Trường không đạt yêu cầu về tiếng ồn: Học sinh dễ căng thẳng, ghi nhớ kém

Kết quả từ một nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho thấy, tiếng ồn ảnh hưởng rõ rệt nhất đến khả năng tập trung của học sinh, khiến các em dễ bị phân tâm và gặp khó khăn trong việc hiểu bài giảng.

5 trường học thì chỉ 1 trường đạt

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã công bố báo cáo về công tác giám sát vệ sinh phòng học và vệ sinh tay năm 2024 tại 95 trường học, với tổng cộng 3.335 phòng học, trải dài trên 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức (từ 23/9 đến 27/11). Kết quả cho thấy, 27/95 trường (chiếm 28%) đạt yêu cầu về ánh sáng.

27/95 trường (chiếm 28%) có nồng độ CO2 đạt yêu cầu. Tuy nhiên, hầu hết các trường sử dụng máy lạnh nhưng không trang bị quạt hút, dẫn đến nồng độ CO2 cao hơn mức tiêu chuẩn cho phép.

tieng-on-4-1734422907.jpg
Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (quận 4, TP. HCM) đạt cả 3 yêu cầu về ánh sáng, tiếng ồn và nồng độ CO2 (Ảnh: Hoài Nam)

Đáng chú ý, về tiếng ồn, chỉ có 17/95 trường (chiếm 18%) đạt tiêu chuẩn. Các trường nằm gần khu vực giao thông hoặc có khu vực tập thể dục gần phòng học thường có mức độ tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Điều này tương đương trung bình cứ 5 trường học thì chỉ khoảng 1 trường đạt yêu cầu về tiếng ồn. Việc ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng rất lớn tới quá trình học tập của các học sinh.

Tiếng ồn được đo bằng đơn vị dB, được định nghĩa là những âm thanh không mong muốn, gây khó chịu cho người nghe. Ô nhiễm tiếng ồn có thể gây ra những tác hại lớn đối với sức khỏe cộng đồng.

Trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn, là nơi có nguy cơ ô nhiễm tiếng ồn cao. Theo Hội phòng chống tiếng ồn và điếc thế giới, trong môi trường trường học, mức tiếng ồn dưới 50dB là lý tưởng để học sinh có thể học tập và tiếp thu hiệu quả.

Tiếng ồn ở mức 70dB có thể ảnh hưởng đến khả năng tư duy và học tập, trong khi tiếng ồn trên 80dB sẽ gây tác hại nghiêm trọng về cả tinh thần và thể chất, như giảm khả năng nghe và có thể dẫn đến điếc nếu tiếp xúc thường xuyên.

Tại Việt Nam, Thông tư số 24 ngày 30/06/2016 của Bộ Y tế "Quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn - mức tiếp xúc cho phép tiếng ồn tại nơi làm việc" chỉ rõ giới hạn mức áp suất âm trong các phòng làm việc trí óc, nghiên cứu thiết kế, thống kê, lập chương trình máy tính, phòng thí nghiệm lý thuyết và xử lý số liệu thực nghiệm không được vượt quá 55dB.

Bên cạnh đó, Thông tư số 39 ngày 16/12/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường "Quy định chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường" cũng quy định, tại các khu vực đặc biệt như cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa, mức tiếng ồn không được vượt quá 55dB trong khoảng thời gian từ 6h đến 21h hàng ngày.

tieng-on-3-1734422807.jpg
Mức độ tiếng ồn có ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, năng lực nhận thức và thể chất của học sinh

Tác động tiêu cực tới học sinh

Một nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) từng tiến hành cuộc khảo sát về mức độ ô nhiễm tiếng ồn tại 431 trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội. Kế quả cho thấy, mức độ tiếng ồn có ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, năng lực nhận thức và thể chất của học sinh.

Tiếng ồn ảnh hưởng rõ rệt nhất đến khả năng tập trung của học sinh, khiến các em dễ bị phân tâm và gặp khó khăn trong việc hiểu bài giảng. Nhiều học sinh chia sẻ rằng trí nhớ của các em kém hơn, thường xuyên quên ngay sau khi được cô giáo hoặc bạn bè nhắc nhở.

Cụ thể, theo thống kê, có 30% học sinh thường xuyên bỏ lỡ phần kiến thức quan trọng mà giáo viên giảng dạy; 26% không hiểu được hướng dẫn và do đó không hoàn thành nhiệm vụ; 20% mất tập trung trong giờ kiểm tra và bị mất điểm do cẩu thả; 21,1% bỏ cuộc trong những nhiệm vụ đòi hỏi nỗ lực trí tuệ; và 32% học sinh hay quên nhiệm vụ hoặc mất đồ cá nhân.

Tiếp xúc nhiều với tiếng ồn cũng khiến các em cảm thấy lo âu, căng thẳng, dễ rơi vào trạng thái hoảng hốt và trở nên cáu kỉnh, bực bội, dẫn đến những lời nói bột phát thiếu tôn trọng. Khảo sát tại một số trường có cường độ tiếng ồn từ 75dB trở lên cho thấy, tỷ lệ học sinh cảm thấy lo âu ở mức vừa và nặng lên tới 70,2%, tỷ lệ học sinh có mức độ trầm cảm vừa và nặng là 60,9%, và 55% học sinh cảm thấy căng thẳng (stress) ở mức độ vừa và nặng.

Bên cạnh đó, nhiều học sinh cho biết, tiếp xúc với tiếng ồn bất ngờ và có cường độ cao làm các em cảm thấy hoa mắt, nhìn mọi thứ mờ đi. Sau mỗi tiết học có nhiều tiếng ồn, đa số học sinh cảm thấy mệt mỏi, một số em còn cảm thấy ù tai, nhức đầu, đau tức vùng thượng vị và gặp khó khăn trong việc ngủ.

Nghiên cứu của các nhà khoa học từ Viện Sức khỏe toàn cầu Barcelona (Tây Ban Nha) cũng chỉ ra rằng, trẻ em học tại các trường có mức độ tiếng ồn giao thông cao, đặc biệt là ở các thành phố lớn, có sự phát triển nhận thức chậm hơn so với nhóm học sinh còn lại.

Trong nghiên cứu này, nhóm các nhà khoa học đã đánh giá khả năng tập trung và trí nhớ của trẻ em, cả trong lúc học tập lẫn vui chơi. Trong suốt 12 tháng, các em tham gia 4 bài kiểm tra nhận thức và các phép đo tiếng ồn được thu thập trong thời gian đó.

Kết quả phân tích cho thấy, những học sinh học tại các trường có mức độ tiếng ồn giao thông cao phát triển trí nhớ và khả năng tập trung chậm hơn. Cụ thể, khi mức độ tiếng ồn ngoài trời tăng thêm 5 decibel so với mức trung bình, khả năng ghi nhớ của trẻ giảm 11,5% và khả năng tập trung khi làm các bài tập khó giảm tới 23,5%.

Một nghiên cứu khác của Viện Sức khỏe toàn cầu Barcelona và Đại học Jordi Gol (Tây Ban Nha) còn cho thấy, tiếng ồn không chỉ tác động xấu đến sự phát triển của não bộ mà còn làm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ em.