Người mua hàng có được hoàn tiền khi Temu bất “đóng băng” hoạt động tại Việt Nam?

Về khả năng hoàn tiền, theo luật sư Trần Tuấn Anh, việc này phụ thuộc vào thiện chí của Temu. Nếu họ cam kết hoàn tiền và có ý định đăng ký hoạt động chính thức tại Việt Nam, có thể họ sẽ hoàn trả tiền cho những khách hàng đã mua hàng. Tuy nhiên, nếu Temu ngừng hoạt động tại Việt Nam và không thực hiện cam kết hoàn tiền, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là rất khó khăn.

Động thái “lạ” của Temu

Ngày 4/12, nhiều khách hàng phản ánh đã đặt mua sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Temu từ đầu tháng 11 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hàng. Chị Lê Thị Huyền (Hà Nội) đã đặt một chiếc túi xách trị giá hơn 1,3 triệu đồng trên Temu vào ngày 6/11. Nhưng đến nay, khi kiểm tra qua ứng dụng, đơn hàng của chị vẫn chỉ đang ở trạng thái "chuẩn bị", mà chưa có thông tin gì về việc vận chuyển.

Chị Huyền cho biết đã liên hệ với bộ phận hỗ trợ của Temu, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào. Đơn hàng đã được đặt và thanh toán trước nên chị tôi rất lo lắng.

temu-1733373783.png
Thông báo của Temu về việc "hàng có thể bị mất" đối với đơn đã đặt mua 

Tương tự, anh Lê Tiến (Hà Nội) cũng đã đặt mua một đôi giày từ đầu tháng 11, dự kiến nhận hàng vào ngày 13 - 15/11. Nhưng quá hạn giao cả tuần, anh vẫn chưa nhận được hàng. Anh kiểm tra trên ứng dụng Temu, sàn này thông báo gói hàng có thể bị mất và người mua có thể yêu cầu hoàn tiền. Anh Hoàng cho hay, dù đã gửi yêu cầu gần nửa tháng nhưng anh vẫn chưa nhận được hoàn tiền từ Temu.

Anh Cao Nhân (Hải Phòng) cũng đặt hàng từ ngày 18/11, đến nay vẫn chưa được giao. Anh Nhân cho biết, trước đó, anh đã mua 4 đơn hàng trên Temu và nhận được rất nhanh, chỉ mất khoảng 4 ngày. Tuy nhiên, đơn hàng có giá trị hơn 1 triệu đồng từ ngày 18/11 thì vẫn chưa thấy đâu.

Đáng chú ý, trên website của Temu, phiên bản tiếng Việt đã bị gỡ bỏ. Dòng thông báo "Temu đang làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để đăng ký việc cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam" vẫn hiển thị trên website và ứng dụng Temu mỗi khi người dùng truy cập, tuy nhiên, thông báo này chỉ xuất hiện bằng tiếng Anh.

Bên cạnh đó, hầu hết các giao dịch và chương trình, chính sách thưởng hoa hồng đối với Affiliate Marketing cũng không còn hoạt động. Temu đã thông báo sẽ cắt toàn bộ chương trình này.

Động thái này của Temu khiến những người đã đặt hàng, thanh toán qua sàn thương mại điện tử lo lắng bị mất tiền. Trước đó, từ đầu tháng 11, Temu đã thay đổi chính sách với thị trường Việt Nam, yêu cầu người dùng chỉ có thể chốt đơn với giá trị tối thiểu 887.000 đồng và không quá 1 triệu đồng. Trái ngược với thời điểm cuối tháng 9, khi Temu mới xuất hiện tại Việt Nam, sàn này không có yêu cầu về giá trị đơn hàng, chỉ yêu cầu mua tối thiểu 120.000 đồng để được nhận ưu đãi miễn phí giao hàng.

Trước sự lo lắng của người tiêu dùng về việc sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu đột ngột "đóng băng", chuyển ngôn ngữ trên website từ tiếng Việt sang tiếng Anh, cũng như tình trạng giao hàng chậm trễ, Bộ Công Thương đã có thông tin chính thức về vấn đề này.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd - chủ sở hữu nền tảng Temu đã thực hiện đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thông qua Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT (online.gov.vn). Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tiến hành rà soát và yêu cầu Temu bổ sung hồ sơ.

Đến nay, Temu đã nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung lần hai. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang trong quá trình xem xét theo các quy định của Nghị định 52 năm 2013 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 85 năm 2021) về thương mại điện tử.

Trong thời gian hoàn thiện hồ sơ, Temu đã thực hiện một số yêu cầu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số. Cụ thể, Temu buộc phải tạm dừng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam, không sử dụng tiếng Việt trên website Temu.com và ứng dụng di động Temu.

