Theo Apple, ứng dụng thương mại điện tử do Trung Quốc sở hữu đã được tải xuống nhiều lần trong năm nay, hơn cả TikTok, Threads và ChatGPT.
Temu, thuộc sở hữu của PDD Holdings, đặc biệt phổ biến trong số những người tiêu dùng thuộc thế hệ Z, bán đủ thứ từ đồ dùng công nghệ cho tới quần áo với mức giá cực rẻ. Theo công ty phân tích ứng dụng Appfigures, công ty đã thu thập dữ liệu từ người dùng iOS và Android, những người thuộc thế hệ Z từ 18 đến 24 tuổi đã tải xuống ứng dụng này 42 triệu lần trong 10 tháng đầu năm 2024.
Gã khổng lồ thương mại điện tử này ra mắt tại Mỹ vào năm 2022 và đã có sự tăng trưởng vượt bậc kể từ đó. Doanh số quý 3 của PDD Holdings tăng 44% lên 14,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023, theo tỷ giá hối đoái vào ngày 30/9.
Công ty đã đầu tư hàng triệu USD để tiếp thị đến người mua sắm tại Mỹ và các quốc gia khác. Đơn cử, 3 quảng cáo của Temu được phát sóng trong trận Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ gần đây, trong đó một đoạn clip dài 30 giây trong trận đấu được nhiều người xem này có thể tốn tới 7 triệu USD, điều này cho thấy mức độ đầu tư “khủng” cũng như quyết tâm chinh phục thị trường TMĐT của Temu trên toàn cầu.
Với việc tổng thống đắc cử Donald Trump đe dọa áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc, uy tín của Temu có thể bị đe dọa nếu công ty này phải tăng giá để bù đắp mức thuế có thể lên tới 60% đối với các sản phẩm của mình.
Các ứng dụng từ các nhà bán lẻ Amazon, Shein và McDonald's cũng lọt vào danh sách 20 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất của Apple App Store trong năm nay — điều này cho thấy người tiêu dùng đang săn lùng các sản phẩm giảm giá trên nhiều danh mục.
McDonald's đã thành công khi sử dụng các chương trình khuyến mãi có mục tiêu trong ứng dụng để xây dựng lòng trung thành của khách hàng. Đầu năm nay, người đứng đầu chuỗi nhà hàng tại Mỹ cho biết khách hàng thân thiết ghé thăm thường xuyên hơn 15% và chi tiêu gần gấp đôi so với khách hàng không thân thiết, với doanh số nền tảng khách hàng thân thiết dự kiến sẽ đạt 45 tỷ đô la vào năm 2027.
Về phần mình, Amazon đã tìm cách tận dụng sức hấp dẫn về giá rẻ của Temu và Shein bằng mục Haul mới, đây cũng là trải nghiệm mua sắm chỉ có trên ứng dụng.
Tại Việt Nam, Temu hiện vẫn đang trong trạng thái ngừng hoạt động chờ xin cấp phép. Trước đó, ứng dụng TMĐT này bị tố bán hàng “chui” khi chưa được cấp phép. Mặc dù Temu đã có đăng ký kinh doanh và đã có mã số thuế, tuy nhiên điều này vẫn chưa đủ điều kiện để sàn có thể hoạt động chính thức tại Việt Nam. Sau một loạt những động thái “rắn” của cơ quan chức năng, Temu buộc phải tuân thủ quy định, dừng hoạt động và chờ đợi. Trong khi đó, họ cũng sẽ phải có trách nhiệm hoàn lại các giá trị đã thanh toán của khách hàng đã đặt mua mà chưa nhận được sản phẩm trước đó.