Miền Bắc đối mặt với đỉnh điểm ô nhiễm không khí, cần giải pháp cấp bách

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết, ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề cấp bách mà còn có tính liên tỉnh, liên vùng và liên ngành. Vì vậy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là vô cùng quan trọng, trong đó cần thành lập một ủy ban quốc gia trực thuộc Chính phủ, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành và địa phương.

Nhiều tỉnh ở ngưỡng tím

Mức độ ô nhiễm không khí ở các tỉnh miền Bắc luôn phổ biến ở ngưỡng đỏ (gây hại cho sức khỏe của tất cả mọi người) trong nhiều ngày qua. Thậm chí, có một số điểm đo đạt ngưỡng tím. Như sáng sớm nay (ngày 24/12), số điểm đo có chỉ số ô nhiễm đạt ngưỡng tím còn gia tăng.

Tại Hà Nội, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được tại Đại học Bách khoa Hà Nội vào lúc 5h30 sáng nay là 224, còn tại Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) là 217. Hai chỉ số này đều thuộc ngưỡng tím. Điểm đo tại công viên Nhân Chính trên đường Khuất Duy Tiến đạt 198, cũng gần với ngưỡng tím.

o-nhiem-mien-bac-1735015145.jpg
Miền Bắc đang trong đỉnh điểm ô nhiễm, nhiều tỉnh thành ở ngưỡng tím

Ứng dụng Air Visual xếp Hà Nội là thành phố có mức ô nhiễm không khí đứng thứ 4 trong số 126 thành phố trên toàn cầu, chỉ sau thành phố Delhi (Ấn Độ), Bishkek (Thủ đô Kyrgyzstan) và Accra (Ghana), những nơi có ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất.

Trong đợt này, Thái Nguyên là khu vực ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất. Vào lúc 5h30 sáng 24/12, điểm đo ở phường Quan Triều (thành phố Thái Nguyên) ghi nhận chỉ số AQI lên tới 266, còn tại đường Hùng Vương là 227 (ngưỡng tím).

Tại Thái Bình có một điểm đo ở ngưỡng tím với chỉ số chất lượng không khí lên tới 219. Hầu hết các địa phương khác ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ cũng ghi nhận mức ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở ngưỡng đỏ (chỉ số AQI từ 150 đến 200).

Trang web về chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ cho biết, đợt ô nhiễm này sẽ còn tiếp tục kéo dài ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc trong những ngày tới. Cụ thể ngày 25 - 27/12, mức ô nhiễm có thể dao động từ ngưỡng đỏ đến tím. Thời gian ô nhiễm nghiêm trọng nhất là vào ban đêm và sáng sớm. Từ trưa đến chiều, mức ô nhiễm sẽ giảm một phần nhưng vẫn ở mức cao. Hai ngày cuối tuần (28 và 29/12), ô nhiễm không khí có thể cải thiện một chút, chủ yếu ở mức ngưỡng vàng (chất lượng không khí trung bình) và ngưỡng kém (bắt đầu ảnh hưởng đến người nhạy cảm).

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến cáo miền Bắc đang trong giai đoạn ô nhiễm không khí nặng nhất trong năm, kéo dài từ tháng 10 - 11 năm trước đến khoảng tháng 4 năm sau. Người dân cần thường xuyên theo dõi chất lượng không khí để có biện pháp bảo vệ sức khỏe. Các ứng dụng theo dõi chất lượng không khí phổ biến tại Việt Nam hiện nay là VNAir của Bộ Tài nguyên và Môi trường và hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air.

Cần lập ủy ban quốc gia giải quyết ô nhiễm

PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Phó Hiệu trưởng Trường Hóa và Khoa học Sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, ô nhiễm không khí là vấn đề đã được nhắc đến ở Việt Nam trong suốt 30 năm qua nhưng vẫn luôn ở mức độ “nóng” và chưa được giải quyết triệt để.

o-nhiem-mien-bac-1-1735015145.jpg
Phương tiện giao thông là một trong những nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết, việc cải thiện chất lượng không khí của chúng ta luôn chậm hơn so với thực tế. Bà đưa ra ví dụ, khi ô nhiễm không khí bắt đầu được chú ý, các biện pháp kiểm soát các nguồn thải từ sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng đã được triển khai, tiếp theo là các làng nghề, hoạt động đốt rơm rạ, đốt rác, nhưng trên thực tế lại xuất hiện thêm các nguồn ô nhiễm mới như giao thông và xây dựng.

PGS Tuyết nhận định, ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề cấp bách mà còn có tính liên tỉnh, liên vùng và liên ngành. Vì vậy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là vô cùng quan trọng, trong đó cần thành lập một ủy ban quốc gia trực thuộc Chính phủ, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành và địa phương. Trước mắt, nên ưu tiên giải quyết ô nhiễm ở các khu vực trọng điểm như Hà Nội, các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Thái Nguyên.

PGS Tuyết cũng nhấn mạnh, ngoài các mục tiêu dài hạn, cần đặt ra những mục tiêu ưu tiên trong ngắn hạn, khoảng 3 - 5 năm tới, tập trung tối đa nguồn lực để đạt được các mục tiêu này, đồng thời xây dựng các công cụ để đánh giá và giám sát các giải pháp được đề ra.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Đức Lượng - Khoa Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ, kinh nghiệm của Bắc Kinh (Trung Quốc) cho thấy, ngoài việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí trong phạm vi thành phố, thành phố này còn chủ động phối hợp với các khu vực lân cận để kiểm soát ô nhiễm không khí.

Bắc Kinh và các địa phương xung quanh đã thông qua các kế hoạch phối hợp, thống nhất tiêu chuẩn, cùng ứng phó các tình huống khẩn cấp và chia sẻ thông tin. Nhờ đó, chất lượng không khí trong toàn khu vực đã được cải thiện rõ rệt.

Từ bài học kinh nghiệm của Bắc Kinh, PGS Lượng cho rằng Việt Nam có thể thực hiện các nghiên cứu và xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí trên phạm vi vùng. Trong giai đoạn trước mắt, cần ưu tiên hai khu vực ô nhiễm nghiêm trọng nhất là Hà Nội và các tỉnh lân cận, khu vực TP. HCM cùng các tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết sẽ tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, đồng thời giám sát các nguồn phát thải khí, đặc biệt là từ các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt sinh khối, đốt phụ phẩm nông nghiệp, rơm rạ, khu vực xây dựng và các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Ngoài ra, Cục yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhất là những cơ sở phát sinh lượng bụi và khí thải lớn, phải nghiêm túc thực hiện biện pháp kiểm soát ô nhiễm, bảo đảm khí thải được xử lý đạt chuẩn kỹ thuật về môi trường. Các cơ sở này cần đôn đốc, giám sát việc lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.