Sàn cũng phải cảnh báo người tiêu dùng về việc đang trong quá trình đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với Bộ Công Thương, để người tiêu dùng biết rằng đây là website và ứng dụng chưa được cấp phép và cần thận trọng khi thực hiện giao dịch.

Bên cạnh đó, Temu phải gỡ bỏ các chương trình khuyến mãi chưa tuân thủ quy định về xúc tiến thương mại theo pháp luật Việt Nam, bao gồm việc loại bỏ toàn bộ các sản phẩm có khuyến mãi trên 50% theo Nghị định 81 năm 2018. Đồng thời, các chương trình kêu gọi người dùng tham gia kinh doanh để nhận thưởng và hoa hồng cũng phải được ngừng triển khai tại thị trường Việt Nam.

temu-1-1733373783.jpg
Bộ Công Thương vừa đưa ra thông tin về việc sàn Temu đột ngột "đóng băng" hoạt động

Liệu người mua có lấy lại được tiền?

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trần Tuấn Anh - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, khi mua hàng trên sàn Temu, người tiêu dùng phải thanh toán ngay bằng thẻ thanh toán quốc tế. Điều này có nghĩa là nếu Temu ngừng kinh doanh tại Việt Nam, nguy cơ người mua không nhận được hàng và mất tiền là rất cao.

Về khả năng hoàn tiền, theo luật sư Trần Tuấn Anh, việc này phụ thuộc vào thiện chí của Temu. Nếu họ cam kết hoàn tiền và có ý định đăng ký hoạt động chính thức tại Việt Nam, có thể họ sẽ hoàn trả tiền cho những khách hàng đã mua hàng. Tuy nhiên, nếu Temu ngừng hoạt động tại Việt Nam và không thực hiện cam kết hoàn tiền, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là rất khó khăn, dù về lý thuyết là có thể.

Vị luật sư giải thích, người tiêu dùng hoàn toàn có thể khiếu nại hoặc khởi kiện để yêu cầu đòi lại tiền hoặc hàng hóa đã mua. Tuy nhiên, trên thực tế, việc này gần như không thể thực hiện được vì Temu là một sàn thương mại điện tử quốc tế, hoạt động ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Do đó, sàn này không thuộc sự kiểm soát của pháp luật Việt Nam, mặc dù hệ thống pháp lý tại Việt Nam có đủ quy định bảo vệ người tiêu dùng.

Việc thực hiện các thủ tục pháp lý đối với một pháp nhân ngoài lãnh thổ Việt Nam gần như không mang lại hiệu quả thực tế trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Nếu có thể thực hiện, chi phí để tiến hành tố tụng sẽ gấp nhiều lần so với giá trị đơn hàng mà người tiêu dùng bị mất.

Tuy nhiên, luật sư Trần Tuấn Anh vẫn khuyến cáo người tiêu dùng đã đặt hàng trên Temu nên thực hiện 2 bước quan trọng. Thứ nhất, hãy liên hệ với Temu để kiểm tra tình trạng giao hàng, vì có thể quá trình giao hàng gặp khó khăn do thủ tục hải quan. Thứ hai, người tiêu dùng nên xem xét việc hủy đơn hàng và yêu cầu hoàn tiền để chờ đợi thiện chí từ Temu.

Từ vụ việc Temu, luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, để chủ động bảo vệ quyền lợi khi sử dụng sàn Temu cũng như các sàn thương mại điện tử khác, người tiêu dùng nên lựa chọn các sàn uy tín, có giấy phép hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, có chính sách đổi trả và hoàn tiền rõ ràng, cùng với hệ thống chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, việc đòi lại quyền lợi khi mua sắm trực tuyến thường phức tạp và tốn nhiều thời gian. Do đó, người tiêu dùng cần trang bị kiến thức và cẩn trọng khi mua hàng để tránh rủi ro.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, người tiêu dùng cần thận trọng với các giao dịch có giá quá rẻ. Khi mua hàng trên bất kỳ sàn thương mại điện tử nào, người tiêu dùng nên lưu giữ hóa đơn, chứng từ mua hàng, thông tin liên lạc với người bán để có bằng chứng khi cần thiết. Nên chụp ảnh sản phẩm khi nhận hàng, và nếu có thể, quay video khi mở hàng để có thêm bằng chứng nếu sản phẩm không đúng như mô tả.

Trước đó, khi các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… đổ bộ vào thị trường nước ta mà chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã cảnh báo người tiêu dùng thận trọng và không thực hiện giao dịch với những nền tảng chưa được xác nhận đăng ký trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Temu bắt đầu hoạt động mạnh mẽ tại Việt Nam từ đầu tháng 10 và nhanh chóng thu hút sự chú ý với các quảng cáo rầm rộ về những mặt hàng giá rẻ "sập sàn" và ưu đãi lên đến 90%. Ngoài ra, sàn này còn thu hút người tham gia với các phần thưởng lớn khi giới thiệu người đăng ký Temu.