Chuyên gia lý giải tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày càng nghiêm trọng

Chia sẻ về kinh nghiệm giảm thiểu ô nhiễm không khí, GS. Yafang Cheng cho rằng việc cắt giảm triệt để các nguồn phát thải là rất quan trọng. Trung Quốc đã áp dụng phương pháp khoa học để định hướng giảm phát thải một cách hiệu quả, sử dụng công nghệ để xác định các nguồn thải lớn, các chất ô nhiễm quan trọng và các đối tượng cần giảm phát thải.

Ô nhiễm có thể tồi tệ hơn gấp 3 - 4 lần

Những ngày gần đây, ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP. HCM luôn ở mức cao. Bầu không khí vào sáng sớm và chiều tối được bao phủ bởi lớp sương mù. Điều này khiến người dân vô cùng lo lắng.

PGS.TS Hồ Quốc Bằng - Viện trưởng Viện Phát triển Năng lực Lãnh đạo, Đại học Quốc gia TP. HCM cho biết, giao thông là nguồn phát thải lớn nhất tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM gây ra tình trạng ô nhiễm không khí. Dẫn chứng từ kết quả nghiên cứu năm 2022, PGS.TS Hồ Quốc Bằng cho hay, theo kiểm kê phát thải sử dụng mô hình Emisen, Hà Nội có tỉ lệ phát thải giao thông cao nhất cả nước.

o-nhiem-khong-khi-1-1733574651.png
Ô nhiễm không khí luôn ở mức cao tại Hà Nội những ngày qua

Với dân số khoảng 8,5 triệu người, hơn 6 triệu xe máy và 690.000 ô tô, Hà Nội có nguồn phát thải giao thông chiếm tới 87% NOx, 92% CO, 57% SO2, 86% NMVOC, 96% CH4 và 74% bụi mịn PM2.5. Trong đó, các hoạt động công nghiệp chiếm 39% tổng lượng phát thải SO2 tại Hà Nội. Còn tại TP. HCM, với dân số hơn 9 triệu người và 7,4 triệu xe máy, tỉ lệ phát thải CO từ giao thông chiếm 97,8%, bụi mịn PM2.5 chiếm 18%...

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Hồ Quốc Bằng, một yếu tố đáng chú ý khiến tình hình ô nhiễm không khí thêm phức tạp là tác động của thời tiết. Đây chính là lý do tại sao hiện tượng bụi mờ thường xảy ra vào sáng sớm hoặc trong mùa đông ở Hà Nội nhiều hơn so với TP. HCM. Hiện tượng này xảy ra do sự xuất hiện của một lớp "đệm" nhiệt vô hình, khiến các chất ô nhiễm bị mắc kẹt gần mặt đất thay vì được khuếch tán lên các tầng khí quyển cao hơn.

GS. Yafang Cheng - Viện nghiên cứu Hóa học Max Planck (Đức) cũng chỉ ra nguyên nhân chính tạo ra hiện tượng bụi mờ đô thị, hay còn gọi là mù quang hóa, là các hạt aerosol và muội than. Trong đó, aerosol được hình thành từ các hạt bụi mịn và kích hoạt các phản ứng quang hóa, dẫn đến một chuỗi hiện tượng ô nhiễm phức tạp. Điều này không chỉ làm trầm trọng thêm chất lượng không khí, mà còn tăng tỷ lệ tử vong do ô nhiễm, với ước tính 9 triệu ca tử vong trên toàn cầu trong năm 2019.

So với khoảng 7 triệu người tử vong vì Covid-19 trên toàn thế giới, GS. Yafang Cheng cảnh báo tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Bà dự báo trong những năm tới, hiện tượng ô nhiễm này có thể trở nên trầm trọng hơn gấp 3 - 4 lần do ảnh hưởng của các yếu tố như bức xạ nhiệt theo mùa, biến đổi khí hậu và lượng carbon đen trong không khí.

Giải pháp nào cho Việt Nam?

Chia sẻ về kinh nghiệm giảm thiểu ô nhiễm không khí, GS. Yafang Cheng cho rằng việc cắt giảm triệt để các nguồn phát thải là rất quan trọng. Trung Quốc đã áp dụng phương pháp khoa học để định hướng giảm phát thải một cách hiệu quả, sử dụng công nghệ để xác định các nguồn thải lớn, các chất ô nhiễm quan trọng và các đối tượng cần giảm phát thải.

o-nhiem-khong-khi-2-1733574651.png
Các chuyên gia đề xuất cắt giảm tận gốc các nguồn phát thải để giải quyết ô nhiễm không khí

Bà gợi ý rằng có thể sử dụng mạng lưới quan trắc kết hợp với các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và vệ tinh để theo dõi và đánh giá tình trạng cũng như diễn biến ô nhiễm không khí. Dựa trên các dữ liệu thu thập được, các cơ quan chức năng có thể xây dựng một lộ trình giải quyết vấn đề ô nhiễm một cách khoa học và hiệu quả.

Tại Trung Quốc, khoảng năm 2013 - 2015, nhóm của bà đã nỗ lực để có thể giảm phát thải do quá trình đốt cháy ở trong dân cư bằng cách khuyến khích chuyển sang sử dụng những loại như khí tự nhiên thì sẽ sạch hơn và có lợi cho không chỉ bầu không khí ngay trong nhà nữa.

Bà cũng cho rằng, nếu chỉ tập trung vào nỗ lực giảm phát thải mà không xem xét đến yếu tố phát triển kinh tế, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của đất nước. Vấn đề hiện nay là làm thế nào để có thể vừa giảm phát thải vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, GS. Yafang Cheng cũng nhấn mạnh việc cải thiện chất lượng không khí đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ cả chính quyền và người dân. Không chỉ cần tập trung nguồn lực tài chính, mà còn phải đẩy mạnh chiến dịch truyền thông và giáo dục để thay đổi nhận thức cộng đồng, khuyến khích mọi người tham gia vào các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, từ đó cùng chung tay bảo vệ môi trường.

GS. Daniel Kammen - Đại học California, Berkeley (Hoa Kỳ) cho biết, sự cần thiết phải tập trung phát triển năng lượng tái tạo để thay thế các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, ông cho rằng Chính phủ cần đưa ra các giải pháp mạnh mẽ để đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ môi trường nước và không khí.

Còn PGS.TS Hồ Quốc Bằng cho hay, để xác định nguyên nhân và xây dựng giải pháp cũng như lộ trình cải thiện chất lượng không khí, các địa phương cần thực hiện kiểm kê các nguồn phát thải. Việt Nam cần thiết lập hệ thống cảnh báo và dự báo chất lượng không khí, giúp người dân chủ động bảo vệ sức khỏe khi xảy ra các đợt ô nhiễm nghiêm trọng.

PGS Bằng đề xuất, ngoài việc đầu tư vào các hệ thống quan trắc tự động đạt chuẩn, yêu cầu chi phí lớn về tài chính và nhân lực, Việt Nam có thể triển khai các hệ thống quan trắc giá rẻ, sau đó hiệu chỉnh và kiểm định kỹ càng, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện dự báo và cảnh báo ô nhiễm. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải chú ý đến các nguồn phát thải mới như ô nhiễm từ hoạt động vận tải biển.