa cả Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Tại bốn điểm đo ở thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công, chỉ số ô nhiễm đều đạt ngưỡng tím, mức độ rất có hại cho sức khỏe của người dân.
Các chuyên gia cho rằng, hoạt động sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các nhà máy công nghệ cũ, có thể là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại khu vực này.
Theo thông tin từ trang theo dõi chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ, trong hai ngày 8 - 9/1, mức độ ô nhiễm không khí ở miền Bắc sẽ giảm nhẹ, chủ yếu ở ngưỡng đỏ và cam.
Từ ngày 10 - 12/1, nhờ ảnh hưởng của đợt gió mùa Đông Bắc, chất lượng không khí dự báo sẽ được cải thiện và đạt ngưỡng vàng (ngưỡng trung bình), thuận lợi cho các hoạt động ngoài trời. Tuy nhiên, vào đầu tuần tới, ô nhiễm có thể quay lại miền Bắc.
Ô nhiễm không khí tại miền Bắc những ngày qua chủ yếu do bụi mịn PM2.5 gây ra, loại bụi nguy hiểm có thể làm gia tăng các bệnh về hô hấp và tim mạch. Theo số liệu của WHO, trung bình cứ mỗi 7,5 phút, lại có một người Việt Nam tử vong do bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí.
Trước tình trạng này, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 7/1, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục đã đề nghị thực hiện một đánh giá tổng thể về tình hình ô nhiễm không khí ở Hà Nội nhằm tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề.
Ông Vinh còn đề xuất đoàn giám sát của Quốc hội cần rà soát các nguồn phát thải công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp lớn xung quanh Hà Nội và các cơ sở sản xuất có ảnh hưởng đến ô nhiễm không khí.
Bên cạnh đó, ông Vinh còn dẫn chứng kinh nghiệm của Bắc Kinh (Trung Quốc), nơi từng phải đối mặt với ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng sau khi di dời các nhà máy công nghiệp ra khu vực ngoại vi và tái tổ chức cây xanh, tình trạng ô nhiễm đã được cải thiện đáng kể.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Định - Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, hoạt động giám sát cần phải đem lại kết quả cụ thể, đồng thời đưa ra các kiến nghị chính sách mạnh mẽ để tạo ra sự chuyển biến trong công tác bảo vệ môi trường.
Song song, cần chú ý đến đặc thù của từng địa phương trong quá trình giám sát, từ đó xây dựng đề cương và kế hoạch phù hợp. Ông nhấn mạnh, ví dụ như tại Hà Nội, nơi ô nhiễm không khí đang trở thành vấn đề cấp bách, giám sát nên tập trung vào lĩnh vực ô nhiễm không khí.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội, Chính phủ và UBND TP. Hà Nội đã đưa ra các giải pháp, nhưng đây vẫn là vấn đề cần phải tiếp tục giám sát. Ông nhấn mạnh, sau đợt giám sát này, chúng ta cần phải có các hành động quyết liệt hơn, học hỏi từ kinh nghiệm của một số quốc gia, như Trung Quốc, với những biện pháp mạnh mẽ hơn.
Thứ trưởng cũng chia sẻ về bài học từ thành phố New York (Mỹ), nơi đã triển khai thu phí và hạn chế ô tô vào khu vực ô nhiễm nghiêm trọng hoặc tắc nghẽn giao thông. Hà Nội cũng đã lên kế hoạch thực hiện những biện pháp tương tự.
Áp dụng phí chống tắc nghẽn
Năm 2023, thành phố New York nhiều lần xếp đầu thế giới về đô thị ô nhiễm. Nhằm cải thiện tình trạng này, thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp. Gần đây nhất, thành phố đã áp dụng phí tắc nghẽn đối với các phương tiện vào khu vực đông đúc nhất của Manhattan. Quy định này chính thức có hiệu lực từ ngày 5/1 và New York là thành phố đầu tiên ở Mỹ áp dụng.
Mục tiêu của chương trình là giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài ở New York, đồng thời tạo ra nguồn thu cho hệ thống giao thông công cộng của thành phố. Mặc dù kế hoạch gặp phải sự phản đối từ bang New Jersey và một số quan điểm phản đối trong nội bộ, bao gồm cả Tổng thống đắc cử Donald Trump, chương trình vẫn được thực hiện.
Theo quy định, ô tô vào khu vực kinh doanh trung tâm của Manhattan - từ phố 60 đến đầu phía nam của Khu Tài chính - sẽ phải trả phí cao điểm là 9USD trong khoảng thời gian từ 5h - 21h vào các ngày trong tuần và 9h - 21h vào cuối tuần. Trong khoảng thời gian không phải cao điểm, mức phí sẽ giảm 75%, chỉ còn 2,25USD.
Đối với xe tải nhỏ và xe buýt nội khu, mức phí là 14,40USD trong giờ cao điểm, trong khi xe tải lớn và xe buýt du lịch sẽ phải trả 21,6 USD. Tài xế chỉ bị thu phí một lần trong ngày. Một số trường hợp miễn trừ như xe cấp cứu, xe chính phủ, xe của những người có thu nhập thấp hoặc có tình trạng sức khỏe không thể sử dụng phương tiện công cộng, xe chở học sinh và xe buýt công cộng.
Dự kiến, chương trình sẽ giúp giảm khoảng 10% số lượng ô tô và xe tải vào khu vực này. MTA cam kết sẽ sử dụng hàng tỷ USD thu được từ chương trình để hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng toàn khu vực.
Mặc dù New York là thành phố đầu tiên ở Mỹ áp dụng thu phí tắc nghẽn, nhưng các thành phố lớn như London (Anh) và Stockholm (Thụy Điển) đã thực hiện chương trình tương tự từ nhiều năm trước.
Hay tại thủ đô Paris của Pháp cũng đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt, cấm các phương tiện gây ô nhiễm di chuyển vào trung tâm thành phố, đồng thời cấm xe hơi chạy dọc theo bờ sông Seine để dành không gian cho cây xanh và người đi bộ.
Những biện pháp này đã giúp giảm đáng kể lượng khí carbon dioxide, đặc biệt là nitrogen dioxide - một chất ô nhiễm phát sinh từ khí thải xe hơi, là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra các bệnh về hô hấp. Karine Leger - Giám đốc Airparif, tổ chức giám sát chất lượng không khí nhận định, chất lượng không khí tại Paris đã được cải thiện đáng kể nhờ các biện pháp mạnh mẽ trên.